Rối loạn cảm xúc lưỡng cực: triệu chứng, nguyên nhân, cách đi khám điều trị hiệu quả
Rối loạn cảm xúc
Cảm xúc chuyển từ hưng phấn, hưng cảm, sang cảm xúc ức chế, trầm cảm (Ảnh minh họa: pixabay.com)

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực: triệu chứng, nguyên nhân, cách đi khám điều trị hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 09/04/2021 - Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực bao gồm hai biểu hiện chính trái ngược nhau đó làm trầm cảm và hứng cảm. Là một rối loạn tâm thần thường gặp, người bệnh chuyển từ cảm xúc hưng phấn, hưng cảm xen kẽ nhau. Bài viết dưới đây, sẽ chia sẻ thêm các thông tin đến bạn đọc.

Theo thống kê, những người mắc rối loạn cảm xúc có khả năng li dị cao gấp 2 đến 3 lần và suy giảm chức năng nghề nghiệp gấp 2 lần so với những người không mắc.

Rối loạn cảm xúc bao gồm hai biểu hiện chính trái ngược nhau đó là trầm cảm và hưng cảm. Có lúc bệnh nhân ở trạng thái trầm cảm, có lúc hưng cảm.

Vậy làm thế nào để phát hiện bệnh sớm và có những phương pháp điều trị hiệu quả cho những người mắc chứng rối loạn cảm xúc? Hy vọng bài viết này sẽ mang lại những thông tin cần thiết cho độc giả.

Định nghĩa về rối loạn cảm xúc

Rối loạn cảm xúc là một rối loạn tại não bộ gây ra sự biến đổi cảm xúc không ổn định. Người bệnh chuyển từ cảm xúc hưng phấn, hưng cảm, sang cảm xúc ức chế, trầm cảm, bệnh có tính chất chu kì xen kẽ giữa hưng phấn và ức chế.

Rối loạn cảm xúc là căn bệnh phổ biến thứ hai trong các rối loạn tâm thần, khoảng 5% dân số thế giới mắc phải chứng bệnh này, với biểu hiện là người bệnh luôn trong trạng thái vui buồn thất thường, suy nghĩ tiêu cực.

Về mặt lâm sàng, người ta quan tâm tới những rối loạn trầm cảm nhiều hơn vì các rối loạn này có bệnh sinh phức tạp và điều trị khó hơn so với rối loạn hưng cảm.

Đặc điểm lâm sàng chung

Các rối loạn trầm cảm

  • Cảm xúc bị ức chế: người bệnh thấy chán nản, buồn rầu vô hạn, biểu hiện rõ ràng ra nét mặt, chân tay rã rời, cảm giác khó chịu, bất an và nhìn sự vật cả quá khứ, hiện tại, tương lai với màu sắc ảm đạm, thê thảm.
  • Tư duy bị ức chế: quá trình liên tưởng của bệnh nhân chậm chạp, dòng tư duy bị ngừng trệ, khó diễn đạt ý nghĩ của mình thành lời nói, thường xuất hiện các ý nghĩ tự ti, hoang tưởng tự buộc tội, không dám ăn, không dám nhìn mọi người và có ý nghĩ hoặc hành vi tự sát.
  • Hoạt động bị ức chế: bệnh nhân ngồi im hàng giờ, đi lại chậm chạp, khúm núm như kẻ chạy trốn và có thể có những hành vi tự sát.

Một số triệu chứng rối loạn khác: chú ý trì trệ, trí nhớ giảm, có thể gặp một số ảo tưởng hoặc ảo giác phản ánh hoang tưởng tự buộc tội. Bệnh nhân có thể chán ăn, cơ thể gầy, rối loạn bài tiết mồ hôi, rối loạn kinh nguyệt.

Các rối loạn hưng cảm

  • Cảm xúc hưng phấn: người bệnh có tăng khí sắc, luôn vui vẻ, lạc quan quá mức, bệnh nhân nhìn xung quanh thấy vui tươi, sáng sủa, thú vị, lạc quan về tiền đồ.
  • Tư duy hưng phấn: tư duy hưng phấn là đặc trưng của bệnh nhân hưng cảm, các biểu tượng xuất hiện rất nhanh, quá trình liên tưởng mau lẹ, dòng suy nghĩ luôn thay đổi, đôi khi gặp các hoang tưởng khuếch đại mang tính chất tưởng tượng không bền vững.
  • Hoạt động hưng phấn: bệnh nhân thường ít ngủ, đi lại nhiều, can thiệp vào mọi việc nhưng không có công việc nào kết thúc, hành vi có màu sắc kịch tính và nhiều khi rất lố bịch. Hoạt động hưng phấn cao độ, có thể xuất hiện các giải tỏa bản năng như đập phá, đánh người, rượu chè và loạn dục.

Nguyên nhân gây bệnh rối loạn cảm xúc

Khi trầm cảm người bệnh thấy chán nản, nhìn sự vật cả quá khứ, hiện tại, tương lai với màu sắc ảm đạm, thê thảm (Ảnh minh họa: pixabay.com)

Nhiều giả thuyết đã cố gắng giải thích nguyên nhân gây bệnh, trong đó có các nhóm lý thuyết chính sau:

  • Do di truyền: Đã có những nghiên cứu về gia đình, về con nuôi,, nghiên cứu về trẻ sinh đôi nhằm xác định vai trò của gen di truyền trong bệnh rối loạn cảm xúc.
  • Do dẫn truyền thần kinh: Người ta thấy có tổn thương đa dạng nhiều hệ thống dẫn truyền thần kinh ở các vùng khác nhau của não bộ ở bệnh nhân trầm cảm.
  • Do rối loạn nội tiết: sự thay đổi không bình thường trong cơ thể cũng có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc.
  • Yếu tố tâm lí: theo thuyết Phân tâm học, các rối loạn trầm cảm bắt nguồn từ những bất thường về tâm lí thủa nhỏ. Còn theo thuyết hành vi nhận thức, trầm cảm là do con người có những nhận thức không đúng về bản thân cũng như về xã hội, nhìn nhận một cách bi quan về các sự vật trong quá khứ và trong tương lai.

Điều trị rối loạn cảm xúc

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Tú, điều trị rối loạn cảm xúc phải tùy thuộc vào tính chất của các rối loạn khác nhau. Hiện nay, việc điều trị chủ yếu là dùng hóa dược điều chỉnh các triệu chứng riêng lẻ.

Sử dụng thuốc

Liều lượng và cách dùng từng thuốc tùy thuộc vào từng cơ sở điều trị và kinh nghiệm của bác sĩ chuyên khoa, nhưng cần chú ý rằng thuốc chống rối loạn cảm xúc là con dao hai lưỡi, nên khi sử dụng phải có kế hoạch theo dõi chặt chẽ cả về tâm thần và cơ thể, giấc ngủ.

Sử dụng các thuốc chống loạn thần cần chú ý nâng đỡ thể trạng, bù nước và điện giải, vệ sinh cơ thể, vệ sinh răng miệng, phòng trạng thái kiệt quệ về thể chất và tinh thần.

Đề phòng các hành vi gây thương tích cho người xung quanh và cần đề phòng hành vi loạn dâm, cưỡng dâm do các cơn rối loạn hưng cảm gây ra.

Cẩn thận trong sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm bởi bệnh có nguy cơ chuyển thành rối loạn hưng cảm nhẹ hoặc thậm chí rối loạn hưng cảm thực sự.

Liệu pháp sốc điện

Đôi khi thuốc không đạt được hiệu quả do kháng thuốc hoặc do một nguyên nhân nào đó hạn chế tác dụng của thuốc. Khi đó người ta có thể chỉ định liệu pháp sốc điện. Việc chỉ định liệu pháp sốc điện kết hợp với liệu pháp hóa dược cũng tùy thuộc vào từng bệnh nhân, cơ sở điều trị và kinh nghiệm của thầy thuốc chuyên khoa.

Sử dụng các biện pháp điều trị toàn diện khác:

  • Nâng đỡ thể trạng, chống suy mòn, chống bội nhiễm và chống loét.
  • Tiết chế ăn uống phù hợp, sử dụng các vitamin và đạm thủy phân.
  • Các biện pháp đề phòng hành vi tự sát.
  • Vệ sinh thân thể và răng miệng thường xuyên.
Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết