Đối tượng mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ chủ yếu là trên 30 tuổi và phần lớn là nam giới. Các bệnh nhân tới khám tầm soát phần lớn các trường hợp bị chứng ngáy rất to, ban ngày hay buồn ngủ, mệt mỏi hoặc cảm thấy bị nghẹt thở khi ngủ, phải thức dậy nhiều lần trong đêm để thở... Vậy hội chứng ngưng thở khi ngủ có nguy hiểm không và cách phòng tránh là gì?
Tác hại của hội chứng ngưng thở khi ngủ
- Ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn là nguyên nhân hàng đầu gây buồn ngủ ban ngày, dẫn đến làm tăng nguy cơ tai nạn ô tô, khó khăn trong công việc và rối loạn chức năng tình dục. Ngưng thở khi ngủ còn làm thay đổi tính tình, tăng khả năng bị trầm cảm.
- Trẻ em mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ sẽ giảm khả năng tập trung và rối loạn hành vi, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
- Mối quan hệ với người thân xung quanh có thể bị ảnh hưởng xấu vì tiếng ồn khi ngủ, trằn trọc của bệnh nhân.
- Những bệnh nhân bị ngừng thở khi ngủ không được điều trị nếu có huyết áp bình thường thì nhiều khả năng sẽ bị tăng huyết áp trong vòng 5 năm tiếp theo.
- Tình trạng thiếu oxy về đêm lặp đi lặp lại và gián đoạn giấc ngủ có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch: suy tim, rung nhĩ và các rối loạn nhịp tim khác, gan nhiễm mỡ và đột quỵ.
- Nguy cơ đột quỵ và tử vong tăng lên ngay cả khi kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác (ví dụ như tăng huyết áp, tiểu đường…) . Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn đối với những rối loạn phổ biến này hiện chưa được đánh giá đúng mức.
Cách phòng tránh ngưng thở khi ngủ
Tự thay đổi một số thói quen và lối sống sẽ giúp phòng tránh chứng ngưng thở khi ngủ hoặc làm nhẹ bớt các triệu chứng bao gồm:
- Giữ cân nặng hợp lý bằng chế ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục thường xuyên.
- Thực hiện chế độ giảm cân nếu bạn bị thừa cân béo phì. Việc giảm cân không chỉ dự phòng hội chứng ngưng thở khi ngủ mà còn với các bệnh lý khác như rối loạn chuyển hóa, mỡ máu, huyết áp… Giảm cân rất quan trọng vì có thể giảm độ nặng hoặc có thể chữa được ngưng thở khi ngủ ở mức độ nhẹ.
- Những trường hợp có kèm theo bất thường về giải phẫu như bất thường hàm mặt, lưỡi gà quá thấp cần có can thiệp về chuyên khoa.
- Tránh hút thuốc lá, uống rượu và sử dụng thuốc an thần, kể cả thuốc ngủ.
- Thay đổi tư thế ngủ: quay đầu giường lên cao 10cm, tránh nằm gối cao. Nằm nghiêng sẽ giúp người bệnh dễ thở hơn, giảm tình trạng ngáy to.
Ngưng thở khi ngủ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều quan trọng nhất là bạn cần đi khám ngay nếu có các biểu hiện ngáy to, các đợt ngưng thở khi ngủ, thức giấc đột ngột kèm theo khó thở. Việc điều trị kịp thời có thể phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm khác và giúp cải thiện cuộc sống của người bệnh một cách đáng kể.