Tổng quan về bệnh viêm gan C
Tổng quan về bệnh viêm gan C
Bảo vệ gan của bạn để có một cơ thể khỏe mạnh
Bảo vệ gan của bạn để có một cơ thể khỏe mạnh - Ảnh Drlam

Tổng quan về bệnh viêm gan C

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 27/09/2020 | Cập nhật lần cuối: 21/11/2023
Bệnh viêm gan C là bệnh gan do virus viêm gan C (HCV) gây ra. Bệnh diễn biến thầm lặng nhưng lại gây ra những hậu quả nặng nề. Loại virus này có thể gây ra cả viêm gan cấp tính và mạn tính.

Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C và con số này không ngừng tăng lên theo từng năm.

Bệnh viêm gan C là bệnh gan do virus viêm gan C (HCV) gây ra. Bệnh diễn biến thầm lặng nhưng lại gây ra những hậu quả nặng nề. Đây là một trong những bệnh lý Gan mật thường gặp trong xã hội.

Bệnh thường diễn tiến âm thầm, các triệu chứng mơ hồ khiến cho người bệnh khó phát hiện để đến khám ở các cơ sở y tế. Người bệnh mắc viêm gan C nếu không kịp thời phát hiện và điều trị sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như: xơ gan, ung thư gan thậm chí là tử vong.

Phân loại viêm gan C

1. Viêm gan C cấp tính

  • Viêm gan C cấp tính chiếm khoảng khoảng 15% trường hợp.
  • Thời kỳ ủ bệnh trung bình là 6 tuần.
  • Thường chỉ có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, khó chịu nhẹ vùng bụng, vàng da nhẹ
  • Tăng men gan và sắc tố mật.

2. Viêm gan C tối cấp

  • Là một thể bệnh rất nặng, tỷ lệ tử vong cao.
  • Tuy nhiên, so với viêm gan virus B, viêm gan virus C hiếm khi gây ra viêm gan tối cấp.

3. Viêm gan siêu vi C mạn tính 

  • Khả năng cao diễn biến sang viêm gan C mạn tính là đặc điểm chính của nhiễm virus viêm gan C, xảy ra với tỷ lệ 85%.
  • 1/3 trường hợp nhiễm viêm gan siêu vi C mạn tính có men gan bình thường.
  • Sau một giai đoạn nhiễm viêm gan siêu vi C cấp, đa số trường hợp diễn biến sang giai đoạn mạn tính. Mức độ nặng của viêm gan C thay đổi theo từng cá thể, nhưng trung bình nhiễm virus viêm gan C mạn kéo dài 20 - 30 năm sẽ diễn tiến thành xơ gan, và có thể ung thư gan.

Triệu chứng của viêm gan C

Viêm gan C trong giai đoạn cấp tính thường không có triệu chứng rõ ràng, nếu có thì các triệu chứng ở giai đoạn này rất nhẹ và có thể gồm: vàng da, mệt mỏi, buồn nôn, sốt và đau cơ.

Với trường hợp viêm gan C mãn tính cũng thường không có triệu chứng, thậm chí không xuất hiện triệu chứng nào trong nhiều năm. Các triệu chứng chỉ xuất hiện sau khi virus gây tổn thương gan nghiêm trọng đến giai đoạn xơ gan. Khi đó, sẽ xuất hiện các biểu hiện như:

  • Dễ chảy máu
  • Dễ bị bầm tím
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Vàng da, vàng mắt
  • Ngứa ở da
  • Bụng to, báng bụng
  • Phù chân
  • Giảm cân không rõ lý do
  • Sao mạch (hiện tượng mạch máu xuất hiện trên bề mặt da, có các mạng nhánh tỏa ra xung quanh như mạng nhện)

Nguyên nhân gây ra viêm gan C

Nguyên nhân gây ra viêm gan C là do virus viêm gan C (HCV) gây ra. Virus viêm gan C có nhiều kiểu gene khác nhau (hay còn gọi là genotype). Tổng cộng có tất cả 7 genotype và 67 phân nhóm. Tại Việt Nam, kiểu genotype 1 là thường gặp nhất.

Ngoài ra, một số những đối tượng sau có nguy cơ phát triển bệnh viêm gan C cao hơn:

  • Người sử dụng ma túy bất hợp pháp (sử dụng chung kim tiêm)
  • Những người có quan hệ tình dục không an toàn
  • Đàn ông quan hệ tình dục đồng giới
  • Những người đã được chẩn đoán mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, đặc biệt là HIV, virus viêm gan B 
  • Bệnh nhân truyền máu thường xuyên và những người trong giai đoạn suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận nhân tạo
  • Trẻ em có cha/mẹ mắc bệnh viêm gan C

Phương pháp chẩn đoán viêm gan C

Phương pháp chẩn đoán viêm gan C bao gồm các xét nghiệm vi sinh để xác định tình trạng nhiễm virus viêm gan C và các xét nghiệm sinh hoá để đánh giá tình trạng chức năng gan. Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán thông thường được sử dụng:

  • Xét nghiệm tìm kháng thể chống HCV (Anti-HCV): Đây là xét nghiệm đầu tiên để xác định sự tồn tại của kháng thể chống virus viêm gan C trong cơ thể. Kết quả xét nghiệm dương tính có nghĩa là cơ thể có khả năng cao đã từng hoặc đang nhiễm virus và cần làm thêm các xét nghiệm khác để khẳng định chắc chắn
  • Xét nghiệm HCV – RNA (đo tải lượng HCV): Xét nghiệm này được sử dụng để đo tải lượng RNA virus (vật liệu di truyền của virus viêm gan C) trong máu, từ đó xác định sự hiện diện của virus trong máu. Nếu kết quả dương tính (trên ngưỡng phát hiện), có thể kết luận rằng đang mắc viêm gan C
  • Xét nghiệm xác định kiểu gen (Genotype tests): Xét nghiệm này được sử dụng để xác định kiểu gen của virus viêm gan C, từ đó giúp định hướng trong điều trị thuốc kháng virus
  • Xét nghiệm xác định kiểu gen (Genotype tests): Xét nghiệm này được sử dụng để xác định kiểu gen của virus viêm gan C từ đó giúp định hướng trong điều trị thuốc kháng virus
  • Xét nghiệm chức năng gan: men gan, protein máu, bilirubin, tình trạng đông máu,... dùng để đánh giá mức độ tổn thương gan và xác định giai đoạn xơ gan.
  • Siêu âm bụng hoặc CT scan bụng: đánh giá hình thái và cấu trúc của gan, tầm soát ung thư gan, phát hiện báng bụng.

Điều trị viêm gan siêu vi C

Điều trị viêm gan C cấp

  • Bệnh viêm gan C cấp hầu hết không có biểu hiện, bệnh tự giới hạn, hiếm khi cần can thiệp điều trị
  • Điều trị hỗ trợ: Nghỉ ngơi và các thuốc điều trị triệu chứng.

Điều trị viêm gan C mạn tính

Mục tiêu điều trị

  • Thải trừ hoàn toàn virus viêm gan C (dưới ngưỡng phát hiện)
  • Ngăn ngừa tiến triển của bệnh, giảm nguy cơ diễn biến thành xơ gan và ung thư gan.
  • Cải thiện chất lượng sống, kéo dài đời sống.

Chuẩn bị điều trị

  • Người bệnh cần được làm các xét nghiệm cần thiết trước điều trị.
  • Xét nghiệm xác định genotype của virus viêm gan
  • Tư vấn cho bệnh nhân về: phác đồ điều trị, hiệu quả, các tác dụng không mong muốn và tuân thủ điều trị.

Chỉ định điều trị

  • Người bệnh chỉ được điều trị khi đã có đủ những điều kiện như >18 tuổi, anti-HCV dương tính, HCV RNA dương tính
  • Chức năng gan còn bù: Bilirubin huyết thanh < 1,5mg/dL, INR < 1.5, Albumin > 34g/L, không có bệnh não gan, không có báng bụng
  • Xét nghiệm về huyết học và sinh hóa ở giá trị chấp nhận: Hb > 13g ở nam, > 12g ở nữ; bạch cầu đa nhân trung tính >1500/mm3; tiểu cầu > 75G/L; creatinin huyết thanh < 1,5mg/dL;
  • Không có các chống chỉ định.

Chống chỉ định

  • Xơ gan mất bù.
  • Trầm cảm nặng.
  • Người bệnh có bệnh gan tự miễn hoặc các bệnh tự miễn khác như lupus.
  • Bệnh lý tuyến giáp không được kiểm soát.
  • Có thai.
  • Có tiền sử dị ứng với thuốc điều trị.

Điều trị viêm gan C ở trẻ em

Đối với bệnh nhân mắc viêm gan C là trẻ em, người đồng nhiễm HIV, người mắc bệnh thận mạn tính, người mắc xơ gan sẽ phác đồ điều trị và thuốc sử dụng riêng.

Dự phòng viêm gan C

Con đường lây nhiễm viêm gan C

Theo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa gan cho biết, bệnh viêm gan C rất dễ lây nhiễm từ người mắc bệnh sang người lành qua đường máu, bệnh không lây lan qua đường ăn uống.

Lây truyền qua các vật phẩm, dụng cụ y khoa

Tiếp xúc với máu chính là con đường lây nhiễm viêm gan C mạnh mẽ nhất. Với con đường này những dụng cụ như: kim tiêm, ống tiêm, dây truyền dịch, dụng cụ trong thực hiện các thủ thuật… chính là nguyên nhân lây truyền bệnh.

Lây nhiễm qua con đường tiêm chích ma túy

Sử dụng chung kim tiêm hay ống tiêm tái sử dụng lại nhiều lần cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiễm viêm gan C.

Lây nhiễm do quan hệ tình dục không an toàn

Người lành có thể mắc viêm gan C khi có quan hệ tình dục không an toàn với người đã nhiễm bệnh. Sử dụng bao cao su chính là cách an toàn hạn chế mắc các bệnh nguy hiểm có liên quan tới đường tình dục.

Lây nhiễm từ mẹ sang con

Người mẹ mắc viêm gan C con sinh ra cũng có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh lây nhiễm từ mẹ sang con chủ yếu xảy ra vào lúc sinh con do có tiếp xúc với máu, lây truyền khi con còn là bào thai là rất hiếm xảy ra.

Lây nhiễm ở nhân viên y tế

Y tá điều dưỡng, nhân viên phòng mổ, bác sĩ có tỷ l tiếp xúc với bệnh nhân mắc viêm gan C cao, chính vì thế họ cũng là những đối tượng dễ mắc bệnh viêm gan C.

Viêm gan C chủ yếu lấy qua đường máu
Viêm gan C chủ yếu lấy qua đường máu - Ảnh: Pixabay

Phòng tránh viêm gan C

Bệnh viêm gan C có thể xuất hiện ở bất cứ một cơ thể khỏe mạnh nào nếu chúng ta không biết cách phòng tránh và thực hiện lối sống sinh hoạt khoa học. Cụ thể:

  • Tránh tiếp xúc với máu, không sử dụng chung các vật dụng cá nhân như: dao cạo, bàn chải đánh răng,…
  • Không sử dụng chung bơm kim tiêm.
  • Dùng bao cao su trong quan hệ tình dục.
  • Tránh xăm mình, xỏ lỗ khi các dụng cụ chưa được tiệt trùng.

Bệnh viêm gan C do virus HCV gây ra là bệnh lý viêm gan siêu vi nguy hiểm bởi những diễn biến âm thầm nhưng gây tổn thương gan nghiêm trọng. Nắm được các thông tin cơ bản về bệnh sẽ giúp chúng ta chủ động phòng ngừa và kiểm soát được bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết