Tìm hiểu ngay: Nguyên nhân nào gây bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng?

Tác giả: - Xuất bản: 06/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 12/12/2023
Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống thắt lưng
Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống thắt lưng - Ảnh: BookingCare
Nguyên nhân nào gây bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Nhắc đến thoái hóa cột sống thắt lưng, nhiều người lầm tưởng rằng đây là căn bệnh thoái hóa xương khớp thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân cũng như yếu tố tác động khiến những người ở độ tuổi 30 thậm chí là thấp hơn cũng có khả năng mắc phải căn bệnh này. 

Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng

Nhìn chung, do tình trạng tạo áp lực quá tải lên sụn khớp và đĩa đệm lặp đi lặp lại trong nhiều năm dẫn đến sụn khớp bị tổn thương, phần xương dưới sụn, đĩa đệm bị mất tính đàn hồi, xơ cứng dây chằng bao khớp,... tạo nên những triệu chứng đau mỏi và nhiều biến chứng do thoái hóa cột sống thắt lưng.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây thoái hóa cột sống thắt lưng thường gặp nhất:

Tuổi tác

Đây là nguyên nhân chính gây ra thoái hoá cột sống thắt lưng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thoái hoá cột sống thắt lưng là do chức năng và cấu trúc xương khớp bị suy giảm theo thời gian, dẫn đến tế bào sụn ở cột sống mất dần độ đàn hồi và khả năng chịu lực, gây ra căn bệnh này.

Tuy nhiên, độ tuổi xuất hiện triệu chứng của thoái hóa cột sống thắt lưng ngày càng bị trẻ hóa.

Do các bệnh nền xương khớp khác

Có nhiều bệnh lý có thể gây tổn thương cho xương khớp và cột sống như viêm khớp, đau lưng, viêm xương, gai cột sống, bệnh gout, tiểu đường, thoát vị đĩa đệm,... Những căn bệnh này có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa cột sống lưng.

Các tác động vật lý do thói quen làm việc, tư thế xấu

Một số trường hợp bị thoái hóa cột sống thắt lưng do thực hiện các động tác, vận động không đúng tư thế, ví dụ như bưng bê vật nặng, xách đồ nặng chỉ bằng một bên tay hoặc nằm ngủ không đúng tư thế,... trong thời gian kéo dài trong nhiều tuần, tháng, hay nhiều năm liền dẫn đến tổn thương cột sống thắt lưng.

Người bị béo phì

Những người gặp tình trạng béo phì, thừa cân sẽ gây áp lực cho cột sống. Tế bào mỡ tiết ra nhiều các protein gây viêm làm tăng nguy cơ tổn thương sụn dẫn tới thoái hoá nhanh hơn. Do đó, cột sống sẽ phải chịu tải trọng lớn trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng thoái hóa cột sống xảy đến sớm và nhanh hơn.

Thoái hóa cột sống do di truyền

Các bệnh lý bẩm sinh như hẹp ống sống hoặc gai cột sống S1 làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng sớm ở một người.

Chế độ dinh dưỡng

Những người thiếu vitamin, magie, canxi và các khoáng chất khác trong chế độ dinh dưỡng sẽ dễ bị tổn thương cột sống hơn. Cơ thể gặp khó khăn trong việc tái tạo xương khớp làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống. Ngược lại, việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp duy trì tình trạng sức khỏe tốt hơn.

Những người thiếu vitamin D do ít tiếp xúc với ánh nắng cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Các nguyên nhân khác

  • Người bị chấn thương cột sống do tai nạn
  • Do tính chất công việc như: phải ngồi nhiều, ngồi lâu cố định một chỗ; làm công việc nặng nhọc; người lái xe ô tô đường dài,...
  • Người ít vận động, lười vận động

Một số biện pháp phòng ngừa thoái hóa cột sống thắt lưng

Dựa trên nguyên nhân gây thoái hóa cột sống lưng, chúng ta có thể thấy rằng đây là một căn bệnh khó tránh khỏi đối với người già khi cơ thể bắt đầu lão hóa. Tuy nhiên, có thể làm chậm quá trình thoái hóa, ngăn ngừa bệnh ở người trẻ và giảm triệu chứng ở người già bằng các biện pháp phòng ngừa như sau:

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

  • Lưu ý thêm vào thực đơn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng giúp nuôi dưỡng xương khớp như vitamin D, canxi có trong: trứng, sữa, các loại hạt,...

  • Thực phẩm giàu omega-3, chondroitin, glucosamine,... có trong sụn động vật, cá biển, gân,... để ngăn ngừa yếu tố phá hủy sụn khớp.

  • Tăng cường các loại rau củ quả, trái cây giàu Vitamin C để cung cấp chất chống oxy hóa cho cơ thể, chống viêm, tăng sức đề kháng.

  • Hạn chế các loại thịt đỏ, thực phẩm cay nóng, đồ ăn nhanh, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ uống có ga, có cồn,...

Tăng cường hoạt động thể chất

Việc rèn luyện thể thao thường xuyên có thể giúp cải thiện sức khỏe và tăng cường sự chắc khỏe cho hệ xương và khớp, vì vậy nên duy trì thường xuyên. Mỗi người có thể lựa chọn một số môn thể thao mà mình yêu thích và duy trì thực hiện hàng tuần, như: bơi lội, đạp xe, đi bộ, yoga, dưỡng sinh,...

Mức độ tập luyện phù hợp với khả năng cơ thể, tập luyện đúng tư thế, không tập quá sức.

Với một số bộ môn như gym, cử tạ,.. cần có người hướng dẫn để tập luyện đúng tư thế, tránh trường hợp chấn thương khi luyện tập.

Điều chỉnh tư thế đúng cách trong mọi sinh hoạt hàng ngày

Tư thế đi ngủ, tư thế ngồi làm việc hay tư thế đi đứng hàng ngày cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cột sống. 

Nên vận động đi lại sau khoảng 1 tiếng làm việc liên tục với máy tính, nên điều chỉnh lại cho đúng tư thế, đi lại, xoa bóp các xương khớp, có thể sử dụng đai lưng khi đi lại vận động nhiều hoặc phải ngồi xe nhiều.

Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, ngay khi nhận thấy cột sống có những biểu hiện đau nhức bất thường, người bệnh cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhất.