Sốt phát ban là gì?
Sốt phát ban là tình trạng bệnh thường gặp chủ yếu ở trẻ em nhưng vẫn có thể gặp ở người trưởng thành. Bệnh biểu hiện với triệu chứng sốt và nổi nhiều chấm hoặc mảng đỏ (phát ban) rải rác trên da toàn thân. Đây là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thành dịch và có thể biến chứng nguy hiểm.
Sốt phát ban là cụm từ dùng chung cho các bệnh có đồng thời triệu chứng sốt và phát ban. Hai nhóm virus chính gây ra sốt phát ban là sởi và Rubella (bệnh sởi Đức).
Triệu chứng sốt phát ban ở trẻ em
Sốt phát ban ở trẻ thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt, có thể chỉ sốt nhẹ 38 độ C hoặc sốt cao hơn 40 độ C. Sau đó, vào ngày thứ 3 hoặc thứ 4 của đợt bệnh, khi sốt giảm, các nốt ban sẽ bắt đầu xuất hiện trên da của trẻ. Các vết ban lan nhanh và có thể kéo dài khoảng vài ngày.
Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đau họng
- Nhức đầu
- Mệt mỏi
- Phát ban
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ, sau tai
- Tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây sốt phát ban, mà các nốt ban có thể biểu hiện khác nhau. Nhưng hầu hết trông giống như những nốt đỏ lốm đốm trên bề mặt da.
Những vết ban này có thể xuất hiện đột ngột hoặc xuất hiện dần dần trong vài ngày, cũng có thể xuất hiện thành từng đám nhỏ hoặc gần như toàn bộ cơ thể. Ví dụ, phát ban liên quan đến bệnh sởi bắt đầu ở vùng đầu mặt trước khi lan sang thân và tay chân của trẻ. Ngoài ra, các vết ban gây ra do virus cũng có thể gây ngứa hoặc làm trẻ khó chịu.
Điều trị sốt phát ban ở trẻ
Thông thường, điều trị sốt phát ban ở trẻ em chủ yếu là điều trị triệu chứng, đồng thời cho trẻ uống nhiều nước và nghỉ ngơi.
Nếu trẻ bị sốt cao trên 38,5 độ C, cần dùng thuốc hạ sốt (paracetamol) cho trẻ. Phụ huynh cần lưu ý liều lượng phù hợp với cân nặng và dùng thuốc cách ít nhất 4-6 giờ một lần. Không nên lạm dụng thuốc hạ sốt sẽ gây ngộ độc cho trẻ.
Nếu trẻ bị ngứa, có thể chườm mát hoặc dùng một số loại thuốc bôi dưỡng da. Trẻ nên được cắt ngắn móng tay để tránh việc cào gãi làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi trùng. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc bôi nào lên các vết ban của trẻ. Tuỳ thuộc vào vết ban do nguyên nhân gì mà bác sĩ có thể chỉ định loại thuốc phù hợp.
Nhìn chung, việc điều trị phát ban do virus phụ thuộc vào loại phát ban, tiền sử bệnh, tình trạng thể chất của trẻ. Đặc biệt, phụ huynh cần theo dõi các dấu hiệu trở nặng trong thời gian điều trị để kịp thời đưa trẻ thăm khám khi cần thiết.
Biện pháp chăm sóc tại nhà
Một số biện pháp chăm sóc trẻ sốt tại nhà dưới đây có thể giúp làm giảm các triệu chứng phát ban cho trẻ:
- Chườm mát lên vết phát ban trong 15 đến 30 phút vài lần mỗi ngày.
- Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ khi trẻ có hiện tượng sốt cao, thông thường trên 38,5 độ C.
- Uống nhiều nước
- Tránh đưa trẻ đến những nơi nắng nóng hoặc nhiều gió, không khí lạnh.
Phòng ngừa sốt phát ban ở trẻ
Một số biện pháp giúp phòng ngừa sốt phát ban hiệu quả
- Tiêm vắc xin: Vắc xin sởi-quai bị-rubella (MMR) được coi là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh sởi và sốt phát ban ở trẻ em. Phụ huynh nên cho trẻ tiêm đúng và đủ liều theo lịch tiêm.
- Tăng cường sức để kháng cho trẻ: Đảm bảo trẻ được ăn uống cân đối, vận động thường xuyên và có giấc ngủ đủ để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể chống lại bệnh tật.
- Tránh tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh: Tránh tiếp xúc với người bị bệnh, bên cạnh đó nếu trẻ mắc bệnh nên cho trẻ nghỉ học ở nhà để tránh việc lây lan ra lớp học.
- Chăm sóc sức khỏe cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc môi trường có khả năng lây bệnh.
Sốt phát ban ở trẻ thường gây ra do virus, phụ huynh có thể chăm sóc tại nhà và tham khảo sự tư vấn từ bác sĩ khi cần. Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa tránh lây lan và theo dõi các triệu chứng để kịp thời phát hiện bệnh trở nặng và đưa trẻ đến cơ sở y tế khi cần thiết.