Táo bón ở trẻ nhũ nhi: Dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục

Tác giả: - Xuất bản: 23/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 23/12/2023
Táo bón ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục
Táo bón ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục - Ảnh: BookingCare
Làm thế nào để biết được trẻ nhũ nhi bị táo bón? Cách khắc phục an toàn, hiệu quả tại nhà cho trẻ như thế nào? Mời phụ huynh tham khảo nội dung dưới đây.

Phần lớn, trẻ bú sữa mẹ không bị táo bón cho đến khi trẻ ăn dặm, vào khoảng thời gian trẻ được 6 tháng tuổi. Một số triệu chứng và cách khắc phục dưới đây giúp cha mẹ nhận biết và có cách chăm sóc phù hợp cho trẻ bị táo bón.

Triệu chứng táo bón ở trẻ nhũ nhi

Ở trẻ nhũ nhi, táo bón không chỉ liên quan đến tần suất mà còn là tình trạng trẻ đi tiêu khó khăn. Thông thường trẻ nhũ nhi đi đại tiện trung bình khoảng 1-2 lần/ngày, tuy nhiên một số trẻ có thể mất 4-5 ngày mới đi tiêu nhưng phân mềm và trẻ không quấy khóc khi đi tiêu. Nhưng nếu xuất hiện các dấu hiệu dưới đây, có thể con của bạn đang bị táo bón:

  • Bụng căng, cứng
  • Bé có vẻ đau đớn hoặc khó chịu khi đi đại tiện, khiến bé cong lưng hoặc khóc, kèm theo phân khô và cứng
  • Phân có dạng viên
  • Không muốn ăn
  • Phân cứng có máu hoặc màu đen
  • Đi tiêu không thường xuyên hoặc số lần ít hơn bình thường

Rặn khi đi tiêu ở trẻ sơ sinh không phải lúc nào cũng là dấu hiệu táo bón. Trẻ sơ sinh có cơ bụng yếu và thường căng thẳng khi đi tiêu, nếu bé đi phân mềm sau vài phút rặn thì không phải là dấu hiệu táo bón. Bên cạnh đó, nếu trẻ đang bú mẹ hoàn toàn thì việc trẻ không đi tiêu trong vài ngày và trẻ ăn chơi bú ngủ như thường lệ thì đây vẫn là tình trạng bình thường. 

Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ nhũ nhi

Vào thời điểm bé ăn dặm vào khoảng 6 tháng tuổi, bé có thể bị táo bón do một số loại thức ăn ngoài sữa như:

  • Tinh bột trong cơm gạo: Có tính chất hấp thụ nước trong ruột, nên gây ra khó tiêu. Có thể chuyển sang bột yến mạch nếu bé có dấu hiệu táo bón. 
  • Sữa bò: Trẻ từ 1 tuổi có thể tập uống sữa tươi. Tuy nhiên, nếu nạp quá nhiều sản phẩm từ sữa bò trẻ có thể bị táo bón.
  • Chuối: Chuối có thể gây táo bón ở trẻ sơ sinh. Có thể cho bé ăn dưới dạng xay nhuyễn với nước hoặc nước ép trái cây. 
  • Chế độ ăn ít chất xơ khiến trẻ khó đi đại tiện. 

Bên cạnh đó một số nguyên nhân khác khiến trẻ bị táo bón gồm:

  • Trẻ uống ít chất lỏng (bao gồm cả sữa).
  • Căng thẳng: Thường xuyên di chuyển, nóng bức,... có thể gây căng thẳng cho bé và dẫn đến táo bón.
  • Trẻ mắc một bệnh nào đó: Ngay cả những bệnh như cảm lạnh thông thường cũng có thể khiến trẻ chán ăn, bỏ bú và nguy cơ trẻ bị táo bón trong đợt bệnh.

Chăm sóc cho trẻ nhũ nhi bị táo bón tại nhà

Một số phương pháp an toàn, hiệu quả dưới đây giúp cha mẹ khắc phục tình trạng táo bón cho trẻ nhũ nhi tại nhà:

  • Nếu bé đang bú sữa công thức, hãy thử đổi sang nhãn hiệu sữa khác “mát” hơn, có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ về loại sữa phù hợp. 
  • Khi trẻ mới ăn dặm, cố gắng cho trẻ bú sữa mẹ trước khi ăn dặm để trẻ được nạp đủ chất lỏng.
  • Với trẻ trên 6 tháng, có thể cho trẻ uống một lượng nhỏ nước hoặc khẩu phần hàng ngày gồm 100% nước ép táo, mận (Úc) hoặc lê ngoài các bữa ăn. Những loại nước ép này có chứa sorbitol, một chất làm ngọt có tác dụng như thuốc nhuận tràng. Có thể cho trẻ thử uống từ 60-120m với liều lượng tăng dần tùy khả năng tiêu hóa của trẻ. Với trẻ nhỏ hơn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ Nhi khoa.
  • Có thể cho bé ăn nhiều chất xơ hơn như mận (Úc) hoặc đậu Hà Lan xay nhuyễn, ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch. 
  • Một số bài tập nhẹ nhàng giúp bé đi tiêu dễ hơn: Gập đầu gối của bé về phía bụng, hoặc tập theo tư thế đạp xe. Có thể duy trì tập 10 phút mỗi ngày giúp nhu động ruột hoạt động tốt hơn.
  • Tắm nước ấm có thể giúp bé thư giãn và dễ đi tiêu. 
  • Mát xa bụng dưới cho bé theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 1 phút.

Nếu cha mẹ đã thực hiện thay đổi chế độ ăn uống và các biện pháp kết hợp mà bé vẫn khó đi tiêu và đi phân cứng, cha mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ Nhi khoa để tìm thêm nguyên nhân thực thể và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám trong các trường hợp sau: 

  • Ăn bú kém hoặc bỏ ăn, bỏ bú
  • Trẻ bị sốt
  • Nôn ói
  • Chướng bụng

Lưu ý cha mẹ không tự ý cho trẻ dùng thuốc nhuận tràng hay thuốc xổ mà không tham khảo  ý kiến ​​của bác sĩ.

Tần suất đi tiêu của trẻ nhũ nhi theo tháng tuổi

Tần suất đi tiêu của trẻ thay đổi tuỳ thuộc theo độ tuổi và chế độ ăn. Tần suất thông thường của một đứa trẻ có thể thay đổi theo bảng dưới đây. Cha mẹ có thể tham khảo để xác định xem tình trạng của con là bình thường hay bất thường.

1-4 ngày tuổi

Trẻ sẽ đi tiêu khoảng 1 lần/ngày. Màu sắc sẽ thay đổi một chút từ xanh đậm/đen sang xanh đậm/nâu và sẽ loãng hơn khi trẻ bú mẹ nhiều hơn.

5-30 ngày tuổi

Trẻ đi tiêu khoảng 3 đến 8 lần hoặc nhiều hơn trong ngày. Màu sắc sẽ thay đổi một chút từ xanh đậm/đen sang xanh đậm/nâu và phân lỏng hơn và sau đó có màu vàng hơn khi trẻ bú mẹ nhiều hơn.

1-6 tháng tuổi

Khi được khoảng một tháng tuổi, trẻ hấp thụ khá tốt tất cả sữa mẹ. Như vậy, trẻ có thể đi tiêu vài lần mỗi ngày hoặc chỉ đi tiêu vài ngày một lần phân mềm. Một số trẻ có thể không đi tiêu trong tối đa hai tuần.

Trên 6 tháng tuổi

Khi trẻ bắt đầu ăn dặm vào khoảng 6 tháng tuổi và uống sữa tươi vào khoảng 12 tháng tuổi, trẻ có thể đi tiêu thường xuyên hơn. Mặt khác, thời điểm này trẻ có thể bị táo bón.

Tóm lại, trẻ nhũ nhi bú sữa mẹ (hoặc sữa công thức) hoàn toàn hiếm khi bị táo bón. Trẻ có thể bị táo bón từ 6 tháng tuổi khi bắt đầu ăn dặm. Cha mẹ có thể thực hiện một số biện pháp hỗ trợ an toàn tại nhà cho trẻ và nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa nếu tình trạng của trẻ không cải thiện.