Thiếu canxi: Nguyên nhân, cách nhận biết, điều trị và phòng ngừa
Thiếu canxi: Nguyên nhân, cách nhận biết, điều trị và phòng ngừa
thiếu canxi
Thiếu canxi là một tình trạng thường gặp và có thể gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe cơ thể - Ảnh: BookingCare

Thiếu canxi: Nguyên nhân, cách nhận biết, điều trị và phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 31/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 05/04/2024
Thiếu canxi là một tình trạng thường gặp và có thể gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe cơ thể. Dưới đây là những nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa thiếu canxi, mà BookingCare giới thiệu đến bạn.

Canxi không chỉ cần thiết cho xương, răng mà còn giữ nhiều vai trò quan trọng cho các hoạt động sống của cơ thể. Thiếu hụt canxi có thể gây ra nhiều nguy hại lên xương, tim, cơ và hệ thần kinh. Vậy biểu hiện và nguyên nhân của thiếu canxi là gì? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa thiếu canxi? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Thiếu canxi là gì? 

Trong cơ thể, canxi là khoáng chất với 99% lượng canxi được dự trữ dưới dạng hydroxyapatite trong xương và 1% lưu hành trong máu. Nồng độ canxi huyết tương là 4,5 - 5,1 mEq/l (9-10,2 mg/dl). Trong đó, 50% canxi huyết tương được ion hóa, 40% liên kết với protein (90% trong số đó liên kết với albumin) và 10% lưu thông liên kết với anion (ví dụ như photphat, cacbonat, citrat, lactat, sulfat).

Canxi có tác dụng quan trọng đối với chức năng bình thường của tế bào, dẫn truyền thần kinh, ổn định màng, cấu trúc xương, đông máu và dẫn truyền tín hiệu nội bào.

Trong hệ thần kinh cơ, canxi tạo điều kiện dẫn truyền thần kinh, co cơ và giãn cơ. Canxi cũng cần thiết cho quá trình khoáng hóa xương. Ở cấp độ tế bào, canxi là chất điều hoà quan trọng đối với sự vận chuyển ion và tính toàn vẹn của màng. 

Trong máu, lượng canxi toàn phần dao động từ 8.5 - 10.5 mg/dL (2.12 - 2.62 mmol/L) và canxi ion từ  4.65 - 5.25 mg/dL (1.16 - 1.31 mmol/L).

Thiếu canxi (hạ canxi máu) xảy ra khi máu có hàm lượng canxi thấp. Trong hạ canxi huyết, tổng nồng độ canxi huyết thanh < 8,5 mg/dl (< 2,12 mmol/l) khi nồng độ protein huyết tương bình thường hoặc nồng độ canxi ion hóa huyết thanh < 4,65 mg/dl (< 1,16 mmol/l).

Biểu hiện của thiếu canxi 

Sự thiếu hụt canxi có thể không có triệu chứng. Bệnh loãng xương có thể diễn tiến âm thầm trong thời gian dài mà không biểu hiện triệu chứng. Một số trường hợp, người bệnh chỉ biết mình bị loãng xương khi có biến chứng gãy xương, lún xẹp đốt sống.

Ngoài ra, thiếu canxi còn biểu hiện bởi tình trạng hạ canxi máu với một số triệu chứng như:

  • Cảm giác nóng rát hoặc kim châm ở bàn tay và bàn chân. 
  • Chuột rút cơ bắp.
  • Triệu chứng tâm thần: lo âu, trầm cảm, giảm khí sắc
  • Co cơ ở bàn tay, bàn chân, cánh tay, chân dạng co quắp
  • Tê hoặc ngứa ran quanh miệng, ngón tay và ngón chân. 
  • Da khô, thô ráp. 
  • Rụng tóc từng vùng, cũng có thể là lông mày thưa. 
  • Mệt mỏi, mất ngủ. 
  • Nhịp tim bất thường.
  • Có các cơn tetani cấp: Rối loạn cảm giác của môi, lưỡi, ngón tay và bàn chân, co thắt cơ, có thể kéo dài và gây đau; đau nhức cơ; sự co của cơ mặt. 
  • Dấu Chvostek là co giật không chủ ý của các cơ mặt được bộc lộ bởi gõ nhẹ lên dây thần kinh mặt, phía trước của ống tai ngoài. 
  • Dấu Trousseau là co cổ tay đột ngột do cách giảm lượng máu cung cấp cho tay bằng băng ép hoặc cuốn huyết áp bơm cao hơn 20mmHg so với huyết áp tâm thu được áp dụng cho cánh tay trong 3 phút. 

Các dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ là:

  • Thường xuyên chuột rút, co giật các cơ.
  • Khó thở, mệt mỏi và dễ chóng mặt.
  • Nhịp tim không ổn định.
  • Da xanh xao và nhợt nhạt
Dấu hiệu thiếu canxi
Một trong những dấu hiệu của thiếu canxi là dấu Chvostek - Ảnh: IHR Việt Nam 

Nguyên nhân gây thiếu canxi 

Thiếu canxi thường do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến như: 

  • Chế độ ăn uống thiếu canxi: Khẩu phần ăn ít sữa, ít hải sản (tôm, hàu, cua, ghẹ, cá),… có thể không cung cấp đủ nhu cầu canxi cho cơ thể. 
  • Cơ thể thiếu vitamin D khiến việc hấp thu canxi trở nên khó khăn hơn.
  • Người già tuổi cao, thay đổi nội tiết tố ở nữ giới có thể làm tăng nguy cơ loãng xương và bệnh do thiếu canxi. 
  • Bệnh lý tuyến cận giáp, suy tuyến cận giáp hoặc sau cắt bỏ tuyến cận giáp khiến cơ thể không sản xuất đủ hormone tuyến cận giáp để kiểm soát lượng canxi trong máu. 
  • Bệnh lý thận có thể gây hạ canxi huyết do thận mất canxi và giảm chuyển hóa vitamin D ở thận. 
  • Rối loạn hấp thu ở một số người như người bệnh không dung nạp gluten, đại tràng viêm loét hoặc phẫu thuật đại tràng có thể không hấp thu canxi tốt từ thực phẩm. 
  • Một số loại thuốc đặc trị như thuốc điều trị loãng xương (bisphosphonates, denosumab), thuốc kháng viêm (corticosteroid), thuốc kháng sinh (rifamycin), thuốc hóc môn (calcitonin), thuốc điều trị nhiễm khuẩn (chloroquine), thuốc kháng virus herpes (foscarnet) và thuốc điều trị ung thư (plicamycin),… cũng có thể gây bệnh thiếu canxi.
  • Các bệnh lý khác như ung thư, bệnh gan, bệnh viêm tuyến tiền liệt, viêm tụy cấp,… cũng có thể dẫn đến giảm nồng độ canxi máu. 

Khi không có đủ canxi, cơ thể sẽ lấy canxi từ xương, gây ra suy giảm mật độ khoáng trong xương, xương giòn, dễ gãy và gây ra chứng loãng xương ở người già, còi cọc ở trẻ em. 

Biến chứng của thiếu canxi
Thiếu canxi có thể làm giảm mật độ xương, gây loãng xương ở người già, còi cọc ở trẻ em - Ảnh: Freepik

Những ai dễ bị thiếu canxi? 

Ai cũng có thể bị thiếu hụt canxi nếu không được cung cấp đủ hàm lượng canxi. Trong đó, một số đối tượng có nguy cơ thiếu canxi hơn so với người bình thường là: 

  • Trẻ em và thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển chiều cao, cơ thể cần tiêu thụ nhu cầu canxi lớn để phát triển xương. Từ đó làm gia tăng nguy cơ thiếu hụt canxi nếu không được ăn uống đủ chất. 
  • Phụ nữ mang thai dễ bị thiếu canxi do nhu cầu canxi tăng để đảm bảo phát triển xương, răng của thai nhi. 
  • Người ăn chay thường thiếu canxi do thiếu cung cấp canxi từ thực phẩm: sữa, phô mai, trứng, cá, thịt,…
  • Người có chế độ ăn uống không đủ canxi, người dị ứng đường lactose trong sữa, dị ứng đạm sữa bò,… có nguy cơ thiếu canxi cao. 
  • Phụ nữ mãn kinh suy giảm nội tiết tố estrogen gây ra hiện tượng mất dần khoáng xương, mất canxi và giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. 
  • Người cao tuổi tăng nguy cơ loãng xương, thiếu canxi. 
  • Người rối loạn tiêu hoá hay mắc các bệnh lý suy thận, suy tuyến giáp, suy tuyến yên hoặc người đang phải dùng thuốc kháng viêm, kháng sinh để điều trị các bệnh viêm nhiễm, loãng xương, ung thư,…

Điều trị thiếu canxi hiệu quả 

Thiếu canxi thường dễ điều trị, liên quan đến việc bổ sung canxi vào chế độ ăn uống và thuốc bổ sung canxi. Tuy nhiên, không nên tự ý điều trị bằng thuốc khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ. 

Các chất bổ sung canxi thường được khuyến nghị bao gồm: 

  • Canxi cacbonat, ít đắt nhất và có nhiều canxi nguyên tố nhất.
  • Canxi citrate, là chất dễ hấp thu nhất.
  • Canxi photphat, dễ hấp thu và không gây táo bón.

Thuốc bổ sung canxi có ở dạng lỏng, viên nén và nhai. Liều khuyến cáo cho người lớn bao gồm: 

  • 2000 mg mỗi ngày cho nam và nữ từ 51 tuổi trở lên.  
  • 2500 mg mỗi ngày cho nam giới và phụ nữ từ 19 đến 50 tuổi.

Bên cạnh canxi, vitamin D cũng được bổ sung nhằm điều trị thiếu hụt canxi. Để tăng lượng canxi, bạn có thể thêm thực phẩm giàu vitamin D vào chế độ ăn uống của mình.

Nhu cầu vitamin D là 600 đơn vị quốc tế (15 microgam)/ngày đối với hầu hết người lớn.

Ánh nắng mặt trời kích hoạt cơ thể bạn tạo ra vitamin D, vì vậy việc tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời cũng có thể giúp tăng vitamin D.

Phòng ngừa thiếu canxi như thế nào? 

Bệnh thiếu canxi có thể dễ dàng phòng ngừa bằng cách: 

  • Bổ sung canxi trong chế độ ăn uống: Ưu tiên các thực phẩm giàu canxi như các sản phẩm từ sữa: sữa tươi, sữa chua, sữa đậu nành, phô mai; hải sản như tôm, cua, cá; các loại rau nhiều canxi như cải xoăn, súp lơ, cải bó xôi hay các loại hạt,…
  • Bổ sung vitamin D và magie: Vitamin D giúp tăng cường khả năng hấp thụ canxi ở ruột. Magie hỗ trợ tiến trình sản xuất hóc môn tuyến cận giáp PTH, giúp điều hòa lượng canxi trong máu. 
  • Điều trị các bệnh lý liên quan: Các bệnh lý thận, tuyến cận giáp,… cần được quản lý và điều trị triệt để để tránh giảm canxi máu. 
  • Tránh lạm dụng thuốc gây hạ canxi máu hoặc các thực phẩm có thành phần gây hạ canxi máu như oxalat, phytate, cafein,...
  • Bổ sung canxi dưới dạng thực phẩm chức năng, thuốc. 
  • Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh: tập thể dục thường xuyên, tắm nắng buổi sáng, hạn chế rượu bia và thuốc lá,… 
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ, thực hiện xét nghiệm máu để phát hiện sớm các vấn đề thiếu hụt canxi. 

Canxi cần thiết cho sức khoẻ tổng thể. Duy trì mức canxi ổn định giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, hệ cơ xương chắc khỏe. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích về bệnh lý thiếu canxi. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare