Tổng hợp các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng đông y
Các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng đông y
Tổng hợp các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng đông y - Ảnh: BookingCare

Tổng hợp các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng đông y

Tác giả: - Xuất bản: 01/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 08/03/2024
Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng đông y mang lại nhiều kết quả khả quan trong việc phòng bệnh, giảm thiểu triệu chứng. Dưới đây là một số phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng đông y mà BookingCare giới thiệu đến bạn đọc.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý khá phổ biến hiện nay, có thể gặp ở nhiều độ tuổi: người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người làm việc nặng, văn phòng,… Cùng tìm hiểu về cách điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp, dưỡng sinh,…) của y học cổ truyền qua bài viết dưới đây.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là gì? 

Suy giãn tĩnh mạch chân hay còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chi dưới, là tình trạng bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của hệ tĩnh mạch, do tăng áp lực tĩnh mạch mạn tính, gây suy van tĩnh mạch làm suy giảm chức năng đưa máu về tim của hệ thống tĩnh mạch vùng chân. Từ đó dẫn đến tình trạng máu ứ đọng lại gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh. 

Suy giãn tĩnh mạch chân gây nhức mỏi, nặng chân, phù nề, tê dị cảm, cảm giác kiến bò, chuột rút về ban đêm,… Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành, chảy máu, giãn các tĩnh mạch nông, huyết khối tĩnh mạch,…

Hiện nay, theo thống kê có tới 35% người trưởng thành, 50% người ở cao tuổi mắc phải bệnh này. Yếu tố nguy cơ có thể do đặc thù công việc ngồi hay đứng nhiều, thừa cân, ít vận động và hoạt động thể chất, thường xuyên đi giày cao gót, mang thai nhiều lần, yếu tố di truyền,…

suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Suy giãn tĩnh mạch gây nhức mỏi, nặng chân, phù nề, tê dị cảm,... - Ảnh: Freepik

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới theo đông y 

Theo y học cổ truyền, giãn tĩnh mạch chi dưới được mô tả trong phạm vi chứng Cân lựu, Mạch tý, Tĩnh mạch lựu,… Ngoài ra, các biến chứng loét của suy giãn tĩnh mạch chi dưới như loét được mô tả liên quan Liêm sang, còn gọi là Quần biên sang, nếu loét lâu ngày chữa trị khó lành gọi là Lão lạn cước.

  • Cân lựu: chứng gân xanh tím xoắn lại từng hòn, kết thành như con giun, nổi lên ở vùng bụng chân.
  • Mạch tý: mạch đau nhức, da có cảm giác nóng hoặc nổi rõ mạch máu, khí huyết không thông lợi. 
  • Tĩnh mạch lựu: các tĩnh mạch nổi u cục. 

Đông y cho rằng bệnh do khí huyết vận hành không thông (khí trệ huyết ứ) dẫn đến huyết ứ trở lại tại mạch đạo, kinh lạc không thông. Nguyên nhân do làm việc nặng nhọc quá mức, hoặc thất tình nội thương, hoặc do chế độ ăn nhiều chất béo bổ, môi trường ẩm thấp,… dẫn đến chính khí nội hư, khí huyết không thông, khí hư sinh đàm, huyết trệ thành ứ, đàm trọc nội trở, ứ trở mạch lạc mà thành bệnh.

Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh mà có biểu hiện đặc trưng như: 

  • Huyết ứ: tĩnh mạch giãn, ngoằn ngoèo, đỏ bầm, xanh tím, thậm chí biến chứng loét da, ấn vào căng cứng,…
  • Khí huyết hư: da lạnh, tê, ngứa, màu sắc da thay đổi. 
  • Đàm thấp: đau, nặng, mỏi, thậm chí sưng, phù. 
  • Hàn thấp: do tiếp xúc với nơi ẩm ướt, thấp trệ thường xuyên làm tà khí xâm nhập gân mạch, chân tê dại, nặng nề vào chiều tối, nhẹ hơn vào ban sáng, co duỗi và đi lại khó khăn… 
  • Đàm thấp hóa nhiệt: nóng rát, chân không yên, tiểu vàng, rêu lưỡi vàng. 

Khám và chẩn đoán từng trường hợp người bệnh mà thầy thuốc sẽ chỉ định điều trị cụ thể. Tuy nhiên, điều trị chứng suy giãn tĩnh mạch chi dưới cần dùng pháp hoạt huyết, hành khí, tán ứ, kết hợp bảo vệ thành mạch. 

Điều trị suy giãn tĩnh mạch theo đông y 

Châm cứu điều trị suy giãn tĩnh mạch 

Ngày nay, châm cứu điều trị suy giãn tĩnh mạch được ứng dụng rộng rãi bởi hiệu quả tích cực, làm giảm triệu chứng bệnh. Thông qua việc kích thích và tác động trực tiếp vào các huyệt giúp máu lưu thông dễ dàng, giảm tình trạng khí huyết ứ trệ, giảm phù, giảm tê và nặng mỏi cho người bệnh,… 

Một số huyệt châm cứu trị giãn tĩnh mạch chi gồm: 

  • Chi trên (tay): Giáp tích cổ 6 - ngực 3, Khúc trì, Thiếu hải, Nội quan, Ngoại quan. 
  • Chi dưới (chân): Giáp tích thắt lưng L1-L3, Dương lăng tuyền, Âm lăng tuyền, Huyền chung, Tam âm giao.
  • Các huyệt khác: Thận du, Túc tam lý, Mệnh môn, Dương lăng tuyền, Thái xung, các huyệt tại chỗ (A thị huyệt),…

Mặc dù châm cứu không tác động trực tiếp đến tổn thương, hồi phục mạch máu nhưng có thể giảm bớt các triệu chứng khó chịu của bệnh. Người bệnh có thể áp dụng châm cứu ngày 1 lần, mỗi lần 15 - 20 phút, liệu trình từ 15 - 20 ngày. Có thể kết hợp vê kim 2 - 3 phút các huyệt hoặc điện châm. 

Tuy nhiên, không nên châm cứu trong các trường hợp bệnh lý cấp cứu, nhiễm trùng nặng, bệnh lý ngoại khoa, hay những vùng da đang viêm nhiễm hoặc lở loét, phù nề nặng,…

châm cứu điều trị suy giãn tĩnh mạch
Châm cứu điều trị suy giãn tĩnh mạch - Ảnh: Freepik

Xoa bóp bấm huyệt điều trị suy giãn tĩnh mạch 

Bên cạnh châm cứu, xoa bóp bấm huyệt cũng có nhiều lợi ích đối với bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Xoa bóp bấm huyệt cũng tác động lên các huyệt đạo, điều chỉnh các rối loạn chức năng, thông kinh hoạt lạc, giúp cân bằng âm dương và lưu thông khí huyết,…

Bạn có thể thực hiện bằng các thủ thuật xoa bóp vùng chi kèm bấm huyệt (công thức huyệt tương tự châm cứu), ngoài ra có thể thực hiện động tác vuốt bắp chân từ dưới lên trên đến khoeo chân. Thực hiện xoa bóp bấm huyệt khoảng 20 - 30 phút mỗi ngày, liệu trình từ 15 - 30 ngày. 

Lưu ý, không nên thực hiện xoa bóp bấm huyệt trên các vùng da bị bệnh, lở loét,… cũng như có những dấu hiệu bệnh cấp cứu, ngoại khoa,…

Bài tập điều trị suy giãn tĩnh mạch 

Một số động tác, bài tập dưỡng sinh có tác dụng tốt trong việc cải thiện triệu chứng, giảm tiến triển và biến chứng bệnh, tăng cường vận hành khí huyết,…

Các bài tập người bệnh có thể áp dụng như: 

  • Tư thế nằm: bài tập gấp và duỗi khớp cổ chân, xoay khớp cổ chân, bắt chéo chân, đạp xe trên không,…
  • Tư thế ngồi trên ghế: bài tập nâng cẳng chân, nhón gót chân, gấp và duỗi khớp cổ chân, xoay khớp cổ chân, gấp và duỗi luân phiên hai chân,…
  • Tư thế đứng: bài tập bước đi bằng gót chân hoặc bằng mũi chân, nâng cao chân bước tại chỗ, xoay khớp cổ chân, gấp và duỗi khớp cổ chân,…
  • Các bài tập khác: bơi lội, đi bộ, đi bộ nhanh, chạy bộ, tập aerobics, khiêu vũ,…

Bài thuốc đông y điều trị suy giãn tĩnh mạch 

Các bài thuốc đông y thường kết hợp các vị thảo dược có tác dụng bổ khí huyết, hoạt huyết, với các vị thuốc có tác dụng hành khí, thông mạch, bảo vệ thành mạch,… Bài thuốc mà người bệnh có thể tham khảo như: 

Bài Tứ vật đào hồng thang: 

  • Tác dụng: ích khí, bổ huyết, dưỡng hoạt huyết, phá ứ, tán kết, tán thũng; chủ trị suy giãn tĩnh mạch chi, viêm tắc tĩnh mạch chi. 
  • Thành phần: Sinh địa 16g, thục địa 12g, đương quy 24g, xích thược 24g, xuyên khung 16g, đào nhân 16g, hồng hoa 16g, đan sâm 24g, hoàng kỳ 16g, hòe hoa 24g, hạt dẻ 32g, hạt mít 32g, rễ - quả nhàu 32g, hạ khô thảo 32g.
  • Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần uống, uống sau ăn 30 phút. 

Bài Bổ dương hoàn ngũ thang gia giảm (Y lâm cải thác):

  • Thành phần: Hoàng kỳ 120g, Đương quy vỹ 6g, Xích thược 4,5g, Xuyên khung 3g, Đào nhân 6g, Hồng hoa 3g, Địa long 3g. Bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang

Bài Huyết phủ trục ứ thang (Y lâm cải thác):

  • Thành phần: Đào nhân 12g, Hồng hoa 9g, Xích thược 6g, Xuyên khung 4,5g, Ngưu tất 9g, Sinh địa 9g, Đương quy 9g, Cát cánh 4,5g, Chỉ xác 6g, Sài hồ 3g, Cam thảo 6g. Bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang

Lối sống phòng và điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch 

  • Chế độ ăn uống đảm bảo đủ dinh dưỡng, cân bằng, tránh táo bón, béo phì. Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày. 
  • Kiểm soát cân nặng để tránh béo phì, thừa cân gây áp lực lớn lên chân và ảnh hưởng đến sự lưu thông máu. 
  • Ngồi và đứng đúng tư thế để phòng ngừa bệnh hiệu quả: không đứng lâu, ngồi lâu một chỗ cản trở lưu thông máu đến chân, không nên bắt chéo chân khi ngồi,…
  • Cần tập luyện thể dục thể thao điều độ, đúng cách tốt cho sức khoẻ và phòng ngừa bệnh hiệu quả. Không chơi những môn thể thao có cử động mạnh hay chuyển hướng đột ngột gây chấn động, chấn thương lên hệ tĩnh mạch chân như cử tạ, nhảy cao, nhảy xa, bóng đá,…
  • Hạn chế đi giày cao gót hoặc quần bó chật tạo áp lực lên chân. 
  • Gác cao chân khi ngủ bằng cách đặt một chiếc gối dưới chân để phòng bệnh.
  • Khi bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bạn nên đi tất chun (tất y khoa) để giúp chân dễ chịu hơn, giảm áp lực và lưu thông máu tốt hơn. 
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, các thuốc tránh thai gây ảnh hưởng đến sức khoẻ,…
  • Người suy giãn tĩnh mạch chi dưới nên tránh mang vác, khiêng xách nặng vì sẽ làm cho máu dồn xuống chân nhiều hơn và làm cho tĩnh mạch càng bị quá tải.  
  • Không nên xoa dầu nóng vào chân, không ngâm chân trong nước nóng vì nóng càng làm cho tĩnh mạch giãn nở, làm giảm khả năng vận chuyển máu trở về tim. 

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng đông y đòi hỏi sự kiên trì áp dụng, tuân thủ và kết hợp giữa phòng - điều trị bệnh mới đạt được hiệu quả cao. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích nhất. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết