Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung: Là gì? Quy trình thực hiện? Lưu ý khi thực hiện?
Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung: Là gì? Quy trình thực hiện? Lưu ý khi thực hiện? - Ảnh: BookingCare

Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung: Là gì? Quy trình thực hiện? Lưu ý khi thực hiện?

Tác giả: - Xuất bản: 30/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
Phụ nữ là nhóm dễ mắc các bệnh ung thư sinh sản như ung thư buồng trứng, ung thư âm đạo và đặc biệt là ung thư cổ tử cung. Đây được xem là căn bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ trên toàn cầu.

Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tám trong tổng số ung thư ở cả hai giới và đứng hàng thứ tư trong các loại ung thư ở phụ nữ sau ung thư vú, đại trực tràng và ung thư phổi.

Năm 2020, ước tính có khoảng 604.000 trường hợp mắc mới và 342.000 ca tử vong trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, ước tính hiện nay mỗi năm có 4.132 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung và 2.223 người chết vì căn bệnh này.

May mắn thay, ung thư cổ tử cung có tỷ lệ phát hiện sớm và chữa trị cao nếu chị em thực hiện xét nghiệm tầm soát, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Bài viết đi vào tìm hiểu các câu hỏi xung quanh chủ đề xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung như tầm soát ung thư cổ tử cung là gì? Các xét nghiệm? Quy trình thực hiện?....

Tầm soát ung thư cổ tử cung là gì?

Tầm soát ung thư cổ tử cung là quá trình sàng lọc, phát hiện sớm các tế bào bất thường hoặc dấu hiệu tiền ung thư cổ tử cung thông qua xét nghiệm. Đây là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, trước khi xuất hiện các triệu chứng và tăng khả năng điều trị thành công.

Việc sàng lọc, chẩn đoán phát hiện ra các tế bào bất thường trước khi chúng trở thành tế bào ung thư mang tới tỷ lệ điều trị bệnh thành công lên tới 80 - 90%. Càng phát hiện ở giai đoạn muộn hoặc bỏ lỡ thời điểm vàng của quá trình điều trị thì các tế bào bất thường phát triển mạnh hơn, hiệu quả điều trị sẽ giảm dần,...

Như vậy, nếu tầm soát ung thư cổ tử cung sớm, chẩn đoán phát hiện được bệnh sớm thì tỷ lệ chữa được bệnh càng cao. 

Các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung

Hiện nay có các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung được sử dụng phổ biến nhất là: 

  • Xét nghiệm Pap smear: Lấy mẫu tế bào cổ tử cung để phát hiện tế bào bất thường có khả năng trở thành ung thư cổ tử cung. Phương pháp này thực hiện thu thập và phân tích tế bào ở cổ tử cung, phát hiện sớm tế bào ung thư trước khi các khối u lây lan rộng
  • Xét nghiệm tế bào học chất lỏng (Liquid-based cytology - LBC): Là xét nghiệm Pap smear được cải tiến, trong đó các mẫu tế bào cổ tử cung được rửa toàn bộ vào một chất lỏng định hình trong một lọ dung dịch bảo quản và được chuyển đến phòng thí nghiệm để được xử lý hoàn toàn tự động.
  • Xét nghiệm HPV: Xét nghiệm HPV để tìm kiếm sự hiện diện của 14 chủng HPV có nguy cơ cao gây nên bệnh ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm này cũng lấy mẫu tế bào cổ tử cung như xét nghiệm Pap nhưng kiểm tra sự có mặt của HPV.

Tùy theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể thực hiện 1 trong 2 hoặc cả 2 xét nghiệm HPV với xét nghiệm Pap giúp sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu quả cao nhất.

Khi nào cần xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung?

Sàng lọc bằng tế bào cổ tử cung hoặc xét nghiệm HPV đơn độc hoặc đồng thời với tế bào học được chỉ định cho các phụ nữ trong độ tuổi 21 - 65, đã quan hệ tình dục, ưu tiên cho nhóm phụ nữ nguy cơ trong độ tuổi 30 - 50:

  • Độ tuổi 21 - 65: sàng lọc theo phác đồ, nếu sau 3 lần xét nghiệm sàng lọc liên tiếp có kết quả âm tính thì có thể giãn thời gian sàng lọc mỗi chu kỳ thêm 1 - 2 năm.
  • Trên 65 tuổi: có thể ngừng sàng lọc nếu có:
    • Ít nhất 3 lần xét nghiệm sàng lọc có kết quả âm tính
    • Ít nhất 2 lần sàng lọc đồng thời bằng tế bào học và HPV có kết quả âm tính
    • Không có kết quả xét nghiệm bất thường trong vòng 10 năm trước đó
    • Đã cắt tử cung hoàn toàn vì bệnh lý lành tính

Sàng lọc bằng xét nghiệm HPV tập trung thực hiện cho phụ nữ từ độ tuổi 25 - 65 với chu kỳ sàng lọc 3 năm

Quy trình thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung

Nhìn chung, quy trình thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung thông thường sẽ bao gồm:

Bước 1: Khám lâm sàng tổng quát và bộ phận sinh dục để nắm rõ thông tin về tình trạng sức khỏe, biểu hiện bất thường, tiền sử bệnh lý của cá nhân hay gia đình,... Từ đó đưa ra các chỉ định phù hợp với người bệnh.

Bước 2: Làm xét nghiệm  tế bào học chất lỏng (Liquid-based cytology) như Thin Prep, Liqui Prep, Sure Path,.. hoặc Pap Smear, xét nghiệm HPV. Các xét nghiệm được thực hiện rất nhanh.

Bước 3: Đọc kết quả. Nếu có sự xuất hiện của các tế bào bất thường sau khi xét nghiệm, người bệnh cũng không nên quá lo lắng. Có nhiều trường hợp các tế bào bất thường xuất hiện nhưng không phải do ung thư cổ tử cung. Người bệnh có thể soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung… để chẩn đoán chính xác bệnh và có hướng điều trị thích hợp. 

Bộ dụng cụ lấy mẫu tầm soát ung thư cổ tử cung
Bộ dụng cụ lấy mẫu tầm soát ung thư cổ tử cung - Ảnh: Internet

Lưu ý khi xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung

Để đảm bảo kết quả xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung chính xác, người thực hiện cần lưu ý:

  • Tránh quan hệ tình dục, sử dụng các sản phẩm thuốc âm đạo, sản phẩm vệ sinh âm đạo trong vòng 2 ngày trước khi xét nghiệm.
  • Tránh tầm soát khi đang có kinh nguyệt. Nên làm sau khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc khoảng 3 - 5 ngày.
  • Đối với các trường hợp âm đạo bị viêm nhiễm thì nên điều trị trước khi làm xét nghiệm.
  • Không áp dụng tầm soát ung thư cổ tử cung với phụ nữ có thai
  • Không xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung với trường hợp phá, sảy thai trong 20 ngày trước đó.
  • Không xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung khi mắc phải viêm âm đạo cấp, viêm phần phụ khoa cấp.

Việc tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ sẽ giúp chị em dễ dàng phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời bảo vệ sức khỏe. Chị em cũng cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình xét nghiệm để đảm bảo kết quả chính xác.

Hy vọng những thông tin trên giúp chị em có thêm kiến thức trong phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết