Rụng tóc nhiều là bệnh gì? Nguyên nhân, cách trị rụng tóc nhiều hiệu quả

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 21/10/2020 - Cập nhật lần cuối: 19/09/2023

Rụng tóc nhiều là nỗi ám ảnh của nhiều người. Tình trạng rụng tóc liên tục có thể gây ra hói đầu, đồng thời cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý không thể xem thường.

Rụng tóc nhiều
Rụng tóc nhiều có thể gây ra hói đầu, ảnh hưởng tới thẩm mỹ - Ảnh: Pixabay

Rụng tóc, rụng lông không phải tình trạng hiếm gặp. Khi nhận thấy tình trạng tóc rụng nhiều bất thường, bệnh nhân nên sớm thăm khám và điều trị với bác sĩ Da liễu để tìm ra nguyên nhân rụng tóc và cách điều trị rụng tóc phù hợp.

Nguyên nhân rụng tóc

Thông thường, mỗi người rụng khoảng 100 sợi tóc mỗi ngày. Tóc mới sẽ mọc lên song song và không gây ra ảnh hưởng  gì đáng kể.

Tuy nhiên, nếu rụng tóc xảy ra khi chu kỳ mọc tóc này bị gián đoạn hoặc khi nang lông bị phá hủy và thay thế bằng mô sẹo khiến lượng tóc rụng lớn hơn nhiều so với lượng tóc mọc mới rất dễ gây ra tình trạng hói đầu, đặc biệt là ở nam giới.

Nguyên nhân rụng tóc nhiều thường gặp là:

  • Yếu tố di truyền: Nguyên nhân tóc rụng nhiều ở nam giới, đôi khi gặp ở nữ giới là yếu tố tiền sử gia đình. Rụng tóc nhiều diễn biến song song với quá trình lão hóa và gần như có thể dự đoán được hình thái của tóc qua thời gian.
  • Thay đổi nội tiết tố: Rối loạn hormone trong cơ thể có thể gây rụng tóc tạm thời hoặc vĩnh viễn, đặc biệt là trong các giai đoạn thai kỳ, sinh nở, mãn kinh, gặp các vấn đề về tuyến giáp
  • Sử dụng thuốc và chất bổ sung: Một số loại thuốc có tác dụng phụ gây ra rụng tóc như thuốc trị ung thư, viêm khớp, trầm cảm, thuốc dùng trong bệnh tim, huyết áp cao và thuốc trị gout,...
  • Xạ trị phần đầu: Tóc có thể rụng vĩnh viễn, không mọc lại
  • Căng thẳng, mệt mỏi: Sau khi nhận một cú sốc về thể chất hoặc tinh thần, người bệnh có thể gặp tình trạng rụng tóc tạm thời
  • Tạo kiểu tóc, sử dụng hóa chất nhiều hoặc thắt tóc quá chặt có thể khiến tóc xơ yếu, gãy rụng

Xem thêm video:

Nguyên nhân gây rụng tóc ở nam và nữ

  • Thực hiện: Vui sống mỗi ngày
  • Thời lượng: 5 phút 50 giây

Rụng tóc nhiều là bệnh gì?

Đôi khi, rụng tóc nhiều có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như:

Thiếu máu, thiếu chất

Quá trình nuôi tóc tiêu tốn khá nhiều dưỡng chất, đặc biệt là ở nữ giới thường nuôi tóc dài. Trong khi đó ở nữ giới lại dễ thiếu hụt máu và các chất dinh dưỡng quan trọng như kẽm, protein, sắt... do kinh nguyệt, mang thai, sinh nở, ăn kiêng, ăn không đủ chất. 

Khi hàm lượng dinh dưỡng không đầy đủ, các tế bào mầm tóc bị thiếu nuôi dưỡng, thiếu sức sống, tóc mọc yếu và dễ rụng hơn bình thường.

Hội chứng buồng trứng đa nang

Ở phụ nữ, hội chứng buồng trứng đa nang gây ra mất cân bằng hormone làm cho cơ thể sản sinh ra quá nhiều nội tiết tố nam thay vì nội tiết tố nữ. Hội chứng buồng trứng đa nang thường gây tình trạng rụng tóc nhiều, trong khi lông ở mặt và những nơi khác trên cơ thể thì lại mọc nhiều hơn mức cần thiết.

Bệnh lý viêm nhiễm da đầu

Các loại nấm tóc, nấm da đầu ký sinh trên các tế bào chết của tóc và dễ dàng lây lan ra toàn bộ da đầu, dẫn đến tình trạng viêm da đầu, nhiễm trùng khiến tóc thưa yếu, dễ rụng. Nếu không điều trị dứt điểm bệnh nấm tóc, bệnh có thể gây rụng tóc từng mảng lớn và có thể dẫn đến hói đầu.

Bệnh lý tuyến giáp

Bệnh tuyến giáp gây ra tình trạng mất cân bằng hormone tuyến giáp trong cơ thể. Bệnh suy giáp gây giảm lượng hormone, tuyến giáp hoạt động kém.

Bệnh cường giáp cơ thể sản xuất quá nhiều hormone, tuyến giáp hoạt động quá mức.

Rụng tóc là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh lý tuyến giáp. Khi lượng hormone tuyến giáp mất cân bằng sẽ cản trở quá trình trao đổi chất, dẫn đến nhiều nang tóc không hoạt động, từ đó tóc ít mọc và thưa dần, trong khi lượng tóc rụng hàng ngày không đổi.

Rối loạn hệ thống miễn dịch (bệnh lý tự miễn)

Khi mắc các bệnh lý tự miễn như Lupus ban đỏ, hệ miễn dịch bị rối loạn, cơ thể có thể bị nhầm lẫn nang tóc là yếu tố lạ xâm nhập, dẫn đến cơ thể hình thành kháng thể để đào thải các tế bào nang tóc.

Trong đó đặc biệt là tế bào mầm tóc bị hủy hoại dẫn đến quá trình rụng tóc đến nhanh và sớm hơn bình thường.

Lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ là một trong những bệnh lý tự miễn thường gặp - Ảnh: Sức khỏe đời sống

Điều trị rụng tóc

Tùy vào nguyên nhân rụng tóc mà có những phương pháp điều trị rụng tóc khác nhau. Vì vậy, để điều trị rụng tóc hiệu quả, trước hết, bệnh nhân cần thăm khám với các bác sĩ Da liễu để xác định nguyên nhân gây rụng tóc nhiều, sau đó mới tiến hành điều trị.

Thuốc trị rụng tóc

Nếu nguyên nhân gây rụng tóc là một bệnh lý tiềm ẩn nào đó, cần chẩn đoán và chữa trị bệnh lý đó. Lộ trình các bác sĩ điều trị rụng tóc cho bệnh nhân có thể bao gồm sử dụng các loại thuốc để giảm viêm và ức chế hệ miễn dịch của bệnh nhân, chẳng hạn như thuốc prednisone.

Nếu nguyên nhân gây rụng tóc là một loại thuốc nào đó, bác sĩ sẽ khuyên bạn ngừng sử dụng thuốc trong ít nhất ba tháng.

Bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc điều trị hói đầu như:

  • Minoxidil (biệt dược Rogaine): Đây là một loại thuốc không kê đơn được sử dụng trong điều trị rụng tóc. Dùng thuốc bôi lên da đầu hàng ngày, ban đầu thuốc có thể khiến bạn rụng tóc. Tóc mới mọc lên có thể ngắn và mỏng hơn tóc cũ. Bệnh nhân cần kiên trì ít nhất 6 tháng để tóc bắt đầu mọc lại.
  • Finasteride (biệt dược Propecia): Thuốc điều trị rụng tóc nam và cần được bác sĩ kê đơn. Finasteride có tác dụng làm tóc rụng chậm hơn và kích thích mọc tóc mới ở một số người. Tuy nhiên, thuốc này không mang lại hiệu quả rõ rệt cho nam giới trên 60 tuổi.
  • Các loại thuốc khác: Rụng tóc ở nam giới có thể điều trị bằng thuốc dutasteride, nữ giời rụng tóc có thể điều trị với thuốc tránh thai và spironolactone.

Cấy tóc

Bệnh nhân bị rụng tóc vĩnh viễn và chỉ có đỉnh đầu bị ảnh hưởng có thể áp dụng biện pháp cấy tóc hoặc phẫu thuật phục hồi có thể tận dụng tối đa phần tóc còn lại của bệnh nhân. Có nhiều bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật nhiều lần để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Trong trường hợp rụng tóc do di truyền, sau khi đã được cấy tóc, hiện tượng rụng tóc vẫn có thể xảy ra. Các kỹ thuật điều trị hói đầu có nhược điểm là tốn kém, gây đau, để lại sẹo.

Laser chữa rụng tóc

Liệu pháp laser có thể được áp dụng để điều trị rụng tóc do di truyền ở cả nam và nữ, giúp cải thiện mật độ tóc. Tuy nhiên, phương pháp này chưa được chứng minh về hiệu quả lâu dài.

Cấy tóc
Cấy tóc là phương pháp thường được áp dụng để điều trị hói đầu - Ảnh: pinterest.com

Cách khắc phục rụng tóc nhiều tại nhà

Thăm khám với bác sĩ Da liễu từ xa

Ngay khi nhận thấy dấu hiệu rụng tóc bất thường, tóc rụng nhiều nhưng mọc lên thưa hoặc không mọc lại, bệnh nhân cần khám sớm với bác sĩ Da liễu để tìm ra nguyên nhân rụng tóc và cách khắc phục.

Trong trường hợp bệnh nhân còn lo ngại, chưa sắp xếp được thời gian đến bệnh viện thăm khám trực tiếp hoặc muốn thử điều trị trước tại nhà, bệnh nhân có thể đăng kí thăm khám với bác sĩ Da liễu từ xa để được tư vấn cách chăm sóc và điều trị tại nhà.

Trong trường hợp rụng tóc nghiêm trọng, có nguy cơ hói đầu, bệnh nhân nên cố gắng sắp xếp thời gian để đến trực tiếp bệnh viện thăm khám và điều trị.

Bệnh nhân lưu ý tuyệt đối không  tự ý mua thuốc điều trị khi chưa biết được nguyên nhân gây rụng tóc. Nhiều người mua thuốc trị nấm tóc, thuốc bôi ngoài da hoặc các thuốc chữa rụng tóc chưa rõ nguồn gốc khiến "tiền mất, tật mang".

Chăm sóc tóc tại nhà

Để hạn chế và ngăn ngừa tình trạng rụng tóc, bạn nên lưu ý:

  • Gội đầu nhẹ nhàng nhưng phải thật sạch, không để dầu gội còn sót lại làm tắc lỗ chân lông, tác động xấu tới sự tuần hoàn nuôi dưỡng tóc. Khi gội đầu, nên mát-xa tóc để kích thích mao mạch và mao nang tóc phát triển. 
  • Chải đầu đúng cách để làm sạch tóc và kích thích da đầu mọc tóc, tăng tuần hoàn, nuôi dưỡng tóc khỏe hơn.
  • Hạn chế sử dụng hóa chất lên tóc, nhuộm tóc, uốn tóc hay duỗi tóc quá thường xuyên vì có thể làm tóc yếu, hư tổn và gãy rụng.
  • Uống đủ nước, bổ sung đầy đủ vitamin cần thiết cho cơ thể như vitamin B, H và lipid, canxi để nuôi dưỡng tóc chắc khỏe.
  • Tránh để tâm lý căng thẳng, nên thư giãn thoải mái, nghỉ ngơi đầy đủ để giảm thiểu nguy cơ rụng tóc.

Khi có nhu cầu thăm khám rụng tóc nhiều, bệnh nhân có thể đăng ký khám với bác sĩ Da liễu từ xa qua Video hoặc đặt lịch tại các bệnh viện, phòng khám điều trị rụng tóc thông qua BookingCare để quá trình thăm khám và điều trị thuận lợi hơn.

 
 
Tài liệu tham khảo
1. https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/cac-nguyen-nhan-gay-rung-toc-va-cach-dieu-tri/
2. https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/rung-toc-nhieu-khi-nao-la-benh/
3.
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/