Suy tuyến yên xảy ra khi tuyến yên - một tuyến nội tiết nằm ở đáy não không sản xuất hoặc sản xuất không đủ hormone. Sự thiếu hormone này sẽ ảnh hưởng đến chức năng của những bộ phận khác trong cơ thể. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết thêm về các phương pháp điều trị suy tuyến yên hiện nay.
Nếu một khối u xuất hiện bên trong hoặc xung quanh tuyến yên là nguyên nhân gây ra suy tuyến yên, bác sĩ có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ khối u đó.
U tuyến yên thường lành tính và phát triển chậm. Tuy nhiên có thể gây rối loạn chức năng tuyến yên như rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, mệt mỏi. U tuyến yên kích thước lớn có thể chèn vào giao thoa thị giác gây suy giảm thị lực, chèn ép các dây thần kinh gây tê vùng mặt. Các khối u tuyến yên kích thước lớn có thể gây biểu hiện đau đầu, buồn nôn.
Một vài u tuyến yên có thể điều trị bằng xạ trị. Phương pháp này dùng để điều trị phần u tuyến yên còn sót lại hoặc ngăn chặn sự tái phát của khối u sau phẫu thuật. Xạ trị cũng điều trị khối u không thể phẫu thuật cắt bỏ được hoặc khối u tái phát sau phẫu thuật.
Bác sĩ sẽ sử dụng các chùm tia bức xạ từ bên ngoài sau đó cho xuyên qua da và sọ, tới khối u. Khi các chùm tia bức xạ chiếu vào khối u, tiêu diệt các tế bào u bằng cơ chế phá hủy DNA.
Bệnh nhân thường được điều trị kết hợp với liệu pháp thay thế hormone. Nếu không khắc phục được chức năng tuyến yên, bệnh nhân có khả năng phải điều trị duy trì suốt đời với hormone thay thế. Bên cạnh đó, người bệnh nên thường xuyên tái khám bác sĩ để theo dõi các triệu chứng và nồng độ hormone trong máu, giúp đảm bảo cung cấp đúng lượng thuốc.