Đau cổ vai gáy là một chứng bệnh cơ xương khớp khá phổ biến, xuất hiện ở nhiều đối tượng với những mức độ khác nhau. Với mỗi mức độ từ nhẹ đến nặng của bệnh sẽ có các phương pháp điều trị phù hợp theo hướng dẫn của các bác sĩ Cơ Xương Khớp.
Nhìn chung, mục tiêu trong điều trị đau cổ vai gáy gồm:
- Điều trị triệu chứng bệnh kết hợp với giải quyết nguyên nhân nếu có thể.
- Kết hợp điều trị thuốc với các biện pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và các biện pháp không dùng thuốc khác.
- Chỉ định điều trị ngoại khoa khi cần thiết
Điều trị không dùng thuốc
Với trường hợp người bệnh đau cổ vai gáy ở mức độ nhẹ, ưu tiên việc thay đổi thói quen sinh hoạt, công việc (tư thế ngồi làm việc, sử dụng máy tính, tư thế đầu cổ và vai...)
Trong giai đoạn cấp khi bị đau nhiều đột ngột làm hạn chế cử động của cổ, có thể sử dụng đai cổ mềm kết hợp với chườm ấm vùng cổ vai, tập căng giãn cơ vùng cổ vai giúp cột sống cổ thư giản, giảm hiện tượng co thắt cơ. Tập vận động cột sống cổ, vai, cánh tay bằng các bài tập phù hợp cũng được khuyến nghị thực hiện.
Ngoài ra, cũng có thể sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu như liệu pháp nhiệt, siêu âm liệu pháp, châm cứu và kéo giãn cột sống tại các cơ sở điều trị vật lý và phục hồi chức năng.
Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc giảm đau cũng có thể được sử dụng nhưng cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc giảm đau thường được sử dụng cho người bệnh đau cổ vai gáy như:
- Paracetamol
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, celecoxib, …
Ngoài các thuốc giảm đau trên, một số nhóm thuốc khác cũng được chỉ định sử dụng, gồm:
- Thuốc giảm đau thần kinh được chỉ định khi bệnh lý rễ thần kinh nặng hoặc dai dẳng. Khi bắt đầu điều trị, nên dùng liều thấp và tăng dần theo phản ứng của bệnh nhân
- Khi có biểu hiện đau thần kinh mạn tính hoặc rối loạn giấc ngủ, có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng ở liều thấp.
- Cũng có thể dùng vitamin nhóm B, như viên 3B (B1, B6, B12) hoặc dẫn chất B12 mecobalamin
Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa sẽ được chỉ định cho trường hợp người bệnh đau nhiều, đã điều trị nội khoa nhưng cải thiện không đáng kể và có tổn thương thần kinh nặng và tiến triển, có chèn ép tủy cổ đáng kể.
Các phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định cho những bệnh nhân đau cổ vai gáy gồm:
- Chỉnh sửa cột sống để giải phóng chèn ép thần kinh tại các lỗ tiếp hợp bị hẹp
- Lấy nhân nhầy đĩa đệm thoát vị
- Hàn đốt sống và làm vững cột sống
Một số lưu ý về chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng
Để đạt được hiệu quả cao trong quá trình điều trị đau vai gáy, người bệnh cần thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng hàng ngày như sau:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và không tự ý ngừng điều trị khi cảm thấy đau đã giảm đi.
- Tránh các hoạt động xoay vặn mạnh cột sống cổ đột ngột để tránh gây co thắt cơ hay tổn thương cho dây thần kinh.
- Không nằm hoặc ngồi một chỗ quá lâu để tránh làm cứng và mất linh hoạt cho các cơ vùng cổ.
- Thực hiện những bài tập giúp giảm triệu chứng đau cổ vai gáy thường xuyên
- Bổ sung các khoáng chất cần thiết cho xương và khớp như canxi, omega-3, vitamin C-D-E, vitamin nhóm B, glucosamine.
- Hạn chế ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ và các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
Điều quan trọng nhất trong quá trình điều trị đau cổ vai gáy là cần phải tuân thủ những chỉ định cũng như hướng dẫn của các bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất trong thời gian tối ưu nhất.