Suy tuyến yên: Biểu hiện, nguyên nhân, phương pháp điều trị
Suy tuyến yên: Biểu hiện, nguyên nhân, phương pháp điều trị
Suy tuyến yên làm ảnh hưởng tới các chức năng thông thường của cơ thể
Suy tuyến yên làm ảnh hưởng tới các chức năng thông thường của cơ thể - Ảnh: BookingCare

Suy tuyến yên: Biểu hiện, nguyên nhân, phương pháp điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 09/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 12/04/2024
Suy tuyến yên là một rối loạn ít gặp, khi đó tuyến yên không sản xuất hoặc sản xuất không đủ hormone. Điều này cũng gây ảnh hưởng khá lớn tới đời sống thường ngày của người bệnh.

Tuyến yên hay có tên gọi khác là tuyến não thùy, là một tuyến nội tiết có kích thước lớn bằng hạt đậu và nằm ở đáy não, phía sau mũi và giữa hai tai. Đây là một tuyến quan trọng, tiết ra kích thích tố giữ vai trò chỉ đạo hoạt động của hầu hết các tuyến nội tiết khác.

Trong bài viết này, BookingCare sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về biểu hiện, nguyên nhân và phương pháp điều trị suy tuyến yên.

Triệu chứng suy tuyến yên

Các triệu chứng của suy tuyến yên thường bị bỏ qua trong vài tháng hoặc thậm chí là cả năm. Trong khoảng thời gian đó, suy tuyến yên thường tiến triển.

Các dấu hiệu và triệu chứng của suy tuyến yên thay đổi, phụ thuộc vào hormone tuyến yên bị thiếu ở mức như thế nào. Có thể kể đến các triệu chứng sau:

  • Tình trạng mệt mỏi
  • Giảm cân nặng
  • Giảm ham muốn tình dục, ở nam giới tinh hoàn teo nhỏ, ở nữ giới có thể mất kinh nguyệt, teo buồng trứng
  • Khó giữ ấm cơ thể và nhạy cảm với cảm lạnh 
  • Giảm cảm giác thèm ăn
  • Da khô, phù nề, sưng mặt
  • Thiếu máu

Một số dấu hiệu riêng ở nữ giới là mất lông mu và không có khả năng sản xuất sữa để nuôi con. Còn riêng nam giới sẽ có triệu chứng giảm lông vùng mặt, lông cơ thể, rụng tóc.

Ngoài ra, triệu chứng suy tuyến yên nguy hiểm hơn là rối loạn thị giác, đau nhức đầu nặng, rối loạn huyết áp.

Nguyên nhân suy tuyến yên

Suy tuyến yên thường được gây ra bởi một khối u của tuyến yên. Khối u tuyến yên tăng kích thước có thể chèn ép và làm hư hại tế bào tuyến yên, can thiệp vào sản xuất hormone. Chúng cũng có thể chèn ép các dây thần kinh thị giác, gây rối loạn thị giác.

Nguyên nhân dẫn đến suy tuyến yên cũng có thể do gen đột biến dẫn đến sản xuất hormone tuyến yên suy giảm hoặc do một số căn bệnh khác và sự thiệt hại tuyến yên, ví dụ như:

  • Chấn thương vùng đầu
  • Khối u ở não/ Phẫu thuật não/ Nhiễm trùng não (Viêm màng não)
  • Xạ trị
  • Đột quỵ
  • Bệnh lao
  • Do thâm nhiễm: tuyến yên bị thâm nhiễm các tế bào histiocyte, hemosiderin hay sarcoid granuloma
  • Do viêm: giang mai, lao, nấm, nhiễm trùng mủ nặng gây viêm não, màng não
  • Dị tật bẩm sinh

Mất máu nặng trong khi sinh, có thể gây ảnh hưởng lớn đến tuyến yên (hội chứng Sheehan, hoặc suy tuyến yên sau sinh).

Trong một vài trường hợp, nguyên nhân của suy tuyến yên chưa xác định được.

Xét nghiệm chẩn đoán suy tuyến yên

Nếu bác sĩ nghi ngờ suy tuyến yên, bệnh nhân có thể sẽ phải làm một số xét nghiệm để kiểm tra mức độ của kích thích tố khác nhau trong cơ thể. 

Các xét nghiệm của bác sĩ có thể kể đến:

  • Xét nghiệm máu: Những xét nghiệm này đo lường mức độ hormone được tạo ra trong tuyến yên và những hormone được tạo ra trong các tuyến mà tuyến yên kiểm soát, chẳng hạn như tuyến giáp, tuyến thượng thận. Từ đó, có thể giúp phát hiện thiếu hụt hormone của suy tuyến yên.
  • Kích thích hoặc thử nghiệm động: Bác sĩ có thể đề nghị đến phòng khám chuyên về tình trạng nội tiết, để thực hiện các xét nghiệm đo nồng độ hormone. Những xét nghiệm này kiểm tra nồng độ hormone của cơ thể trước và sau khi dùng thuốc khiến cơ thể sản xuất hormone.
  • Chụp hình ảnh não: Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) não có thể phát hiện khối u tuyến yên hoặc bất thường cấu trúc khác.
  • Thử nghiệm tầm nhìn. Thử nghiệm này sẽ giúp xác định sự phát triển của khối u tuyến yên và ảnh hưởng của chúng đến suy giảm thị lực hoặc các lĩnh vực thị giác.
  • Chụp X quang: Ở trẻ em, hình ảnh X quang vị trí bàn tay và cổ tay có thể hỗ trợ đo lường các xương có phát triển bình thường.
Hình ảnh Chụp cắt lớp vi tính (CT) - Ảnh: Freepik
Hình ảnh Chụp cắt lớp vi tính (CT) - Ảnh: Freepik

Phương pháp điều trị suy tuyến yên

Nếu suy tuyến yên được điều trị thành công thì có thể phục hồi một phần hay hoàn toàn việc sản xuất các hormone tuyến yên bình thường. 

Phẫu thuật loại bỏ sự tăng trưởng khối u là phương pháp điều trị thông thường cho các khối u tuyến yên. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng khuyên người bệnh nên sử dụng phương pháp điều trị phóng xạ.

Nếu tình trạng thiếu hormone vẫn tồn tại sau khi điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc nhiều loại thuốc thay thế hormone (Corticosteroid, Levothyroxine, Desmopressin,…).

Liều lượng của thuốc được thiết lập sao phù hợp với số hormone mà cơ thể sản xuất bình thường khi không có vấn đề về tuyến yên. Việc điều trị trên thường kéo dài suốt đời.

Phòng ngừa suy tuyến yên hiệu quả

Không có cách nào ngăn ngừa suy tuyến yên, nhưng bạn có thể chú ý hơn tới các triệu chứng của bệnh. Bởi vì tiên lượng cho bệnh suy tuyến yên khác nhau và phụ thuộc vào những yếu tố sau:

  • Độ tuổi của người bệnh khi bắt đầu có chứng suy tuyến yên
  • Nguyên nhân gây nên suy tuyến yên của người bệnh
  • Cơ thể người bệnh đang thiếu hormone như thế nào
  • Cơ thể người bệnh phản ứng thế nào với việc điều trị

Trong hầu hết các trường hợp, những người bị suy tuyến yên cần phải theo dõi các hormone và triệu chứng của họ một cách chặt chẽ và trong khoảng thời gian suốt đời.

Dù trong trường hợp nào, khi xuất hiện dấu hiệu suy tuyến yên, người bệnh nên tới ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và  làm xét nghiệm cần thiết, phát hiện điều trị bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần tuân thủ các yêu cầu điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ và kết hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết