Tổng quan một số nguyên nhân thiếu canxi cơ thể

Tác giả: - Xuất bản: 31/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 05/04/2024
Nguyên nhân thiếu canxi của cơ thể
Nguyên nhân thiếu canxi trong cơ thể là gì? - Ảnh: BookingCare
Nguyên nhân gây thiếu canxi có thể do chế độ ăn không đảm bảo, khả năng hấp thụ kém, thiếu vitamin D, tuổi tác, bệnh lý,… Cùng BookingCare điểm qua một số nguyên nhân chính gây thiếu canxi cho cơ thể qua bài viết dưới đây.

Thiếu hụt canxi lâu dài có thể dẫn đến một số vấn đề răng miệng, tăng nguy cơ loãng xương và những rối loạn khác trong cơ thể. Vậy nguyên nhân thiếu canxi trong cơ thể là gì? 

Nguyên nhân thiếu canxi trong cơ thể

Trung bình một người trưởng thành phải bổ sung khoảng 1.200 mg canxi mỗi ngày. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta chỉ đạt được 50 - 60% yêu cầu. Bởi thói quen ăn uống, sinh hoạt không đảm bảo, các vấn đề bệnh lý,… dẫn tới thiếu hụt canxi. 

Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo 

Nguyên nhân chính dẫn tới thiếu canxi là do chế độ dinh dưỡng không đảm bảo cung cấp đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể. Nguyên nhân bao gồm: 

  • Chế độ ăn thiếu cân đối: Tiêu thụ quá nhiều thức ăn giàu năng lượng (đồ ăn nhanh, bánh ngọt, đồ chiên rán), ít thực phẩm lành mạnh và giàu canxi có thể dẫn tới thiếu hụt canxi cho cơ thể và gia tăng các bệnh lý thừa cân, béo phì. Cơ thể không nhận đủ lượng canxi cần thiết từ thực phẩm để duy trì sức khoẻ và hệ cơ xương. 
  • Thiếu thực phẩm giàu canxi: Một số người không tiêu thụ đủ các nguồn thực phẩm giàu canxi (sữa, sữa chua, hạt, hải sản, các loại hạt, rau xanh lá…). 
  • Chế độ ăn đặc biệt: Một số nhóm người có chế độ ăn đặc biệt hoặc hạn chế như người ăn chay, người dị ứng lactose từ sữa, người dị ứng đạm sữa hay những người ăn theo chế độ giảm cân nghiêm ngặt,… cũng có thể thiếu hụt nguồn dinh dưỡng bổ sung canxi

Khả năng hấp thụ kém 

Một số người có khả năng hấp thụ canxi kém do các vấn đề bệnh tiêu hoá, bệnh lý ruột hoặc phẫu thuật trên ruột. Các bệnh lý như bệnh celiac, viêm ruột, viêm loét dạ dày tá tràng có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi ở ruột. 

Một số bệnh lý làm giảm khả năng hấp thụ canxi
Một số bệnh lý làm giảm khả năng hấp thụ canxi - Ảnh: Freepik

Thiếu vitamin D

Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ canxi từ thực phẩm vào cơ thể. Thiếu hụt vitamin D cũng làm giảm khả năng hấp thụ canxi. Vì vậy, những người ăn uống thiếu vitamin D (ít cá mỡ, trứng, nấm…) hay ít tiếp xúc ánh nắng mặt trời buổi sáng có nguy cơ thiếu hụt canxi cao. 

Tiêu thụ quá nhiều chất gây mất canxi 

Một số chất và thói quen ăn uống có thể gây mất canxi từ cơ thể như: 

  • Tiêu thụ quá nhiều cafein, nước ngọt có gas, trà, rượu bia, thức uống có cồn,… làm tăng lượng canxi thải qua nước tiểu. 
  • Một số loại thuốc đặc trị như thuốc điều trị loãng xương (bisphosphonates, denosumab), thuốc kháng viêm (corticosteroid), thuốc kháng sinh (rifamycin), thuốc hóc môn (calcitonin), thuốc điều trị nhiễm khuẩn (chloroquine), thuốc kháng virus herpes (foscarnet) và thuốc điều trị ung thư (plicamycin),… cũng có thể gây bệnh thiếu canxi.

Tuổi tác 

Một số đối tượng có nguy cơ cao thiếu hụt canxi như: 

  • Trẻ em và thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển chiều cao, cơ thể cần tiêu thụ nhu cầu canxi lớn để phát triển xương. Từ đó làm gia tăng nguy cơ thiếu hụt canxi nếu không được ăn uống đủ chất.  
  • Phụ nữ mang thai dễ bị thiếu canxi do nhu cầu canxi tăng để đảm bảo phát triển xương, răng của thai nhi.  
  • Phụ nữ mãn kinh suy giảm nội tiết tố estrogen gây ra hiện tượng mất dần khoáng xương, mất canxi và giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể.  
  • Người cao tuổi tăng nguy cơ loãng xương, thiếu canxi. 
Tuổi tác tăng làm tăng nguy cơ loãng xương, thiếu canxi
Tuổi tác tăng làm tăng nguy cơ loãng xương, thiếu canxi - Ảnh: Freepik

Thiếu hụt canxi do bệnh lý 

  • Bệnh lý tuyến cận giáp, suy tuyến cận giáp hoặc sau cắt bỏ tuyến cận giáp khiến cơ thể không sản xuất đủ hormone tuyến cận giáp để kiểm soát lượng canxi trong máu.  
  • Bệnh gan: Bệnh gan làm giảm chức năng tổng hợp tiền chất của vitamin D, giảm muối mật dùng để hấp thu vitamin D, giảm protein gắn vào vitamin D
  • Bệnh thận: Bệnh thận mãn tính dẫn đến giảm chuyển đổi tiền chất của vitamin D thành dạng hoạt động của vitamin D. Trong giai đoạn đầu của suy thận, hạ canxi máu có thể xảy ra do giảm sản xuất calcitriol và sau đó giảm hấp thu canxi ở ruột
  • Viêm tụy cấp: Các sản phẩm chuyển hóa trong viêm tụy gắn với canxi trong máu làm giảm lượng canxi máu

Thiếu canxi do thuốc

Một số thuốc khi sử dụng lâu dài có nguy cơ làm giảm canxi trong máu như: hóa chất điều trị ung thư, thuốc điều trị loãng xương nhóm biphosphonat, thuốc giảm tiết dịch vị dạ dày nhóm ức chế bơm proton thuốc cản từ trong chụp cộng hưởng từ

Nắm rõ các nguyên nhân gây thiếu canxi sẽ giúp bạn có cách khắc phục và phòng ngừa hiệu quả. Bổ sung canxi từ thực phẩm như các sản phẩm từ sữa, hải sản như tôm, cua, các loại hải sản có vỏ,… Đồng thời, xây dựng lối sống lành mạnh như ăn ít thịt, hạn chế uống đồ ngọt có ga, thường xuyên thể dục và phơi nắng mỗi ngày.