Suy tuyến yên có nguy hiểm không?
Suy tuyến yên có nguy hiểm không?
Những ảnh hưởng liên quan đến suy tuyến yên
Những ảnh hưởng liên quan đến suy tuyến yên - Ảnh: BookingCare

Suy tuyến yên có nguy hiểm không?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 09/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 12/04/2024
Suy tuyến yên là một rối loạn hiếm gặp nhưng cũng khá phức tạp bởi những thay đổi của tuyến yên gây ảnh hưởng đến rất nhiều chức năng cơ bản của cơ thể.

Suy tuyến yên là tình trạng giảm hormone tuyến yên hoặc tuyến yên không sản xuất một hoặc nhiều hormon. Hãy cùng tìm hiểu xem suy tuyến yên có nguy hiểm không và mức độ nguy hiểm của nó trong bài viết dưới đây.

Suy tuyến yên gây ra nhiều sự thay đổi trong cơ thể, được biểu hiện qua nhiều triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng của suy tuyến yên thường bắt đầu từ từ và trở nên tệ hơn theo thời gian. Nhưng đối với một số người, các triệu chứng bắt đầu đột ngột. Nên thăm khám sức khỏe định kỳ để có những biện pháp điều trị kịp thời.

Suy tuyến yên có nguy hiểm không?

Thiếu hụt hormone tăng trưởng (GH)

Ở trẻ em, thiếu GH có thể gây ra các vấn đề về tăng trưởng, dẫn tới tầm vóc thấp bé. Thông thường người lớn bị thiếu GH đều xuất hiện triệu chứng nhưng một số người lớn có biểu hiện: 

  • Mệt mỏi
  • Yếu cơ
  • Lượng mỡ trong cơ thể thay đổi

Thiếu hụt hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH) 

Việc thiếu các hormone này sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Ở nữ, nó sẽ khiến buồng trứng không sản xuất đủ trứng và estrogen. Ở nam, nó khiến cho tinh hoàn không sản xuất đủ tinh trùng và testosterone.

Điều này có thể làm giảm ham muốn tình dục và gây hiện tượng mệt mỏi. Bệnh cũng có khả năng gây vô sinh hoặc khó khăn trong việc có con. 

Ở trẻ em, những thay đổi về thể chất ở tuổi dậy thì có thể xảy ra muộn hoặc không xảy ra.

Một số người có biểu hiện như:

  • Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh
  • Không có khả năng tạo sữa cho con bú
  • Rụng lông mu
  • Rụng tóc
  • Giảm lông mặt hoặc cơ thể
  • Rối loạn cương dương
  • Tâm trạng thất thường

Thiếu hụt hormone kích thích tuyến giáp (TSH)

Hormone này giúp kiểm soát tuyến giáp. Lượng TSH quá ít dẫn đến nồng độ hormone tuyến giáp thấp. Tình trạng đó được gọi là suy giáp. Nó gây ra các dấu hiệu như:

  • Mệt mỏi
  • Tăng cân
  • Da khô, phù niêm mạc
  • Táo bón
  • Thờ ơ với ngoại cảnh, không chịu được lạnh

Thiếu hụt hormone vỏ thượng thận (ACTH)

Hormone này hỗ trợ tuyến thượng thận hoạt động ổn định. Nó cũng giúp cơ thể ứng phó với căng thẳng. Các triệu chứng thiếu hụt ACTH bao gồm:

  • Mệt mỏi trầm trọng
  • Huyết áp thấp
  • Nhiễm trùng nhiều và kéo dài
  • Buồn nôn hoặc đau bụng
  • Lú lẫn
  • Chán ăn, sút cân, có thể có những cơn hạ đường huyết tự nhiên

Thiếu hụt hormone chống lợi tiểu (ADH)

ADH giúp  cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể. Sự thiếu hụt ADH có thể dẫn đến chứng rối loạn thường gọi là bệnh đái tháo nhạt, có thể gây ra:

  • Tần suất đi tiểu nhiều hơn 
  • Luôn có cảm giác khát nước 
  • Mất cân bằng các khoáng chất, chất điện giải

Thiếu hụt prolactin

Đây là hormone thông báo cho cơ thể biết khi nào nên bắt đầu tạo sữa mẹ. Mức độ prolactin thấp sẽ ảnh hưởng đến việc tạo sữa cho con bú ở những bà mẹ.

Một số tình trạng lâm sàng do suy tuyến yên có thể làm tăng nguy cơ tử vong. Ví dụ, thiếu ACTH có thể dẫn đến khủng hoảng tuyến thượng thận, trong khi thiếu TSH có thể gây hôn mê do phù niêm, có khả năng dẫn đến tử vong. Vì vậy, người bệnh không được xem nhẹ.

Suy tuyến yên ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Vậy nên khi nghi ngờ mắc bệnh, hãy thăm khám và làm xét nghiệm kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm trên.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết