Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không là câu hỏi thắc mắc của rất nhiều người mắc bệnh. Phần lớn các trường hợp rối loạn tiền đình chỉ có triệu chứng thoáng qua sau đó hồi phục, tuy nhiên đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm cho người bệnh.
Một số rủi ro khi mắc chứng rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình là hội chứng ảnh hưởng đến hệ thống cân bằng của cơ thể khiến người bệnh cảm giác đồ vật, nhà cửa xoay tròn, choáng váng, nhìn mờ, chóng mặt bồng bềnh, cơ thể nhẹ bẫng...
Tuy đây không phải là một bệnh lý nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, nhưng rối loạn tiền đình có thể gây ra một số rủi ro ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các triệu chứng rối loạn tiền đình diễn ra thường xuyên có thể gây ra một số rủi ro như:
- Nguy cơ gây ngã hoặc tai nạn giao thông: cảm giác chóng mặt và mất thăng bằng khi lái xe có thể khiến người bệnh mất kiểm soát gây ra tai nạn, làm tăng nguy cơ ngã, gãy xương hoặc chấn thương khác, đặc biệt đối với người già.
- Nguy cơ rối loạn thị lực: rối loạn tiền đình có thể gây ra triệu chứng như nhìn mờ, nhìn xoay tròn hoặc nhìn đôi, ảnh hưởng đến khả năng quan sát và tập trung thị lực của người bệnh.
- Gây lo lắng và khó chịu trong làm việc, học tập và sinh hoạt khiến chất lượng cuộc sống giảm sút.
Các bệnh lý liên quan đến rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình là thuật ngữ đề cập đến tình trạng rối loạn chức năng cơ quan tiền đình và có thể gặp trong nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau như:
- Bệnh Ménière: là bệnh lý xảy ra khi có tình trạng ứ dịch trong hệ thống ống bán khuyên và ốc tai của tai trong. Bệnh đặc trưng bằng các cơn chóng mặt xoay tròn kéo dài hàng giờ liên tục, kèm theo ù tai, nghe kém thậm chí điếc.
- Viêm thần kinh tiền đình (viêm dây thần kinh sọ số VIII) do nhiễm vi khuẩn hoặc virus, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, mất khả năng duy trì thăng bằng, ù tai, nghe kém.
- Bệnh chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV): là tình trạng được cho là do sự lạc vị trí của các viên sỏi tai bên trong hệ thống ống bán khuyên, tạo ra các cơn chóng mặt kiểu xoay ngắn, xuất hiện khi thay đổi tư thế, kèm theo buồn nôn, nôn và thường không có các triệu chứng về thính giác như ù tai, nghe kém.
- Hội chứng Ramsay Hunt xảy ra do sự tái hoạt động của các virus thường là thủy đậu. Virus này thường gây viêm thần kinh mặt (thần kinh sọ số VII) và có thể là cả thần kinh tiền đình ốc tai (thần kinh sọ số VIII) gây ra triệu chứng liệt mặt, méo miệng, mắt nhắm không kín, chóng mặt, ù tai, nghe kém,...
- Các bệnh lý của não như đột quỵ, khối u não, thoái hóa thần kinh và bệnh Parkinson cũng có thể gây ra triệu chứng chóng mặt do ảnh hưởng đến hệ thống tiền đình trung ương ở não.
Lưu ý chăm sóc, điều trị khi mắc rối loạn tiền đình
Trong trường hợp mắc rối loạn tiền đình mức độ nhẹ, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp chăm sóc tại nhà để giảm thiểu các triệu chứng như:
- Thực hiện các bài tập cân bằng để tăng cường khả năng kiểm soát sự cân bằng, giảm thiểu nguy cơ gây ra các tai nạn ngoài ý muốn.
- Tránh các kích thích không đáng có như: tiếp xúc với ánh sáng chói, âm thanh lớn, không gian hẹp hoặc di chuyển tốc độ cao...
- Sử dụng các công cụ hỗ trợ như gậy hoặc dụng cụ điều hướng để giữ thăng bằng và giảm nguy cơ ngã đối với người già.
- Điều trị bệnh lý gây ra hội chứng tiền đình: các bệnh lý tai trong hoặc của thần kinh trung ương như đã đề cập ở trên có thể gây ra các triệu chứng rối loạn tiền đình, vì vậy việc điều trị các bệnh gốc có thể giảm thiểu các rủi ro xảy ra.
Trên đây là những thông tin liên quan đến câu hỏi rối loạn tiền đình có nguy hiểm không. Hy vọng bạn đọc đã có được những thông tin hữu ích liên quan đến hội chứng và có các phương pháp phù hợp để thích nghi và điều trị bệnh.