Sinh thiết dạ dày là một phương pháp xét nghiệm chẩn đoán bệnh lý được yêu cầu khi người bệnh có các triệu chứng liên quan. Tùy vào điều kiện sức khỏe, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp sinh thiết để chẩn đoán cho từng trường hợp. Vậy khi nào cần thực hiện xét nghiệm và những điều cần chú ý là gì?
Mục đích thực hiện sinh thiết dạ dày
Sinh thiết dạ dày là phương pháp kết hợp với kỹ thuật nội soi để lấy một mẫu mô tế bào của dạ dày. Một ống nội soi được đưa vào họng xuống dạ dày, sau đó sử dụng kẹp nhíp để lấy mảnh nhỏ mô dạ dày tại vị trí cần khảo sát ra ngoài.
Mẫu mô sinh thiết dạ dày được đưa đi phân tích trong phòng thí nghiệm. Dựa vào kết quả, bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán bệnh lý cụ thể như: viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày, khối u và nhiều bệnh lý khác, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.
Khi nào cần thực hiện sinh thiết dạ dày?
Người khám có thể được chỉ định thực hiện sinh thiết dạ dày để chẩn đoán nguyên nhân của một số triệu chứng bệnh tiêu hóa như:
- Đau bụng.
- Mệt mỏi, da xanh xao.
- Khó tiêu.
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Mất vị giác.
- Tiêu chảy.
- Đi ngoài ra máu, đi ngoài phân đen.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, nếu kết quả các xét nghiệm máu, chụp X-quang hoặc chụp CT cho thấy một số dấu hiệu bệnh lý dạ dày, người bệnh có thể cần thực hiện sinh thiết dạ dày để làm rõ nguyên nhân nhằm chẩn đoán bệnh.
Sinh thiết dạ dày chống chỉ định cho các trường hợp nào?
Sinh thiết dạ dày là xét nghiệm chẩn đoán tương đối phổ biến và an toàn, tuy nhiên phương pháp này có thể được chống chỉ định cho một số trường hợp gặp các vấn đề sức khỏe khác như:
- Người có vấn đề về đông máu, người mắc chứng rối loạn đông máu.
- Những người đã từng trải qua phẫu thuật dạ dày, thực quản hoặc cổ họng.
- Những người có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Những lưu ý trong quá trình thực hiện sinh thiết dạ dày
Trước khi thực hiện sinh thiết dạ dày
- Thông thường, bệnh nhân cần nhịn ăn trong khoảng 8 -12h đồng hồ trước khi thực hiện xét nghiệm.
- Người bệnh cần cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ về lịch sử bệnh lý, các loại thuốc đang sử dụng hoặc các vấn đề sức khỏe khác để được hướng dẫn cụ thể.
Khi sinh thiết dạ dày
- Người bệnh thường được gây tê cục bộ hoặc gây mê để giảm đau trước khi bác sĩ đưa ống nội soi để lấy mẫu.
- Sau khi gây mê, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu mô từ niêm mạc dạ dày bằng công cụ chuyên dụng. Quy trình này thường kéo dài trong khoảng 15 - 30 phút.
Sau khi thực hiện sinh thiết dạ dày
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi và theo dõi khoảng 1 giờ đồng hồ tại cơ sở y tế để phòng ngừa biến chứng sau sinh thiết.
- Đối với các trường hợp được gây mê, người bệnh cần thực hiện kiểm tra tuần hoàn máu, huyết áp sau khi thực hiện sinh thiết để đánh giá tác dụng phụ của thuốc gây mê.
- Bệnh nhân có thể gặp phải một số tình trạng như đau họng, khó thở hoặc khó chịu ở dạ dày trong khoảng 1 - 2 ngày.
- Bệnh nhân cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ sau sinh thiết dạ dày, bao gồm việc không ăn, không uống trong khoảng 6 - 8 tiếng để cho dạ dày hồi phục.
- Nếu gặp các biến chứng nặng sau sinh thiết, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ để được can thiệp y tế kịp thời.
Sinh thiết dạ dày đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và quyết định phương pháp điều trị cho các bệnh lý dạ dày. Người bệnh có thể tới các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn cụ thể về sinh thiết dạ dày hoặc các phương pháp sinh thiết khác để đảm bảo an toàn và có được kết quả sinh thiết chính xác.