Tìm hiểu ngay phương pháp ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư
Tìm hiểu ngay phương pháp ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư
Phương pháp ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư
Tìm hiểu ngay phương pháp ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư - Ảnh: BookingCare

Tìm hiểu ngay phương pháp ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 07/01/2024 | Cập nhật lần cuối: 07/01/2024
Ghép tế bào gốc là phương pháp được sử dụng trong điều trị một số bệnh ung thư. Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau.

Ghép tế bào gốc là một trong những phương pháp điều trị ung thư đang được sử dụng hiện nay. Vậy tại sao cần ghép tế bào gốc? Việc này có tác dụng gì trong điều trị ung thư? Hãy cùng tìm lời giải đáp ngay sau đây.

Ghép tế bào gốc có tác dụng gì trong điều trị ung thư?

Tất cả các tế bào máu trong cơ thể con người, bao gồm: bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu đều được tạo ra từ tế bào gốc. Chúng ta cần tất cả các loại tế bào máu này với một số lượng nhất định để duy trì sự sống.

Tế bào gốc chủ yếu sống trong tủy xương. Đây là nơi chúng phân chia để tạo ra tế bào máu mới. Khi các tế bào máu trưởng thành, chúng sẽ rời khỏi tủy xương và đi vào máu để thực hiện chức năng của mình.

Tế bào gốc
Tế bào gốc đóng vai trò quan trọng để con người duy trì sự sống - Ảnh: Canva

Một số bệnh ung thư gây ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tủy xương như: bệnh bạch cầu, đa u tủy xương, ung thư hạch bạch huyết (u lympho),...

Ngoài ra, các loại ung thư khác cũng có thể lan đến tủy xương khiến tủy xương bị tổn thương và không thể tạo ra các tế bào máu khỏe mạnh.

Trong điều trị ung thư, sử dụng xạ trị hay hóa trị liều quá cao không chỉ tiêu diệt các tế bào ung thư mà còn có thể phá hủy cả tế bào gốc của bệnh nhân.

Đó là lý do vì sao cần ghép tế bào gốc. Mục đích của việc ghép tế bào gốc là cung cấp cho bệnh nhân tế bào gốc khỏe mạnh mới để thay thế cho các tế bào đã bị hư hỏng do bệnh ung thư và do điều trị gây ra.

Cùng với đó, việc sử dụng hóa/xạ trị liều cao hơn cũng là một phần của kế hoạch điều trị ung thư bằng phương pháp ghép tế bào gốc.

Các bác sĩ sẽ sử dụng liều phóng xạ cao để cố gắng tiêu diệt tất cả tế bào ung thư. Sau đó, tế bào gốc mới được cấy ghép vào cơ thể sẽ làm nhiệm vụ tạo ra các tế bào máu trưởng thành mới khỏe mạnh bình thường cho cơ thể.

Ghép tế bào gốc thường không có tác dụng trực tiếp chống lại bệnh ung thư. Thay vào đó, phương pháp này giúp khôi phục khả năng sản xuất tế bào máu mới của cơ thể sau khi điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị liều cao.

Tuy nhiên vẫn có trường hợp đặc biệt, như trong bệnh bạch cầu, việc ghép tế bào gốc có thể có tác dụng trực tiếp chống lại bệnh ung thư. Điều này xảy ra khi các tế bào bạch cầu từ người hiến tặng tấn công, tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể bệnh nhân.

Các phương pháp ghép tế bào gốc

Có 2 phương pháp ghép tế bào gốc:

  • Ghép tế bào gốc tự thân: Sử dụng tế bào gốc của chính bệnh nhân ung thư.
  • Ghép tế bào gốc đồng loài: Sử tế bào gốc đến từ người khác. Người hiến tặng có thể là người thân cùng chung huyết thống hoặc một người không cùng huyết thống với bệnh nhân.

Tùy thuộc vào phương pháp ghép, tế bào gốc sử dụng để cấy ghép có thể được lấy từ 3 nguồn, đó là:

  • Tủy xương
  • Máu ngoại vi
  • Máu dây cuống rốn

Ghép tế bào gốc được thực hiện như thế nào?

Quy trình ghép tế bào gốc có thể kéo dài tới vài tháng. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ cần điều trị xạ trị hoặc hóa trị liều cao trong khoảng 1 - 2 tuần.

Sau vài ngày nghỉ ngơi, người bệnh sẽ được truyền tế bào gốc qua đường tĩnh mạch - tương tự như khi truyền máu. Quá trình truyền có thể mất từ 1 - 5 tiếng và thường không gây đau đớn gì. Bệnh nhân cũng sẽ giữ trạng thái tỉnh táo mà không cần thực hiện thủ thuật gây tê hay hay mê nào.

Các tế bào gốc này sẽ xâm nhập vào máu sau đó di chuyển đến tủy xương, nơi chúng thay thế các tế bào gốc đã bị phá hủy trước đó.

Sau đó là giai đoạn phục hồi. Trong thời gian này, bác sĩ sẽ thường xuyên kiểm tra, theo dõi kết quả xét nghiệm công thức máu của bệnh nhân. Khi các tế bào gốc mới bắt đầu nhân lên và tạo ra tế bào máu, số lượng máu của người bệnh sẽ tăng lên.

Ngay cả sau khi số lượng máu của bệnh nhân đã trở lại bình thường, hệ thống miễn dịch vẫn mất một thời gian dài để phục hồi hoàn toàn. Đó có thể là vài tháng đối với phương pháp ghép tế bào gốc tự thân và 1- 2 năm đối với ghép tế bào gốc đồng loài.

Tác dụng phụ của ghép tế bào gốc

Ghép tế bào gốc có thể gây ra các tác dụng phụ cấp tính hoặc mãn tính.

Các tác dụng phụ cấp tính bao gồm:

  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Mệt mỏi
  • Ăn không ngon
  • Loét miệng
  • Rụng tóc
  • Vấn đề về da

Một số tác dụng phụ mãn tính có thể xảy ra như:

  • Vô sinh
  • Đục thủy tinh thể
  • Ung thư thứ phát mới
  • Tổn thương gan, thận, phổi hoặc tim
  • Yếu xương, yếu cơ

Ngoài ra, khi cấy ghép đồng loài, bệnh nhân có thể có nguy cơ mắc bệnh ghép chống chủ do các tế bào bạch cầu từ người hiến tặng coi các tế bào trong cơ thể người bệnh (vật chủ) là vật lạ và tấn công chúng. Việc này có thể gây ra tổn thương cho da, gan, ruột và nhiều cơ quan khác của người bệnh.

Nhìn chung, ghép tế bào gốc là một phương pháp có thể mang lại hiệu quả chữa khỏi ung thư tuy nhiên cũng có những nguy cơ rủi ro tương đối lớn. Người bệnh cũng cần phải đáp ứng rất nhiều yếu tố để có đủ điều kiện cấy ghép.

Gia đình và bệnh nhân cần trao đổi thật kỹ với bác sĩ điều trị, cân nhắc về tài chính, sức khỏe của bệnh nhân cũng như những lợi ích và rủi ro của việc ghép tế bào gốc để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết