Sinh thiết gan: mục đích, đối tượng và khả năng chẩn đoán bệnh
cover-sinh-thiet-gan
Sinh thiết gan là phương pháp chẩn đoán và đánh giá tình trạng gan nhanh và hiệu quả - ảnh: BookingCare

Sinh thiết gan: mục đích, đối tượng và khả năng chẩn đoán bệnh

Tác giả: - Xuất bản: 20/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/12/2023
Sinh thiết gan là phương pháp chẩn đoán bệnh lý phổ biến, vậy ưu điểm và hạn chế của phương pháp này là gì? Người làm xét nghiệm cần chú ý đến những vấn đề quan trọng nào? Đọc thông tin trong bài viết sau!

Sinh thiết gan là phương pháp chẩn đoán cần được đánh giá cụ thể cho từng trường hợp nhằm tránh gây ra các tác dụng phụ và đảm bảo quá trình chẩn đoán an toàn,hiệu quả. Tùy vào đối tượng xét nghiệm, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp sinh thiết để chẩn đoán cho các trường hợp khác nhau.

Sinh thiết gan và mục đích thực hiện

Sinh thiết gan là một thủ thuật tìm kiếm các dấu hiệu bệnh dựa vào mẫu mô tế bào gan. Xét nghiệm sử dụng một lượng nhỏ mô lấy từ lá gan trong cơ thể, sau đó thực hiện phân tích mẫu này trong phòng thí nghiệm.

Xét nghiệm tế bào gan thường được thực hiện sau khi các xét nghiệm máu hoặc hình ảnh cho thấy dấu hiệu về các vấn đề ảnh hưởng đến chức năng gan. Xét nghiệm sinh thiết là một cách để đánh giá, chẩn đoán, theo dõi và điều trị các bệnh về gan hoặc những bộ phận có liên quan.

Bệnh lý và phương pháp chẩn đoán sinh thiết gan

Bệnh lý chẩn đoán

Sinh thiết gan thường được thực hiện để chẩn đoán và điều trị một số bệnh về gan như:

  • Bệnh gan nhiễm mỡ ngoài cồn
  • Viêm gan B, C mãn tính
  • Viêm gan tự miễn
  • Xơ gan
  • Viêm đường mật nguyên phát
  • Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát
  • Bệnh nhiễm sắc tố sắt mô, bệnh Wilson
  • Ung thư gan

Các phương pháp sinh thiết

  • Sinh thiết qua da: đây là phương pháp sinh thiết gan phổ biến nhất. Người làm sinh thiết được gây tê một vùng da bung, sau đó đâm kim nhỏ qua vùng da này đưa vào gan để lấy mẫu.
  • Sinh thiết nội soi: người bệnh được gây mê và cắt một vết mổ nhỏ để đưa một ống gắn máy quay và ánh sáng nội soi để quan sát; sau đó đưa một cây kim qua một ống khác để lấy mẫu.
  • Sinh thiết gan qua đường tĩnh mạch: người làm xét nghiệm được gây tê và tạo một vết mổ nhỏ trên thành tĩnh mạch ở cổ, sau đó đưa một ống rỗng qua tĩnh mạch đến gan, đưa kim xuyên qua ống đến gan để lấy mẫu. Phương pháp áp dụng cho các trường hợp mắc vấn đề về đông máu hoặc dịch trong bụng.

Đối tượng cần thực hiện sinh thiết gan

Sinh thiết gan được chỉ định cho những người:

  • Có các triệu chứng bệnh lý về gan (viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ, ung thư gan…) như: gan to, vàng mắt, vàng da, chán ăn,...
  • Người thực hiện xét nghiệm trước đó có các chỉ số chức năng gan không bình thường, hình ảnh siêu âm chẩn đoán không rõ ràng.
  • Người có nguy cơ cao mắc các bệnh gan như: tiếp xúc với virus viêm gan B, C, tiểu đường, béo phì, uống nhiều rượu, bia, sử dụng thuốc thường xuyên,...
  • Người cần chẩn đoán bệnh lý gan để định hướng điều trị và theo dõi tiến triển của bệnh.

Bên cạnh đó, sinh thiết gan chống chỉ định cho các trường hợp:

  • Người mắc hội chứng đông máu hoặc rối loạn đông máu nghiêm trọng.
  • Chức năng gan kém, sức khỏe không đảm bảo cho quá trình sinh thiết.
  • Người có vị trí bệnh lý gan khó tiếp cận hoặc nguy hiểm để thực hiện sinh thiết.

Lưu ý trong quá trình sinh thiết gan

Trước sinh thiết gan

  • Người làm sinh thiết cần trao đổi với bác sĩ để được đánh giá khả năng, mức độ và phương pháp phù hợp với trường hợp của mình, đảm bảo cho quá trình sinh thiết diễn ra thuận lợi và hạn chế thấp các rủi ro khi sinh thiết.
  • Thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc, thực phẩm chức năng hoặc thảo dược đang dùng để bác sĩ đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố và chỉ định ngưng thuốc nếu có nguy cơ gây biến chứng: aspirin, ibuprofen, warfarin…
  • Một số trường hợp xét nghiệm được yêu cầu nhịn ăn trước 6 đến 8 giờ, vì vậy nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện sinh thiết.

Khi sinh thiết gan

  • Người bệnh được tiêm thuốc tê hoặc thuốc gây mê trước khi thực hiện sinh thiết tùy vào phương pháp sinh thiết áp dụng.
  • Người làm sinh thiết được theo dõi trong vài giờ sau thủ thuật để theo dõi các biến chứng sức khỏe có thể xảy ra.

Sau sinh thiết gan

  • Mẫu mô sinh thiết sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích, kết quả sinh thiết thường có sau khoảng 1 tuần.
  • Người làm sinh thiết có thể về nhà nghỉ ngơi trong vòng 24 giờ sau khi lấy mẫu, chú ý vệ sinh vết mổ sinh thiết, sau đó có thể thực hiện các hoạt động bình thường.

Ưu điểm và hạn chế của sinh thiết gan

Sinh thiết gan là một phương pháp chẩn đoán quan trọng giúp chẩn đoán hiệu quả các bệnh lý về gan. Tuy nhiên, hình thức sinh thiết này cũng có những hạn chế nhất định:

Ưu điểm của sinh thiết gan

  • Sinh thiết gan cung cấp mẫu mô gan trực tiếp để chẩn đoán bệnh, điều này cho phép chẩn đoán chính xác loại bệnh lý, mức độ tổn thương và tình trạng viêm, xơ hoặc ung thư gan.
  • Sinh thiết gan cung cấp thông tin cụ thể về mức độ viêm, xơ hoặc ung thư gan; tìm hiểu về tác động của bệnh lý lên cấu trúc gan, từ đó đưa ra các đánh giá chi tiết về tình trạng bệnh lý làm căn cứ cho các quyết định sau sinh thiết.
  • Kết quả của sinh thiết gan giúp xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, bao gồm việc quyết định liệu có cần theo dõi, sử dụng thuốc, phẫu thuật hay điều trị bằng phương pháp khác.
  • Sinh thiết gan có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau cho phép áp dụng vào từng trường hợp cụ thể.

Hạn chế

  • Sinh thiết có thể xuất hiện nhiều nguy cơ rủi ro như: nhiễm trùng, chảy máu, đau và một số biến chứng khác đối với một số bệnh nhân nhạy cảm hoặc có các vấn đề về tâm lý.
  • Mẫu sinh thiết có kích thước nhỏ có thể không phản ánh toàn bộ bệnh lý gan, điều này có thể dẫn đến sai sót trong kết quả sinh thiết.
  • Sinh thiết gan không thể đánh giá được một số bệnh lý như: viêm gan cấp tính, vàng da do tắc mật hoặc các bệnh lý ngoại vi liên quan đến gan (bệnh lý mật, mạch máu, hoặc tụy…).
  • Sinh thiết gan không áp dụng được trong một số trường hợp như: vị trí của bệnh lý gan, tình trạng sức khỏe hoặc các vấn đề kỹ thuật.

Nhìn chung, sinh thiết gan là xét nghiệm có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán theo dõi và điều trị bệnh lý gan. Quyết định thực hiện sinh thiết gan được đưa ra bởi bác sĩ dựa trên tình trạng sức khỏe và lợi ích đối với việc chẩn đoán bệnh lý cho người xét nghiệm. Vì vậy, người làm xét nghiệm nên tới các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và tư vấn cụ thể.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết