Quy trình xét nghiệm PAP? Xét nghiệm PAP có đau không?

Tác giả: - Xuất bản: 13/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 13/11/2023
Quy trình xét nghiệm PAP
Quy trình xét nghiệm PAP? Xét nghiệm PAP có đau không? - Ảnh: BookingCare
Những câu hỏi được chị em đặt ra nhiều nhất khi cân nhắc thực hiện xét nghiệm PAP bao gồm: Quy trình xét nghiệm PAP như thế nào? Xét nghiệm PAP có đau không?

Xét nghiệm PAP được tiến hành bằng cách lấy mẫu tế bào ở khu vực cổ tử cung. Sau đó, phết tế bào có được lên lam kính cùng dung dịch chuyên dụng và theo dõi qua kính hiển vi để xác định các bất thường.

Đây là kỹ thuật xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến. Để kết quả của xét nghiệm được chính xác nhất cần phụ thuộc vào mẫu tế bào, kỹ thuật lấy mẫu, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên đọc  tế bào.

Tuy nhiên nhiều chị em vẫn không tránh khỏi cảm giác e ngại, lo sợ trước khi thực hiện xét nghiệm. Do vậy, BookingCare sẽ giới thiệu quy trình xét nghiệm PAP ngay trong bài viết dưới đây. 

Quy trình xét nghiệm PAP

Nhìn chung, quá trình thực hiện xét nghiệm PAP khá nhanh, chỉ mất khoảng vài phút.

Hướng dẫn chuẩn bị trước xét nghiệm PAP

Để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác, người thực hiện cần lưu ý:

  • Lấy mẫu ở nửa chu kỳ sau của kinh nguyệt để tránh mẫu không bị lẫn nhiều máu. Không lấy mẫu phết cổ tử cung khi đang có kinh.
  • Người thực hiện không thụt rửa âm đạo, không đặt bất kỳ thuốc nào vào âm đạo, không giao hợp trong vòng 48 giờ trước khi lấy mẫu.

Quy trình xét nghiệm PAP

Bước 1: Hướng dẫn bệnh nhân nằm tư thế sản khoa. Bác sĩ nhẹ nhàng dùng mỏ vịt không bôi chất làm trơn (có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước ấm để làm trơn mỏ vịt), bộc lộ cổ tử cung hoàn toàn, sao cho có thể thấy cổ tử cung rõ ràng nhất.

Bước 2: Chùi sạch cổ tử cung (chỉ thực hiện khi có quá nhiều dịch tiết ở cổ tử cung): Dùng 1 que quấn gòn chùi nhẹ nhàng cổ tử cung, chùi bớt chất nhầy ở lỗ cổ tử cung. Lưu ý không được rửa cổ tử cung bằng nước muối sinh lý.

Bước 3: Lấy mẫu. Bác sĩ sẽ dùng 1 bàn chải mềm và dụng cụ que có dạng như 1 cái thìa để lấy mẫu ở cổ tử cung. Các tế bào này sẽ được phết lên lam kính, sau đó chuyển đến bộ phận chuyên phân tích xét nghiệm.

Bước 4: Bác sĩ tháo mỏ vịt, hẹn thời gian nhận kết quả (thường là  1  tuần).

Xét nghiệm PAP có đau không?

Nếu chỉ mới thực hiện lần đầu, người bệnh thường có cảm giác ngại ngùng, khó chịu vùng âm đạo, đôi khi sẽ hơi đau vùng chậu. Thế nhưng, đây là phương pháp chuyên môn y khoa, dễ thực hiện và nhanh chóng cho nên người bệnh không cần lo lắng.

Để quá trình xét nghiệm PAP được diễn ra thoải mái, dễ chịu hơn, chị em khi thực hiện cần lưu ý:

  • Nằm đúng tư thế được yêu cầu hướng dẫn khi lấy mẫu
  • Thả lỏng cơ thể, tinh thần thoải mái, hạn chế dịch chuyển người khi bác sĩ đang lấy mẫu

Sau khi lấy mẫu, đôi khi có thể xảy ra tình trạng chảy máu âm đạo. Nếu chảy nhiều máu, người thực hiện hãy báo ngay với bác sĩ để được hỗ trợ.

Như vậy, bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về quy trình xét nghiệm PAP. Hy vọng những thông tin và lưu ý trên đây có thể giúp chị em xét nghiệm PAP dễ dàng hơn.