Sưng mắt là tình trạng mắt bị phồng lên, xuất hiện các quầng, bọng sưng quanh viền mắt khiến mắt có cảm giác bị nhỏ đi. Sưng mắt có thể là hiện tượng bình thường, nhất là khi ngủ dậy sau tối thức khuya. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài kèm theo một số triệu chứng khác có thể cảnh báo nguy cơ về một số vấn đề thị lực nghiêm trọng hơn.
Các biểu hiện sưng mắt
Các triệu chứng thường gặp khi sưng mắt gồm:
- Viền mắt sưng, có bọng mắt.
- Mắt ngứa, mỏi.
- Có thể xuất hiện tình trạng đỏ mắt tạm thời.
- Nhìn mờ hoặc nhòe trong thời gian ngắn.
Các triệu chứng này có thể biến mất sau 24 giờ. Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng mắt kéo dài kèm theo các dấu hiệu như:
- Đau mắt dữ dội.
- Sốt.
- Nhìn mờ, nhìn ruồi bay.
- Mắt cộm, cảm giác có dị vật trong mắt.
- Chảy nước mắt sống liên tục.
- Có dịch nhầy bám ở góc mắt hoặc quanh mi mắt.
Những nguyên nhân gây sưng mắt
Sưng mắt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Mất ngủ hoặc căng thẳng khiến ngủ không đủ giấc.
- Dị ứng do thay đổi thời tiết, phấn hoa, các chất hóa chất hoặc khói bụi ô nhiễm.
- Tắc nghẽn hoặc sưng phù mạch máu quanh mắt.
- Chấn thương khiến máu tụ lại bên dưới vùng bị tổn thương gây sưng.
- Tình trạng viêm nhiễm hoặc các bệnh lý liên quan đến mắt.
Các bệnh lý gây ra sưng mắt
Thông thường, tình trạng sưng mí mắt phía trên hoặc dưới chỉ là cảm giác khó chịu và sẽ tự hết trong vòng một ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng kéo dài (khoảng 24 đến 48 giờ) có thể tiềm ẩn một số nguy cơ bệnh lý nhãn khoa nghiêm trọng hơn như:
- Viêm kết mạc (hay đau mắt đỏ): bệnh nhiễm trùng mắt do virus, vi khuẩn hoặc các nhân tố kích ứng khác gây ra.
- Chắp, lẹo mắt: tình trạng nhiễm trùng ở nang lông mi hoặc tuyến lệ tạo thành các vết sưng đỏ, mềm ở rìa mí mắt.
- Viêm mô tế bào hốc mắt: viêm lây lan từ xoang gây đỏ, sưng đau ở mí mắt, thường phổ biến ở trẻ nhỏ.
- Bệnh Graves (mắt lồi): tình trạng tự miễn dịch gây viêm mắt liên quan đến tuyến giáp.
- Các khối u, ung thư mắt kèm theo tình trạng mờ mắt hoặc mất thị lực.
- Các bệnh lý hệ thống như: tiểu đường, huyết áp cao, bệnh đa xơ cứng, bệnh động mạch cảnh,…
Chẩn đoán nguyên nhân sưng mắt
Để chẩn đoán nguyên nhân sưng mắt, bác sĩ có thể thực hiện một vài phương pháp đánh giá như:
- Kiểm tra lâm sàng: tìm hiểu về thông tin sức khỏe, triệu chứng và lịch sử khám chữa bệnh.
- Làm các xét nghiệm chức năng mắt: đo thị lực, nhãn áp
- Khám mắt bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt để phát hiện các tổn thương
- Xét nghiệm dị ứng: đánh giá nguy cơ sưng mắt nếu nghi ngờ mắt sưng do các yếu tố gây kích ứng.
- Xét nghiệm hình ảnh: siêu âm nhãn cầu, hốc mắt, chụp CT hốc mắt sọ nãođể kiểm tra dấu hiệu bất thường quanh vùng mắt.
- Một số trường hợp có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu bổ sung nhằm kiểm tra nguy cơ viêm nhiễm hoặc rối loạn chức năng trong cơ thể.
Điều trị sưng mắt
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của sưng mắt, bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp điều trị như:
- Điều trị nguyên nhân: các trường hợp sưng mắt do rối loạn sinh hoạt, dị ứng khói bụi, phấn hoa… có thể sử dụng dung dịch vệ sinh, nước muối sinh lý để vệ sinh mắt, loại bỏ bụi bẩn và các tác nhân gây sưng.
- Điều trị bằng thuốc: các trường hợp sưng mắt cấp tính (do virus, vi khuẩn, nấm...) thường được chỉ định sử dụng các loại thuốc giảm viêm, các thuốc đặc hiệu chống vi khuẩn, virrus, nấm,… thuốc kháng histamine giảm triệu chứng ngữa mắt, thuốc giảm đau kết hợp với các biện pháp vệ sinh mắt hàng ngày để kiểm soát và cải thiện tình trạng sưng mắt.
- Một số trường hợp sưng mắt liên quan đến các bệnh lý của nhãn cầu và hốc mắt cần phải được điều trị bệnh nguyên tại các cơ sở nhãn khoa. Ví dụ do các khối u, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật để xử lý tình trạng sưng mắt.
Các bước sơ cứu triệu chứng sưng mắt
Khi gặp tình huống sưng mắt đột ngột, thường do dị ứng cấp, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sơ cứu tình trạng như:
- Chườm lạnh để làm dịu mắt.
- Rửa mắt với nước hoặc dung dịch rửa mắt để làm sạch.
- Nghỉ ngơi, nâng cao gối khi nằm ngủ.
- Tránh tiếp xúc với chất kích ứng.
- Sau khi sơ cứu xong, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa tình trạng sưng mắt tại nhà
Để chăm sóc và phòng ngừa sưng mắt tại nhà, bạn đọc có thể áp dụng một số phương pháp cụ thể như sau:
- Vệ sinh mắt hàng ngày bằng dung dịch muối sinh lý loại nhỏ mắt.
Giữ vùng quanh mắt luôn sạch và khô ráo.
- Tránh để mắt tiếp xúc với hóa chất, khói bụi,... hạn chế đưa tay chạm vào mắt để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Vệ sinh sạch sẽ và đảm bảo môi trường sống đủ độ ẩm.
- Ngủ đủ giấc từ 7 - 8 tiếng mỗi ngày.
- Dùng mặt nạ lạnh hoặc túi lạnh chườm mắt khi ngủ để giảm sưng.
- Uống đủ nước hàng ngày để duy trì độ ẩm cho cơ thể.
- Đeo kính mắt bảo vệ khi tiếp xúc với môi trường có yếu tố gây sưng mắt.
Sưng mắt là một tình trạng khá phổ biến ở mọi độ tuổi. Việc tìm hiểu các thông tin liên quan đến triệu chứng sưng mắt là điều cần thiết để chăm sóc, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các biến chứng, đảm bảo duy trì thị lực và chất lượng cuộc sống ổn định.