Hội chứng đuôi ngựa gây nên các triệu chứng đau vùng thắt lưng, yếu liệt chi dưới hoặc nặng hơn là gây rối loạn chức năng bàng quang sinh dục. Bệnh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu các phương pháp điều trị bệnh lý này qua bài viết dưới đây.
Các phương pháp điều trị hội chứng đuôi ngựa
Hội chứng đuôi ngựa có thể biểu hiện rầm rộ trên lâm sàng nhưng đôi khi các triệu chứng cũng tiến triển từ từ tăng dần, dễ nhầm với các bệnh lý khác khiến người bệnh còn chủ quan mà không thăm khám kịp thời để điều trị.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị hội chứng đuôi ngựa phụ thuộc nhiều vào thời gian, mức độ nặng của các triệu chứng trên lâm sàng cũng như trên kết quả chụp chiếu. Có thể điều trị đơn độc hoặc phối hợp nhiều phương pháp cùng lúc.
Dù điều trị theo phương pháp nào cũng nên thăm khám bác sĩ chuyên gia một cách kỹ càng để có thể đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất cho mỗi người.
Điều trị không dùng thuốc
- Chế độ ăn uống:
- Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, tránh sử dụng các chất kích thích.
- Đảm bảo cân nặng trong giới hạn bình thường, tránh thừa cân, béo phì sẽ làm gia tăng áp lực lên cột sống.
- Chế độ sinh hoạt:
- Khi bị hội chứng đuôi ngựa do thoát vị đĩa đệm, nên nghỉ ngơi tại giường, nằm giường cứng, tránh thay đổi tư thế đột ngột, tránh bê vác nặng.
- Hạn chế lao động nặng, chơi thể thao mạnh, nếu có cần có các phương tiện bảo hộ.
- Chế độ tập luyện:
- Nên lựa chọn môn thể thao vừa sức, hạn chế phải thay đổi tư thế đột ngột, liên tục.
- Các môn thể thao được khuyến cáo như: bơi lội, đạp xe, yoga,....
- Vật lý trị liệu:
- Nhiệt trị liệu: có thể sử dụng nhiệt trị liệu bằng đắp parafin, túi chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại giúp giãn cơ, tăng tuần hoàn tại chỗ, giúp giảm đau và giảm co cứng cơ vùng thắt lưng.
- Điện trị liệu: sử dụng điện xung, giao thoa có tác dụng giảm đau, giãn cơ vùng thắt lưng.
- Vận động trị liệu: các bài tập vận động phục hồi chức năng hai chi dưới, chức năng bàng quang, trực tràng. Nên tập luyện theo hướng dẫn của kỹ thuật viên để mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Kéo giãn cột sống thắt lưng bằng máy giúp làm giảm áp lực nội đĩa đệm, giải phóng chèn ép thần kinh. Nên được thực hiện và giám sát bởi kỹ thuật viên tại cơ sở y tế.
- Dụng cụ hỗ trợ: có thể sử dụng đai cố định cột sống thắt lưng hằng ngày để giữ vững cột sống đồng thời giảm áp lực lên đĩa đệm cột sống.
- Y học cổ truyền: châm cứu, giác hơi, xoa bóp bấm huyệt.
Điều trị dùng thuốc
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh hoặc các bệnh lý đi kèm, việc sử dụng thuốc chủ yếu điều trị các triệu chứng như:
- Thuốc giảm đau: tùy theo mức độ đau, kiểu đau của người bệnh có thể lựa chọn các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, NSAIDs hoặc các thuốc giảm đau thần kinh.
- Thuốc giãn cơ: khi có tình trạng co cứng cơ vùng thắt lưng làm nặng hơn tình trạng đau.
- Thuốc chống viêm, chống phù nề: có thể sử dụng liều cao corticoid giúp làm giảm chèn ép, phù nề dây thần kinh.
- Sử dụng kháng sinh nếu có tình trạng nhiễm khuẩn.
- Sử dụng xạ trị, hóa trị sau phẫu thuật trong trường hợp có khối u.
Điều trị phẫu thuật
- Phẫu thuật cần thực hiện nhanh chóng, kịp thời để ngăn chặn những tổn thương không hồi phục vĩnh viễn như liệt hai chân, mất kiểm soát bàng quang.
- Điều trị phẫu thuật tốt nhất trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng, nhanh chóng giải phóng chèn ép.
- Tiên lượng sau phẫu thuật: phụ thuộc vào nhiều yếu tố
- Mức độ tổn thương
- Thời gian giải phóng chèn ép
- Nên áp dụng các biện pháp phục hồi chức năng sau phẫu thuật để thời gian phục hồi nhanh hơn.
- Với những trường hợp điều trị muộn, phẫu thuật không mang lại hiệu quả cao do hội chứng đuôi ngựa đã chuyển sang thể mạn tính, các tổn thương không hồi phục vĩnh viễn.
Lúc này cần phối hợp phục hồi chức năng vận động để người bệnh có thể sớm hòa nhập cuộc sống và học cách kiểm soát tốt tình trạng bệnh.
Lưu ý khi điều trị hội chứng đuôi ngựa
Dưới đây là một số lưu ý khi điều trị hội chứng đuôi ngựa:
- Bệnh cần chẩn đoán kịp thời để có phương pháp điều trị phù hợp, việc trì hoãn chữa trị có thể để lại những tổn thương không hồi phục vĩnh viễn.
- Tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ để điều trị hiệu quả.
- Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ hoặc các phương pháp điều trị ở những cơ sở không đảm bảo chất lượng.
- Trong quá trình điều trị người bệnh có thể bị ảnh hưởng đến tâm lý nên cần sự đồng hành, sẻ chia, quan tâm của người nhà.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về các phương pháp điều trị hội chứng đuôi ngựa. Bạn cũng có thể tham khảo thêm những bài viết khác của BookingCare về bệnh lý này.