Rong kinh là rối loạn chu kì kinh nguyệt thường gặp. Rong kinh sẽ trở nên nguy hiểm nếu bạn bị mất máu nhiều (hơn 80ml) và tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, năng suất làm việc.
Ngoài ra, rong kinh cũng là biểu hiện của các bệnh phụ khoa khác như polyp tử cung, u xơ tử cung, buồng trứng đa nang,...
Rong kinh là gì?
Rong kinh (có tên tiếng Anh là Menorrhagia) là hiện tượng lượng máu kinh nguyệt ra nhiều hơn bình thường và kéo dài hơn so với một chu kỳ bình thường.
Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài 28-32 ngày, thời gian hành kinh là 3-5 ngày. Lượng máu kinh nguyệt khoảng 50-80ml chính là lớp nội mạc tử cung bong ra. Tiếp đó, hình thành lớp nội mạc tử cung mới cho chu kỳ tiếp theo.
Hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày hoặc lượng máu kinh hơn 80ml/chu kì được xem là rong kinh. Để đánh giá lượng máu kinh vào mỗi chu kỳ là nhiều hay ít, chị em có thể dựa trên số lượng và số lần thay băng vệ sinh, cũng như tính chất của máu kinh.
Nếu phải thay băng vệ sinh liên tục hàng giờ hoặc sử dụng trên hai băng vệ sinh cùng lúc, điều đó chứng tỏ lượng máu kinh đang ra nhiều bất thường.
Rong kinh có nguy hiểm không?
Chảy máu kinh nguyệt nhiều có thể là nghiêm trọng nếu bạn mất nhiều máu đến mức có dấu hiệu thiếu máu. Thiếu máu là tình trạng cơ thể thiếu hồng cầu vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể.
Thiếu máu thường diễn tiến mãn tính, ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Nếu thiếu máu nặng không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Ngoài ra, một số tình trạng có thể gây chảy máu kinh nguyệt nặng, như ung thư, cần được can thiệp y tế sớm. Thăm khám với bác sĩ để được tư vấn về bất kỳ rủi ro nào liên quan đến rối loạn chu kì kinh nguyệt của bạn.
Chảy máu kinh nguyệt quá nhiều hoặc kéo dài quá lâu có thể dẫn đến các tình trạng bệnh lý khác nguy hiểm như:
1. Thiếu máu
Chảy máu kinh nguyệt nhiều có thể gây thiếu máu liên quan đến mất máu. Thiếu máu là tình trạng cơ thể không có đủ hồng cầu để vận chuyển oxy đến các mô. Số lượng hồng cầu được đo bằng huyết sắc tố. Hemoglobin là một loại protein trong hồng cầu mang oxy đến các mô khắp cơ thể.
Thiếu máu thiếu sắt xảy ra khi cơ thể cố gắng bù đắp lượng hồng cầu bị mất. Cơ thể sử dụng lượng sắt dự trữ để tạo ra nhiều huyết sắc tố hơn để có thể vận chuyển đủ oxy đến các mô. Chảy máu kinh nguyệt nhiều làm cơ thể thiếu hemoglobin, thiếu sắt để tổng hợp hemoglobin. Điều này có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.
Các triệu chứng bao gồm đau đầu, mệt mỏi, làm việc thiếu tập trung và hiệu quả. Mặc dù chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong tình trạng điều trị thiếu máu do thiếu sắt nhưng rong kinh gây thiếu máu nặng không thể bù trừ được bằng chế độ ăn hợp lý.
2. Đau bụng kinhi
Cùng với tình trạng chảy máu kinh nguyệt nhiều, bạn có thể bị đau bụng. Hay gọi là đau bụng kinh. Rong kinh không gây đau bụng kinh nhưng chính nguyên nhân của rong kinh gây đau bụng kinh như lạc nội mạc tử cung trong cơ, hay đa u xơ tử cung….
3. Nguy cơ vô sinh – hiếm muộn
Khi bị rong kinh, máu sẽ có màu đen do bị ứ đọng lâu trong tử cung, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây hại xâm nhập gây bệnh. Vi khuẩn có thể đi theo hướng từ âm đạo lên vòi trứng, buồng tử cung, gây viêm dính, nhiễm trùng… gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.
Ngoài ra, hiện tượng chảy máu nhiều còn là triệu chứng của nhiều bệnh lý phụ khoa khác như viêm nội mạc tử cung, polyp tử cung, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung trong cơ, hội chứng buồng trứng đa nang… Nếu lơ là, không thăm khám và điều trị từ sớm, bệnh có thể gây vô sinh – hiếm muộn, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em phụ nữ.
Những thông tin trong bài viết trên đã trả lời cho câu hỏi: Rong kinh có nguy hiểm không?. Hy vọng bài viết đã mang đến những thông tin hữu ích cho bạn về bệnh rong kinh.