Suy tuyến cận giáp: triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Suy tuyến cận giáp: triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Tìm hiểu các vấn đề xung quanh tuyến cận giáp
Một người bình thường có 4 tuyến cận giáp - Ảnh:BookingCare

Suy tuyến cận giáp: triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 01/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 31/03/2024
Tuyến cận giáp đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe của con người. Người bệnh suy tuyến cận giáp có thể bị hạ canxi máu, tăng phosphat máu và tăng khả năng kích thích thần kinh cơ. Nếu không được chẩn đoán và kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Suy tuyến cận giáp là một tình trạng hiếm gặp xảy ra khi lượng hormone tuyến cận giáp trong máu giảm thấp nhưng lại là một biến chứng khá phổ biến sau phẫu thuật tuyến giáp. Bệnh thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới và có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Vì vậy việc phát hiện triệu chứng, nguyên nhân, đưa ra phương pháp chẩn đoán và điều trị của suy tuyến cận giáp là cần thiết để phòng ngừa và quản lý bệnh tối ưu.

Cùng BookingCare tìm hiểu các thông tin xung quanh bệnh suy tuyến cận giáp qua bài viết dưới đây.

Suy tuyến cận giáp là gì

Suy tuyến cận giáp là tình trạng thiếu hụt hormon tuyến cận giáp xảy ra khi một hoặc nhiều tuyến cận giáp hoạt động kém. Mỗi người đều có 4 tuyến cận giáp, mỗi cái có kích thước bằng một hạt gạo. Các tuyến cận giáp nằm ở cổ, bên cạnh tuyến giáp và tế bào chính của tuyến này tiết ra hormon PTH. 

PTH đóng vai trò quan trọng trong điều hòa nồng độ ion canxi và phosphat của huyết tương. Dưới tác dụng của PTH nồng độ canxi huyết tương tăng nhưng ngược lại nồng độ phosphat lại giảm. Khi bệnh nhân bị suy tuyến cận giáp dẫn tới giảm nồng độ hormon PTH gây hạ canxi máu.

Nguyên nhân gây suy tuyến cận giáp

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh suy tuyến cận giáp:

  • Nguyên nhân mắc phải phổ biến nhất là phẫu thuật vùng cổ trước, sau phẫu thuật cắt tuyến giáp cùng cận giáp hoặc cắt bỏ cả 4 tuyến cận giáp. 75% các trường hợp suy tuyến cận giáp là do nguyên nhân này gây ra. 
  • Nguyên nhân mắc phải phổ biến tiếp theo ở người lớn được cho là bệnh tự miễn, ảnh hưởng đến tuyến cận giáp hoặc nhiều tuyến nội tiết khác
  • Nguyên nhânthứ phát do rối loạn thâm nhiễm hiếm gặp, trong đó tuyến cận giáp bị ảnh hưởng bởi bệnh di căn, quá tải sắt hoặc đồng, hoặc do tiếp xúc với bức xạ ion hóa
  • Suy cận giáp tự phát thường không có nguyên nhân
  • Suy cận giáp bẩm sinh (syndrome de Di George): không phát triển túi thứ 3 của thanh quản với thiểu sản tuyến ức và không có tuyến cận giáp
  • Suy cận giáp bởi kháng thể kháng tuyến cận giáp đôi khi phối hợp với bệnh Addison và nấm da (hội chứng Whitaker)

Triệu chứng suy tuyến cận giáp

Nồng độ canxi trong máu cần để đạt đảm bảo cho sự hoạt động bình thường của hệ thần kinh - cơ. Khi nồng độ canxi trong máu giảm, ngưỡng kích thích của sợi thần kinh giảm xuống, tác động cả vào sợi thần kinh cảm giác và vận động, làm tăng các đáp ứng thần kinh - cơ gây ra các triệu chứng như:

  • Thể nhẹ người ta thường dùng các dấu hiệu Chvostek và Trousseau để gợi ý đến bệnh

Dấu hiệu Chvostek: Co giật mặt, đặc biệt là quanh miệng, được gây ra bằng cách gõ nhẹ vào dây thần kinh mặt cùng bên ở điểm giữa đường nối tai ngoài và mép

Dấu hiệu Trousseau: bằng cách garo ở cánh tay sẽ gây co cơ tạo ra một bàn tay giống bàn tay người nữ hộ sinh chuẩn bị đón đứa trẻ chào đời

  • Thể nặng: xuất hiện các cơn co cứng cơ (cơn tetani). Hiện tượng co cứng cơ xảy ra ở đầu chi, mặt, bàn tay, bàn chân co quắp. 
  • Ngoài ra bệnh nhân suy tuyến cận giáp có thể gặp các triệu chứng do các biến chứng của bệnh suy tuyến cận giáp khi không được điều trị do hạ canxi máu đột ngột và nghiêm trọng (cấp tính) bao gồm co giật và co thắt thanh quản, có thể gây khó thở. Đây là dấu hiệu nguy hiểm nhất của suy tuyến cận giáp, nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ chết. Đây là lý do người ta gọi tuyến cận giáp là tuyến sinh mạng

Cận lâm sàng suy tuyến cận giáp

Các biểu hiện lâm sàng của suy tuyến cận giáp nhiều khi khá điển hình và có thể sử dụng cho việc chẩn đoán. Tuy nhiên để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ cần phải làm thêm các xét nghiệm thăm dò chức năng tuyến.

Xét nghiệm máu

  • Định lượng canxi máu: giảm nhiều trong suy cận giáp trạng, bình thường có nồng độ 75 - 80 mg/L (1,87 - 2 mmol/L)
  • Định lượng phospho máu: tăng trong suy cận giáp trạng > 45 mg/l (1,44 mmol/L)
  • Định lượng PTH trong máu: giảm trong suy cận giáp
  • Định lượng kali máu: kali có nhiệm vụ tương kỵ với canxi, nên trong trường hợp suy tuyến cận giáp sẽ hạ canxi máu, từ đó gây tăng kali máu

Trong các xét nghiệm này thì định lượng canxi máu và PTH là có giá trị đánh giá mức độ suy tuyến cận giáp

Xét nghiệm nước tiểu

Nồng độ canxi nước tiểu bình thường là 200 mg/24 giờ. Bệnh nhân suy tuyến cận giáp làm cho nồng độ canxi trong nước tiểu sẽ giảm, có thể giảm xuống < 100 mg/24 giờ (2,5 mmol/24 giờ)

Điện tâm đồ

Nồng độ canxi máu ảnh hưởng trực tiếp đến cơ tim, bệnh nhân bị suy tuyến cận giáp gây hạ canxi máu dẫn đến những biểu hiện trên điện tâm đồ, đó là: QT và ST kéo dài và có thể xuất hiện xoắn đỉnh; sóng T cao nhọn, đảo ngược. Các rối loạn trên có thể gây ra bloc nhĩ thất và mất đi nhanh chóng khi canxi máu được điều chỉnh về bình thường.

Ngoài ra bệnh nhân có thể được chụp cắt lớp vi tính để kiểm tra lượng canxi trong não. Hoặc đo mật độ xương để kiểm tra xem mức độ canxi máu thấp có ảnh hưởng đến xương của người bệnh hay không.

Làm điện tim để đánh giá bất thường trên điện tâm đồ - Ảnh:Canva

Điều trị suy tuyến cận giáp 

Mục tiêu điều trị của bệnh suy tuyến cận giáp là giảm thiểu các triệu chứng và điều chỉnh lượng canxi và phosphat trong cơ thể. Các phương pháp điều trị suy tuyến cận giáp bao gồm:

  • Uống bổ sung canxi cacbonat và vitamin D: Hầu hết những người bị suy tuyến cận giáp đều phải bổ sung canxi và vitamin D suốt đời. Bổ sung canxi 1 - 2 gam canxi nguyên tố chia làm nhiều lần, dưới dạng canxi cacbonat hoặc canxi citrat. Bổ sung vitamin D là Calcitriol 0,25 - 2,0 mcg mỗi ngày. 

Người bệnh cần vitamin D để hấp thụ, sử dụng canxi và loại bỏ phospho. Vì vậy cần uống cả hai chất bổ sung này ở người bệnh bị suy tuyến cận giáp. Nếu nồng độ canxi máu hạ đến mức đe dọa đến tính mạng hoặc tình trạng co thắt cơ quá mức, canxi có thể được dùng đường tĩnh mạch. Do canxi đi thẳng vào máu sẽ giúp giảm các triệu chứng nhanh hơn.

  • Ăn chế độ ăn nhiều canxi và ít phospho: Những người bị suy tuyến cận giáp có thể sẽ không nhận đủ canxi mà cơ thể cần nếu chỉ bổ sung canxi từ thức ăn. Tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo chế độ ăn nhiều canxi (đặc biệt các sản phẩm từ sữa) và ít photpho là điều cần thiết ở người bệnh suy tuyến cận giáp.
  • Tiêm hormone tuyến cận giáp (PTH) : Nếu việc bổ sung canxi và vitamin D không có tác dụng điều trị chứng suy tuyến cận giáp của người bệnh hay những bệnh nhân chọn lọc khó kiểm soát hơn bằng liệu pháp truyền thống, có thể được điều trị bằng cách tiêm dưới da hàng ngày hormon tuyến cận giáp tái tổ hợp của con người. 

Ưu điểm của việc thay thế hormone tuyến cận giáp có thể là giảm bài tiết canxi trong nước tiểu, luân chuyển xương sinh lý nhiều hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên liệu pháp thay thế này cực kỳ tốn kém, vẫn chưa biết liệu có thể có tác dụng phụ lâu dài hay không và chỉ có sẵn ở Hoa Kỳ thông qua một chương trình sử dụng đặc biệt.

Các thực phẩm giàu canxi người bệnh cần bổ sung - Ảnh:BookingCare

Việc phát hiện triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh cũng như đưa ra chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân là vô cùng quan trọng. Suy tuyến cận giáp có thể là một tình trạng cấp tính thoáng qua hoặc mạn tính. Nếu mạn tính, người bệnh cần duy trì các phương pháp điều trị cũng như thay đổi chế độ ăn uống giàu canxi và ít phospho trong suốt cuộc đời. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare