Suy buồng trứng: triệu chứng, nguyên nhân và chẩn đoán, điều trị như thế nào?
Suy buồng trứng: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Suy buồng trứng: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị như thế nào? - Ảnh: BookingCare

Suy buồng trứng: triệu chứng, nguyên nhân và chẩn đoán, điều trị như thế nào?

Xuất bản: 03/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 26/12/2023
Suy buồng trứng là tình trạng buồng trứng ngừng hoạt động bình thường trước tuổi 40. Vậy nguyên nhân, biểu hiện của suy buồng trứng là gì? Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị bệnh? Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Trong suy giảm buồng trứng nguyên phát, buồng trứng không thường xuyên giải phóng trứng và không sản sinh ra đủ hormone sinh dục. Tình trạng này thường dẫn đến vô sinh ở nữ giới. Vậy suy buồng trứng là gì? Hãy cùng tìm hiểu về suy buồng trứng và các biểu hiện, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán, điều trị qua bài viết dưới đây. 

Tổng quan suy buồng trứng 

Buồng trứng là những tuyến nhỏ nằm ở hai bên tử cung, có nhiệm vụ sản xuất và giải phóng trứng trong quá trình rụng trứng. Buồng trứng cũng là nơi tạo ra các hormone quan trọng cho kinh nguyệt, mang thai và các chức năng cơ thể khác. 

Suy buồng trứng nguyên phát hay còn được gọi là suy buồng trứng sớm. Đây là độ tuổi thông thường để ngừng sản xuất trứng được gọi là mãn kinh ở nữ giới. Nhiều người nhầm lẫn suy buồng trứng nguyên phát với mãn kinh sớm. Tuy nhiên hai bệnh lý này không giống nhau. 

Những người suy buồng trứng có thể có kinh nguyệt không đều hoặc thỉnh thoảng trong nhiều năm, họ thậm chí có thể mang thai. Nhưng những người mãn kinh sớm sẽ ngừng kinh nguyệt và không thể mang thai. 

Triệu chứng của suy buồng trứng 

Các biểu hiện suy buồng trứng tương tự thời kỳ tiền mãn kinh hoặc thiếu hụt estrogen cơ thể. Một số biểu hiện như: 

  • Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt. Triệu chứng này có thể diễn ra trong nhiều năm hoặc xuất hiện sau khi mang thai, hoặc sau khi ngừng thuốc tránh thai. 
  • Khó có thai hoặc vô sinh. 
  • Triệu chứng tương tự tuổi tiền mãn kinh: Bốc hỏa, đổ mồ hôi trộm vào ban đêm 
  • Khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục 
  • Khô mắt 
  • Mất xương và loãng xương
  • Khó chịu hoặc khó tập trung 
  • Nếu nhận thấy tình trạng rối loạn kinh nguyệt (không có kinh nguyệt) từ 3 tháng trở lên, bạn nên đi khám để được xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Suy buồng trứng gây khó có con hoặc vô sinh ở nữ
Suy buồng trứng gây khó có con hoặc vô sinh ở nữ - Ảnh: Freepik

Nguyên nhân gây suy buồng trứng 

Suy buồng trứng nguyên phát có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: 

  • Rối loạn nhiễm sắc thể X: Một số rối loạn di truyền liên quan đến nhiễm sắc thể có thể dẫn tới suy buồng trứng nguyên phát. Như hội chứng Turner phụ nữ chỉ có một nhiễm sắc thể X và nhiễm sắc thể X thứ hai bị thay đổi. Hay hội chứng Fragile X khiến nhiễm sắc thể X rất dễ vỡ và gãy. 
  • Độc tố: Các loại hoá trị, xạ trị cũng là nguyên nhân hàng đầu gây suy buồng trứng ở nữ giới. Những liệu pháp điều trị này có thể làm hỏng vật liệu di truyền trong các tế bào. Bên cạnh đó, những độc tố có từ môi trường như khói thuốc lá, hoá chất, thuốc trừ sâu, virus… cũng có thể đẩy nhanh tiến trình suy buồng trứng ở nữ. 
  • Bệnh tự miễn: Hệ thống miễn dịch tạo ra các protein bảo vệ tấn công nhầm vào mô buồng trứng, gây hại cho các nang trứng và làm hỏng trứng. Một số bệnh tự miễn như bệnh Addison, viêm khớp dạng thấp, bệnh tuyến giáp… 

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển suy buồng trứng nguyên phát như: 

  • Đang điều trị đái tháo đường typ 1, những người làm việc ca đêm thường xuyên cũng tăng nguy cơ suy buồng trứng sớm.
  • Tiền sử gia đình: Nếu nữ giới có người thân trong gia đình (bà, mẹ, chị em gái) suy buồng trứng nguyên phát sẽ có nguy cơ cao hơn. 
  • Phẫu thuật buồng trứng: Các phẫu thuật liên quan đến buồng trứng làm tăng nguy cơ bệnh. 

Biến chứng của suy buồng trứng nguyên phát ở nữ 

Suy buồng trứng sớm có thể dẫn tới nhiều tình trạng sức khoẻ khác ở nữ giới: 

  • Vô sinh: Không thể mang thai là biến chứng hàng đầu của suy buồng trứng nguyên phát. Người phụ nữ khó có thể có con nếu nguồn cung cấp trứng của cơ thể bị cạn kiệt. 
  • Loãng xương: Lượng hormone estrogen giảm thấp khiến phụ nữ có nguy cơ loãng xương, xương trở nên yếu, giòn và dễ gãy hơn. 
  • Trầm cảm, lo lắng: Một số người suy buồng trứng trở nên trầm cảm, lo lắng. Điều này có thể là do nguy cơ vô sinh và các tình trạng khác phát sinh do giảm nồng độ estrogen. 
  • Bệnh lý tim mạch: giảm estrogen sớm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ. 
  • Chứng mất trí nhớ: nguy cơ bị ảnh hưởng trí nhớ, tư duy và kỹ năng xã hội (sa sút trí tuệ), liên quan đến việc cắt bỏ hai buồng trứng và không tiếp nhận liệu pháp estrogen sau đó ở những người dưới 43 tuổi. 

Chẩn đoán suy buồng trứng như thế nào? 

Hầu hết phụ nữ ít có dấu hiệu suy buồng trứng nguyên phát. Tuy nhiên, bác sĩ có thể nghi ngờ tình trạng này nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc khó thụ thai. Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ cần kết hợp hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng và làm các cận lâm sàng chẩn đoán. 

Khám suy buồng trứng nguyên phát như thế nào?
Khám suy buồng trứng nguyên phát như thế nào? - Ảnh: Freepik
  • Hỏi bệnh: Bác sĩ có thể đặt một số câu hỏi liên quan chu kỳ kinh nguyệt, tiếp xúc chất độc (hoá trị, xạ trị), tiền sử phẫu thuật, tiền sử gia đình của bạn trước đó. 
  • Khám lâm sàng: Thăm khám vùng chậu 
  • Cận lâm sàng: Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm như: 
    • Thử thai: khám và kiểm tra khả năng mang thai ngoài ý muốn nếu bạn đang trong độ tuổi sinh nở và bị trễ kinh
    • Xét nghiệm hormone: hormone kích thích nang trứng (FSH), estrogen (estradiol), prolactin
    • Xét nghiệm máu (xét nghiệm karyotype): để tìm các rối loạn di truyền 
    • Xét nghiệm kháng thể: kiểm tra các rối loạn tự miễn dịch 
    • Siêu âm vùng chậu: để quan sát buồng trứng, tử cung. 
    • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp, đường huyết lúc đói, chất điện giải và creatinin.

Làm thế nào để điều trị suy buồng trứng nguyên phát? 

Điều trị suy buồng trứng nguyên phát ở nữ giới thường tập trung vào các vấn đề phát sinh do thiếu hụt estrogen. Điều trị có thể bao gồm: 

Liệu pháp hormone

Liệu pháp estrogen/progestin (theo chu kỳ hoặc liên tục), được sử dụng cho đến khoảng 51 tuổi (độ tuổi trung bình của thời kỳ mãn kinh). Liệu pháp hormone làm giảm các triệu chứng thiếu hụt estrogen, giúp duy trì mật độ xương và ngăn ngừa bệnh mạch vành, bệnh Parkinson hay các rối loạn tâm trạng (trầm cảm, lo lắng), viêm teo âm đạo và sa sút trí tuệ.

Phụ nữ đến tuổi mãn kinh trung bình, bác sĩ sẽ cân nhắc có nên tiếp tục điều trị bằng liệu pháp hormone hay không, phụ thuộc vào hoàn cảnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trên từng người bệnh. Nguyên nhân bởi vì ở phụ nữ lớn tuổi, điều trị bằng estrogen kết hợp progesteron có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư vú cao hơn. 

Bổ sung canxi và vitamin D 

Đây là hai chất quan trọng giúp ngăn ngừa loãng xương ở nữ giới. Đối với phụ nữ từ 19 đến 50 tuổi, các chuyên gia thường khuyên dùng 1.000 miligam (mg) canxi mỗi ngày thông qua thực phẩm hoặc chất bổ sung. Số lượng tăng lên 1.200 mg mỗi ngày đối với phụ nữ từ 51 tuổi trở lên.  

Liều lượng vitamin D lý tưởng hàng ngày vẫn chưa rõ ràng. Điểm khởi đầu tốt là 800 đến 1.000 đơn vị quốc tế (IU) mỗi ngày, thông qua thực phẩm hoặc chất bổ sung. 

Các phương pháp hỗ trợ sinh sản 

Với những phụ nữ suy buồng trứng nhưng mong muốn có thai, thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp thường được áp dụng. Quy trình này bao gồm lấy trứng từ người hiến tặng và thụ tinh với tinh trùng của đối tác trong phòng thí nghiệm. Trứng đã thụ tinh (phôi) sau đó được đặt vào tử cung của người bệnh.

Phòng ngừa suy buồng trứng 

Suy buồng trứng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, gây vô sinh mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ chung và tinh thần của người phụ nữ. Bạn nên xây dựng lối sống lành mạnh: 

  • Hạn chế căng thẳng, mệt mỏi, giữ tinh thần lạc quan vui vẻ. 
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế các thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, tăng cường miễn dịch cơ thể. 
  • Phụ nữ nên bổ sung canxi, vitamin D trong thực phẩm hoặc các chất bổ sung. 
  • Thăm khám kịp thời và thường xuyên để phát hiện và điều trị. 

Trên đây là tất cả những thông tin liên quan đến bệnh lý suy buồng trứng. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích. Hãy chủ động theo dõi sức khoẻ sinh sản và thăm khám kịp thời tại các cơ sở y tế nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường về kinh nguyệt: máu kinh ít, kinh thưa dần, mất kinh nhiều tháng liên tiếp…

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết