Điều trị suy tuyến cận giáp như thế nào?
Điều trị suy tuyến cận giáp như thế nào?
Phương pháp điều trị suy tuyến cận giáp
Các sản phẩm từ sữa chứa nhiều canxi hỗ trợ điều trị suy tuyến cận giáp - Ảnh: BookingCare

Điều trị suy tuyến cận giáp như thế nào?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 18/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 19/04/2024
Khi tuyến cận giáp bị suy có thể gây mất cân bằng nồng độ canxi và phospho. Việc điều trị suy tuyến cận giáp để đưa những khoáng chất thiết yếu này về mức bình thường là vô vùng quan trọng.

Suy tuyến cận giáp là sự thiếu hụt hormon tuyến cận giáp gây ra tình trạng hạ canxi máu với các triệu chứng như co rút cơ đầu chi, ngứa ran ở tay hoặc quanh miệng. Các phương pháp điều trị suy tuyến cận giáp đều nhằm mục đích cải thiện triệu chứng và điều chỉnh lượng canxi, phospho trong cơ thể.

Phương pháp điều trị suy tuyến cận giáp

Suy tuyến cận giáp có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và biểu hiện các triệu chứng chủ yếu do tình trạng hạ canxi máu.

Do đó điều trị suy tuyến cận giáp nhằm điều chỉnh tình trạng hạ canxi máu bằng cách cung cấp canxi và vitamin D, hormon tuyến cận giáp tái tổ hợp và cấy ghép tự thân một đoạn tuyến cận giáp. Từ đó làm mất cơn tetanin, đề phòng cơn tetanin tái phát bằng cách bình thường hoá chuyển hoá calci và phospho.

Bổ sung Canxi và vitamin D ở bệnh nhân suy tuyến cận giáp

Điều trị ban đầu ở bệnh nhân suy tuyến cận giáp bao gồm việc bổ sung canxi và vitamin D (D1,D2,D3) và dihydrotachysterol (AT10) ở dạng viên.

Việc bổ sung vitamin D cùng canxi là vì vitamin D giúp kích thích hấp thu calci, ổn định nồng độ calci máu, giảm đào thải calci và phospho theo phân.

Khi kê canxi cho người bệnh cần chú ý đến hàm lượng thực tế của canxi nguyên tố. Ví dụ, canxi cacbonat có 40% trọng lượng là canxi, trong khi canxi gluconate chỉ có 9%. Một sản phẩm ghi rõ 1250 mg canxi cacbonat có 500 mg canxi nguyên tố. Một lọ 10cc canxi gluconate 10% có 1 gam canxi gluconate nhưng chỉ có 93 mg canxi nguyên tố.

Vì vậy trong suy tuyến cận giáp thoáng qua sau cắt bỏ tuyến giáp hoặc cắt bỏ một phần tuyến cập giáp, người bệnh cần được bổ sung canxi bằng cách uống 1 đến 2 g canxi/ngày dưới dạng canxi gluconat (90 mg canxi nguyên tố/1 g) hoặc canxi cacbonat (400 mg canxi nguyên tố/1 g).

Ở những bệnh nhân cắt tuyến cận giáp có thể gây tình trạng hạ canxi máu nghiêm trọng và kéo dài đặc biệt trên những bệnh nhân có bệnh thận mạn hay sau phẫu thuật cắt bỏ u lớn. Trường hợp này cần sử dụng canxi đường tĩnh mạch kéo dài, bổ sung 1g canxi/ngày trong vòng 5 đến 10 ngày trước khi chuyển sang dạng uống.

Trong những năm qua, bệnh nhân được điều trị bằng vitamin D (ergocalciferol hoặc cholecalciferol) ở liều siêu sinh lý, nhưng khuyến cáo hiện nay là điều trị bằng liều sinh lý 1,25-dihydroxy vitamin D (calcitriol 0,25 - 2,0 mcg mỗi ngày) cùng với bổ sung canxi.

Bệnh nhân bị suy tuyến cận giáp được điều trị bằng canxi và calcitriol phải được theo dõi định kỳ về canxi, phốt pho và chức năng thận. Khi bắt đầu điều trị, nên kiểm tra nồng độ canxi mỗi vài tuần. Khi bệnh nhân đã dùng liều canxi và calcitriol ổn định, tần suất theo dõi có thể giảm xuống sau mỗi 3 đến 6 tháng.

Nên đo canxi trong nước tiểu định kỳ để đảm bảo rằng bệnh nhân không bị tăng canxi niệu. Sự bài tiết canxi qua nước tiểu lớn hơn 200 đến 250 mg/ngày nên cảnh báo bác sĩ giảm liều canxi hoặc vitamin D. Một chiến lược thay thế là bổ sung thêm hydrochlorothiazide để giảm bài tiết canxi qua nước tiểu.

Hormon tuyến cận giáp tái tổ hợp

Trường hợp người bệnh có suy tuyến cận giáp không đáp ứng đầy đủ với bổ sung canxi và vitamin D sẽ có thể được điều trị bằng hormon cận giáp tái tổ hợp (rhPTH).

Điều này có thể làm giảm liều canxi và vitamin D cần dùng và giảm nguy cơ biến chứng cận giáp lâu dài như tăng canxi niệu, giảm sức mạnh xương. 

Liều khởi đầu rhPTH là 50 mcg tiêm dưới da 1 lần/ngày và giảm liều vitamin D xuống 50%. Trong khi dùng hormon tuyến cận giáp người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ nồng độ canxi và phosphate máu. Liều rhPTH có thể tăng tối đa 100mcg 1 lần/ngày hoặc giảm xuống còn 25 mcg 1 lần/ngày.

Một số nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra việc sử dụng rhPTH ở người trưởng thành có nguy cơ bị bệnh thận mạn thấp hơn 53% so với người không sử dụng. Đồng thời việc sử dụng rhPTH giúp ổn định nồng độ canxi và giảm bài tiết canxi qua nước tiểu.

Nhược điểm của phương pháp này là tăng nguy cơ măc ung thư xương ở động vật (hiện chưa có báo cáo trên người), giá thành cao và hiện tại chỉ có sẵn ở Hoa Kỳ.

Cấy ghép tự thân một đoạn tuyến cận giáp

Bệnh nhân trải qua phẫu thuật cắt bỏ tuyến cận giáp do tăng sản tuyến cận giáp có nguy cơ cao mắc bệnh suy tuyến cận giáp nguyên phát vĩnh viễn.

Bệnh nhân có thể được điều trị bằng cấy ghép tự thân một đoạn tuyến cận giáp để ngăn ngừa chứng suy tuyến cận giáp. Việc cấy ghép tự động này thường được đặt dưới da ở cẳng tay hoặc ở cổ. Nếu quá trình cấy ghép tự động thất bại, bệnh nhân sẽ được điều trị tương tự như những bệnh nhân bị suy tuyến cận giáp khác.

Chế độ ăn ở bệnh nhân suy tuyến cận giáp

Chế độ ăn ở người suy tuyến cận giáp là vô cùng quan trọng và có khả năng ảnh hưởng đến kết quả điều trị của người bệnh. Người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn giàu canxi và ít phospho. Uống 6 đến 8 ly nước mỗi ngày để đảm bảo cơ thể không mất đi các khoáng chất cần thiết.

Các thực phẩm giàu canxi người bệnh nên bổ sung bao gồm: đậu nành, hạnh nhân, rau xanh đậm như súp lơ, các sản phẩm từ sữa, yến mạch, nước cam, quả mơ,..

Các thực phẩm nhiều phospho người bệnh nên tránh bao gồm nước ngọt, trứng, các loại thịt đỏ, cà phê, rượu bia, thuốc lá, các chất béo chuyển hóa có trong các món nướng, sản phẩm tinh chế như bánh mì trắng hay mì ống,...

Chế độ ăn giàu canxi cho bệnh nhân suy tuyến cận giáp - Ảnh: Pinterest

Điều trị suy tuyến cận giáp ở người bệnh có thể là tạm thời hoặc kéo dài suốt đời. Trong các trường hợp mãn tính, việc bổ sung canxi suốt đời cùng với calcitriol là cần thiết. Hầu hết đều có thể sống khỏe mạnh, hoạt động bình thường, nhưng một số có những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe. Bên cạnh đó người bệnh cần có chế độ ăn hợp lý để có thể cải thiện tốt tình trạng bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết