Đau cổ vai gáy: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị
Đau cổ vai gáy: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị
Đau cổ vai gáy: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị - Ảnh: BookingCare
Đau cổ vai gáy: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị - Ảnh: BookingCare

Đau cổ vai gáy: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 14/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 02/01/2024
Đau cổ vai gáy là hiện tượng các cơ vùng vai gáy bị co cứng, gây đau, gây nên các hạn chế vận động khi quay cổ hoặc quay đầu.

Đau cổ vai gáy là bệnh cơ xương khớp phổ biến, có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Bệnh nhân thường có biểu hiện đau, nhức mỏi vùng cổ gáy, vùng đầu và có thể khiến người bệnh khó khăn khi vận động. Tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh lý này trong bài viết dưới đây từ BookingCare.

Nguyên nhân gây đau cổ vai gáy

Hấu hết các trường hợp đau cổ vai gáy là do các bệnh cơ xương khớp gây ra  hoặc chấn thương hay tư thế không đúng. Cụ thể, các nguyên nhân gây ra đau cổ vai gáy bao gồm:

  • Sai tư thế
  • Căng cơ đột ngột hoặc quá lâu, đặc biệt là các cơ vùng cổ
  • Thoái hóa đốt sống cổ
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ 
  • Chấn thương mô mềm cột sống cổ
  • Một số bệnh lý khác như nhồi máu cơ tim, u đỉnh phổi, viêm khớp, hoặc bệnh lý cột sống cổ có thể gây đau cổ vai gáy

Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc chứng đau cổ vai gáy như:

  • Những người làm công việc văn phòng, lái xe, lao động nặng: Những người thường phải ngồi lâu hoặc thực hiện các động tác lặp đi lặp lại vùng cổ vai trong công việc hàng ngày có nguy cơ cao mắc đau cổ vai gáy

  • Những đối tượng bị tác động từ bên ngoài hoặc bệnh lý bên trong cơ thể: Các tác động bên ngoài như căng cơ sau chơi thể thao, sai tư thế, thoái hóa, thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ có thể gây ra đau cổ vai gáy. Ngoài ra, những người bị nhồi máu cơ tim, u đỉnh phổi cũng có thể gây ra đau cổ vai gáy
  • Những người bị dị tật bẩm sinh vùng cổ, gáy: Những người có dị tật bẩm sinh vùng cổ, gáy có thể có nguy cơ cao mắc đau cổ vai gáy

Triệu chứng đau cổ vai gáy

Một số các triệu chứng khi người bệnh bị đau cổ vai gáy:

  • Đau, nhức, mỏi vùng vai và cổ, đặc biệt đau tăng khi ngồi lâu, đi lại hoặc vận động cột sống cổ
  • Đau nặng hơn khi thời tiết thay đổi
  • Trong trường hợp nặng cơn đau từ cổ vai gáy có thể lan xuống cánh tay, cẳng tay và ngón tay gây khó khăn cho các hoạt động cầm, nắm. Thậm chí chỉ cần sờ vào cũng có cảm giác như tê cứng bì, đây là biểu hiện tăng cảm giác.
  • Trường hợp đau cổ vai gáy nghiêm trọng, cảm giác đau nhức có thể xuất hiện dù chỉ đi lại, cử động nhẹ nhàng

Phương pháp chẩn đoán đau cổ vai gáy

Bước đầu tiên, các bác sĩ sẽ tiến hành hỏi về các triệu chứng, thời gian xuất hiện và tần suất đau cổ vai gáy của bệnh nhân. Các thông tin về hoạt động hàng ngày, tư thế làm việc, và các yếu tố gây đau khác cũng được thu thập để đánh giá nguyên nhân gây ra đau cổ vai gáy. 

Theo đó, bác sĩ cũng sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng để kiểm tra vùng cổ vai gáy và xác định các dấu hiệu bất thường bao gồm: kiểm tra độ linh hoạt, đánh giá sự đau nhức và hạn chế vận động của vùng cổ vai gáy.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh cũng sẽ được chỉ định để đánh giá chi tiết hơn về tình trạng bệnh:

  • Chụp X-quang
  • Chụp cộng hưởng từ MRI
  • Chụp CT-scan
  • Điện cơ đồ (EMG)

Phương pháp điều trị đau cổ vai gáy

Để điều trị đau cổ vai gáy, cần kết hợp giữa việc điều trị nội khoa, bao gồm dùng thuốc và phục hồi chức năng. Chỉ áp dụng phương pháp điều trị ngoại khoa trong trường hợp nặng hoặc thất bại với điều trị bảo tồn tích cực

Dưới đây là một số phương pháp điều trị đau cổ vai gáy hiệu quả:

  • Vận động và tập thể dục: Vận động nhẹ nhàng và tập thể dục đều đặn có thể giúp cải thiện sự linh hoạt và sức mạnh của cổ vai gáy. Các bài tập như xoay cổ, nghiêng cổ, kéo cổ và kéo vai có thể được thực hiện để giảm đau và cải thiện tình trạng đau cổ vai gáy 
  • Tập giãn cơ:Tập giãn cơ vùng cổ vai gáy có thể giúp giảm đau và giảm căng thẳng cơ. Bạn có thể tự tập các bài giãn cơ vùng cổ gáy theo hướng dẫn hoặc nhờ kỹ thuật viên vật lý trị liệu kéo giãn cơ cho bạn. Tuy nhiên, nếu đau cổ vai gáy làdo nguyên nhân nghiêm trọng, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tập
  • Thuốc giảm đau và kháng viêm: Thuốc như paracetamol, ibuprofen hoặc diclofenac có thể được sử dụng để giảm đau và giảm viêm trong trường hợp đau cổ vai gáy nhẹ 
  • Thay đổi tư thế khi sinh hoạt, làm việc: Nếu công việc của bạn đòi hỏi phải ngồi lâu hoặc làm việc trong tư thế không thoải mái, hãy thay đổi tư thế làm việc và thường xuyên nghỉ ngơi để giảm căng thẳng và phòng ngừa đau cổ vai gáy

Chăm sóc người bệnh đau cổ vai gáy tại nhà

Người bệnh đau cổ vai gáy nên thực hiện các biện pháp sau để giảm triệu chứng đau cổ vai gáy tại nhà:

  • Nghỉ ngơi: Đau cổ vai gáy thường do căng thẳng và sự căng cơ. Nghỉ ngơi là một cách hiệu quả để giảm đau và cho cơ thể thời gian để tự phục hồi
  • Chườm ấm: Áp dụng nhiệt lên vùng cổ vai gáy có thể giúp giảm đau và thư giãn cơ. Bạn có thể sử dụng chai nước nóng, gói nhiệt hoặc bình nước nóng để áp dụng nhiệt lên vùng đau
  • Tập thể dục nhẹ: Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hoặc yoga có thể giúp cải thiện sự lưu thông máu và giảm đau cổ vai gáy
  • Massage: Massage nhẹ nhàng vùng cổ vai gáy có thể giúp giảm căng cơ và tăng cường lưu thông máu, lưu ý: tránh bóp hay nắn cơ
  • Tránh gây áp lực lên vùng cổ vai gáy:  Tránh các hoạt động hoặc tình huống gây căng thẳng cho cổ vai gáy, như ngồi lâu trước máy tính hoặc nâng vật nặng
  • Sử dụng gối hỗ trợ: Sử dụng gối hỗ trợ khi ngồi hoặc nằm có thể giúp giữ cổ vai gáy trong tư thế đúng và giảm căng cơ

Đau cổ vai gáy là một vấn đề sức khỏe phổ biến và có thể gâyảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh. Việc duy trì một lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp ngăn ngừa sự phát triển và tái phát của tình trạng đau cổ vai gáy. Nếu bạn hoặc người thân trong gia đình đang phải đối mặt với bệnh lý đau cổ vai gáy, hãy tìm đến sự tư vấn của các bác sĩ Cơ Xương Khớp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết