Phản vệ: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Phản vệ: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Phản vệ: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa - Ảnh: BookingCare

Phản vệ: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Tác giả: - Xuất bản: 15/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 22/01/2024
Bài viết này dành cho ai đang quan tâm với tình trạng phản vệ và những vấn đề xoay quanh nó.

Phản vệ là các phản ứng rối loạn dị ứng thường gặp trong cuộc sống, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và do bất kỳ nguyên nhân nào. Phản vệ có các triệu chứng đặc trưng rất dễ phát hiện. Vậy nên việc tìm hiểu và có kiến thức cơ bản trong phòng và điều trị phản vệ là rất quan trọng. Trong nhiều trường hợp sẽ giúp bạn bảo vệ được tính mạng và giúp đỡ người khác khỏi cơn nguy kịch.

Phản vệ và sốc phản vệ là gì?

Phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính, thường xảy ra ở những người đã có tình trạng nhạy cảm trước đó tiếp xúc lại với chính các kháng nguyên nhạy cảm đó. Phản ứng phản vệ là phản ứng qua trung gian IgE để giải phóng vào máu hàng loạt các hóa chất trung gian gây viêm.

Sốc phản vệ là giai đoạn muộn của phản vệ gây đe dọa tính mạng. Phản vệ có các biểu hiện lâm sàng đặc trưng tại các cơ quan mũi, mắt, da và phổi. Dễ thấy nhất là các triệu chứng như: viêm kết mạc, nổi hồng ban hoặc sẩn mày đay, chảy nước mũi, nước mắt, thở khò khè,...

Đôi khi phản ứng phản vệ sẽ tiến triển lâm sàng cực kỳ đặc trưng ở một số bệnh lý ví dụ như cơn hen phế quản cấp. Nguyên nhân gây ra phản vệ rất đa dạng, thường gặp nhất là thuốc, thức ăn, nọc tố động vật,... Một số các nguyên nhân thường gặp nhất được biết gây phản ứng phản vệ là hải sản và các loại hạt, đậu, đặc biệt là đậu phộng.

Sốc phản vệ có biển hiện nguy hiểm hơn phản ứng phản vệ, thường là do phát hiện muộn hoặc bệnh nhân chủ quan không can thiệp điều trị. Tuy nhiên, còn có phản ứng anaphylatoid cũng có lâm sàng y chang sốc phản vệ nhưng không thông qua trung gian IgE và không cần sự nhạy cảm như trước.

Các triệu chứng đặc trưng nhất của sốc phản vệ có thể nhận thấy bao gồm: choáng váng và vã mồ hôi, khó thở, xanh xao hoặc tím tái. Điều này có thể gây tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức.

Sau khi bạn đã được chẩn đoán, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên luôn mang theo một loại thuốc gọi là bơm tiêm adrenaline tự động bên mình. Thuốc này tạm thời ngăn chặn các phản ứng trong tương lai trở nên nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân gây phản vệ

Dị ứng thực phẩm là một trong những nguyên nhân chính gây sốc phản vệThực phẩm có thể gây ra phản vệ hoặc đôi khi sốc phản vệ nghiêm trọng bao gồm:

  • Sữa bò.
  • Trứng.
  • Đậu phộng.
  • Động vật có vỏ (tôm và tôm hùm).
  • Đậu tương.
  • Các loại hạt cây (như quả óc chó, quả phỉ, hạt điều).
  • Lúa mì.
  • Các loại hạt (như hạt vừng và hạt hướng dương).

Các chất gây dị ứng khác có thể dẫn đến sốc phản vệ bao gồm:

  • Một số thuốc và các chất, bao gồm: penicillin, tạm thời, nonsteroidal anti- inflammatory drugs (NSAIDs), thuốc cản quang trong chụp CTscan.
  • Mủ cao su, được tìm thấy trong các vật dụng như găng tay dùng một lần, ống thông và băng dính.
  • Côn trùng đốt từ ong, kiến: ong bắp cày, ong vò vẽ và ong vàng.

Triệu chứng phản vệ

Các triệu chứng phản vệ thường xảy ra trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Tuy nhiên, đôi khi phản vệ có thể xảy ra nửa giờ hoặc lâu hơn sau khi tiếp xúc. Trong một số ít trường hợp, sốc phản vệ có thể bị sau khi tiếp xúc, tuy nhiên thường sẽ không quá 24 giờ kế từ thời gian tiếp xúc.

Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:

  • Phản ứng trên da, bao gồm nổi mề đay, ngứa và da đỏ bừng hoặc nhợt nhạt
  • Tằng tiết nhầy: chảy nước mắt, chảy nước mũi, đôi khi có khò khè khạc đàm nhưng không ho.
  • Co thắt đường thở và sưng lưỡi hoặc cổ họng gây thở rít và khó thở
  • Mạch yếu và nhanh
  • Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy
  • Sưng phù: phù dưới mi mắt, sưng môi, có thể phù bàn tay hoặc bàn chân.
Sốc phản vệ gây phản ứng trên da. - Ảnh: Canva

Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng nghiêm trọng hơn, hãy cấp cứu y tế ngay lập tức hoặc sử dụng bơm tiêm adrenaline tự động (nếu có sẵn bên bệnh nhân). Nếu không điều trị, các triệu chứng sốc phản vệ nghiêm trọng hơn, đe dọa tính mạng có thể xảy ra:

  • Lơ mơ, vật vã, lú lẫn do tụt huyết áp kéo dài.
  • Tăng nhịp tim.
  • Xanh xao dần rồi tím tái, tay chân lạnh do thiếu oxy máu.
  • Thở co kéo cơ liên sườn hoặc cơ ức đòn chũm (nhìn vào cổ).
  • Bất tỉnh hoặc ngừng tim.

Chẩn đoán phản vệ và sốc phản vệ

Chẩn đoán phản vệ và sốc phản vệ  hoàn toàn dựa vào lâm sàng triệu chứng của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ hỏi bạn, hoặc trong một số trường hợp nguy kịch có thể hỏi người nhà bạn, các câu hỏi về tiền căn dị ứng và tiếp xúc dị nguyên trước đó, ví dụ như:

  • Các loại thức ăn dễ gây dị ứng thường gặp: các loại hải sản, các loại đậu, đặc biệt là đậu phộng,...
  • Thuốc: đặc biệt là các loại thuốc NSAIDs, aspirin, các loại thuốc hóa trị ung thư,...
  • Môi trường xung quanh nơi bệnh nhân phát triệu chứng: các tình trạng khói bụi, phấn hoa, một số loại mùi như mùi cao su, mùi hydrocarbon thơm,...
  • Các vết đốt do côn trùng: nếu được nhớ mang theo con vật đốt bệnh nhân.

Một vài xét nghiệm hỗ trợ để giúp xác nhận chẩn đoán:

  • Bạn có thể được xét nghiệm máu để đo lượng enzyme nhất định (tryptase) 
  • Bạn có thể được kiểm tra dị ứng bằng xét nghiệm da để giúp xác định nguyên nhân gây dị ứng.

Việc chẩn đoán sẽ giúp bác sĩ chắc chắn trong việc kết luận bạn bị phản vệ và sốc phản vệ hay không. Đồng thời, loại trừ các tình trạng có triệu chứng tương tự, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

Điều trị phản vệ và sốc phản vệ

Điều trị sốc phản vệ có thể rất đơn giản nhưng cũng có thể cực kỳ phức tạp, cần phải sử dụng đến phương pháp hồi sức tim phổi nâng cao (CPR) hoặc thông khí hỗ trợ. Bạn sẽ được sử dụng các loại thuốc sau:

  • Epinephrine (adrenaline) là thuốc quan trọng nhất, để tạm thời ngăn chặn cơn bão hoạt chất chống viêm đang được kích hoạt trong cơ thể, đồng thời cứu mạng bệnh nhân.
  • Oxy giúp bạn thở dễ dàng
  • Thuốc kháng histamine và corticoid tiêm tĩnh mạch (IV) để giảm tình trạng đáp ứng viêm đang xảy ra trong cơ thể.
  • Thuốc kích thích beta giao cảm tác dụng ngắn (ví dụ như salbutamol) để tăng khả năng thông khí tạm thời cho bệnh nhân.
Ngoài đường tiêm adrenaline dưới da có thể tiêm qua đường tĩnh mạch nếu sốc quá nặng. - Ảnh: Canva

Phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp?

Nếu bạn đi cùng người đang bị phản ứng phản vệ và có dấu hiệu sốc, hãy hành động nhanh chóng. Nếu họ có các triệu chứng như: làn da nhợt nhạt, mát mẻ và ẩm ướt; mạch yếu, nhanh; khó thở; lú lẫn; và mất ý thức. Hãy thực hiện ngay những việc sau:

  • Gọi 115 hoặc la lớn yêu cầu trợ giúp y tế khẩn cấp.
  • Sử dụng bơm tiêm adrenaline tự động (nếu có) bằng cách tiêm vào đùi của người bệnh.
  • Giúp người bệnh nằm xuống và nâng cao chân hơn đầu.
  • Lay gọi bệnh nhân, day nhẹ xương ức, xem sự di động của lồng ngực, sờ vào động mạch cổ còn đập không, nếu xuất hiện ngưng tim ngưng thở: tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt cho bệnh nhân ngay lập tức trong lúc chờ xe cấp cứu ngoại viện tới.

Sử dụng bơm tiêm adrenaline tự động

Nhiều người có nguy cơ cao bị sốc phản vệ hoặc bị sốc phản vệ nhiều lần trước đây nên mang theo bơm tiêm adrenaline tự động. Thiết bị này là một ống tiêm kết hợp và một cây kim giấu kín để tiêm một liều thuốc duy nhất khi ấn vào đùi. Thay adrenaline (epinephrine) trước ngày hết hạn để đảm bảo ống tiêm hoạt động tốt. Sử dụng ống tiêm tự động ngay lập tức có thể giúp tình trạng sốc phản vệ không trở nên trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, hiện nay bơm tiêm adrenaline tự động chưa phổ biến ở nước ta. Ngoài ra, không tự tiện sử dụng bơm tiêm adrenaline tự động nếu chưa được tập huấn sử dụng, có thể dẫn tới tình trạng quá liều thuốc: bứt rứt, khó chịu, căng thẳng liên tục và run.

Điều trị lâu dài

Nếu vết đốt của côn trùng gây ra sốc phản vệ, có thể làm giảm phản ứng dị ứng của cơ thể và ngăn ngừa phản ứng nghiêm trọng trong tương lai.

Tuy nhiên, nếu sốc phản vệ xảy ra do thuốc hoặc thức ăn, không có biện pháp điều trị nào có thể phòng ngừa vào lại cơn sốc phản vệ trong tương lai.. Tức là, bạn vẫn sẽ gặp tình trạng sốc phản vệ nếu gặp các tác nhân gây dị ứng trong những lần sau, mặc dù trước đó đã được cấp cứu và điều trị cắt cơn sốc phản vệ. Nhưng bạn có thể thực hiện một vài lời khuyên sau và chuẩn bị sẵn sàng nếu nó xảy ra.

  • Xác định chính xác tác nhân gây dị ứng của bạn, nếu là thuốc, hãy ghi lại các tên thuốc vào mẩu giấy nhỏ và luôn mang theo mình.
  • Cố gắng tránh xa nhất có thể các tác nhân gây dị ứng.
  • Mang theo bơm tiêm adrenaline tự động. Khi xuất hiện lại các triệu chứng của sốc phản vệ, bạn có thể tự tiêm 1 mũi adrenaline bằng cách ấn mạnh đầu tiêm vào bắp đùi hoặc vùng cơ delta trên vai, sau đó đến cơ sở y tế khẩn cấp.

Phòng ngừa phản vệ

Cách tốt nhất để ngăn ngừa sốc phản vệ là tránh xa các chất gây ra phản ứng nghiêm trọng này và tuân thủ một vài lưu ý sau:

  • Đeo vòng tay cảnh báo y tế để cho biết bạn bị dị ứng với các loại thuốc cụ thể hoặc các chất khác. Nếu ở ngoài các cơ sở y tế, hãy để mẩu giấy ghi các loại thuốc gây dị ứng vào ví hoặc túi xách và luôn mang theo người.
  • Luôn luôn có sẵn hộp thuốc y tế khẩn cấp với các loại thuốc được kê đơn. Nếu bạn có bơm tiêm adrenaline tự động, hãy kiểm tra ngày hết hạn và nhớ mua lại đơn thuốc trước khi hết hạn.
  • Nói với bác sĩ về các phản ứng thuốc mà bạn đã gặp phải.
  • Nếu bạn bị dị ứng với côn trùng đốt, hãy thận trọng khi ở gần chúng. Mặc áo sơ mi và quần dài tay; không đi chân trần trên cỏ; không dùng nước hoa, nước hoa hoặc nước thơm; Giữ bình tĩnh khi ở gần côn trùng đốt và di chuyển từ từ ra 
  • Nếu bạn bị dị ứng thực phẩm, hãy đọc kỹ nhãn của tất cả các loại thực phẩm bạn mua và ăn. Khi đi ăn ngoài, hãy hỏi xem từng món ăn được chế biến như thế nào và tìm hiểu xem món ăn đó có những thành phần gì. Ngay cả một lượng nhỏ thực phẩm mà bạn bị dị ứng cũng có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng.

Bài viết cung cấp các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và điều trị phản vệ và sốc phản vệ. Hi vọng bạn đã nắm được những thông tin cần thiết và phòng ngừa không để xảy ra tình trạng nguy hiểm này. Chúc bạn mạnh khỏe!

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết