Viêm gan C mạn tính có nguy hiểm không và cách điều trị như thế nào?
Viêm gan C mạn tính có nguy hiểm không và cách điều trị như thế nào? - Ảnh: BookingCare
Viêm gan C mạn tính có nguy hiểm không và cách điều trị như thế nào? - Ảnh: BookingCare

Viêm gan C mạn tính có nguy hiểm không và cách điều trị như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 10/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 21/11/2023
Viêm gan C mạn tính là một bệnh lý về gan do virus gây ra. Bệnh lý này có tính chất mạn tính, nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho gan và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như ung thư gan, xơ gan và suy gan.

Viêm gan C chủ yếu ở dạng mạn tính, hiếm gặp viêm gan C cấp tính, do đó bệnh thường khó phát hiện hơn so với các loại viêm gan khác. Để điều trị bệnh, cần phải sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trường hợp tổn thương gan nghiêm trọng có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan

Phân biệt viêm gan C mạn tính và viêm gan C cấp tính

Viêm gan C là tình trạng viêm gan do virus viêm gan C (HCV) gây ra. Viêm gan C có thể phân biệt thành hai dạng: viêm gan C cấp tính và viêm gan C mạn tính. 

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai dạng bệnh này là thời gian phát triển của bệnh. Viêm gan C cấp tính xảy ra sau khi bị nhiễm virus HCV và kéo dài trong khoảng 6 tháng. Trong khi đó, viêm gan C mạn tính là giai đoạn bệnh kéo dài hơn 6 tháng, virus vẫn tồn tại trong cơ thể và gây tổn thương đến gan. 

Ngoài ra, trong giai đoạn cấp tính, hầu hết người bệnh không có triệu chứng và không nhận ra mình bị nhiễm virus do đó rất khó phát hiện và chẩn đoán viêm gan C ở giai đoạn này.. Trong khi đó, ở giai đoạn mạn tính, các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn,biếng ăn, vàng da, bụng to, đau bụng, và suy giảm chức năng gan có thể xuất hiện muộn.

Theo CDC, hơn một nửa số người bị viêm gan C cấp tính sẽ phát triển thành viêm gan C mạn tính. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ 15 đến 45% số người bị viêm gan C cấp tính sẽ tự đào thải virus trong vòng 6 tháng mà không cần điều trị. Phần còn lại, khoảng 50 - 85% bệnh nhân ẽ tiếp tục tiến triển thành viêm gan C mạn tính.

Viêm gan C mạn tính có nguy hiểm không? 

Viêm gan C mạn tính là một bệnh lý diễn tiến âm thầm nhưng nghiêm trọng ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ, bao gồm xơ gan, suy gan mạn, ung thư gan và thậm chí tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo năm 2023, ước tính khoảng 58 triệu người đang mắc viêm gan C, và trung bình khoảng 1,5 triệu ca mắc mới mỗi năm. Khi nhiễm HCV kéo dài trên 20 - 30 năm, khoảng 30% bệnh nhân sẽ tiến triển thành xơ gan, 5% tiến triển thành ung thư. 

Triệu chứng bệnh viêm gan C mạn tính

Hầu hết các trường hợp mắc viêm gan C mạn tính thường không xuất hiện các triệu chứng điển hình, nếu có chỉ có một số triệu chứng không rõ ràng như:

  • Mệt mỏi
  • Khó chịu ở vùng bụng
  • Đau cơ
  • Mất cảm giác thèm ăn

Các triệu chứng sẽ rõ ràng hơn khi viêm gan mạn tính tiến triển thành xơ gan. Những triệu chứng trong giai đoạn này có thể bao gồm:

  • Bụng to, báng bụng
  • Phù chân
  • Xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản
  • Lơ mơ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn tri giác

Trường hợp bệnh phát triển đến giai đoạn xơ gan, một biến chứng nguy hiểm có thể gặp là ung thư tế bào gan. Theo thống kê của Hoa Kỳ, một phần ba trường hợp ung thư tế bào có liên quan đến viêm gan  mạn tính.

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh viêm gan C mạn tính, biện pháp hiệu quả nhất là xét nghiệm máu, trong đó, các xét nghiệm cần được tiến hành bao gồm:

  • Xét nghiệm anti-HCV và nồng độ RNA-HCV: Xét nghiệm anti-HCV là xét nghiệm để phát hiện kháng thể chống virus viêm gan C trong máu, trong khi xét nghiệm nồng độ RNA-HCV là xét nghiệm để đo tải lượng virus viêm gan C có trong máu
  • Xét nghiệm xác định kiểu gen (genotype) của virus: để định hướng sử dụng thuốc kháng virus phù hợp
  • Xét nghiệm men gan ALT, AST: ALT (Alanine transaminase) và AST (Aspartate transaminase) là các chỉ số men gan được sử dụng để đánh giá chức năng gan. Nồng độ các chất này tăng cao khi có tổn thương hoặc hoại tử tế bào gan
  • Các xét nghiệm sinh hoá máu: công thức máu, albumin, bilirubin, ure, creatinin, đông máu 

Phương pháp điều trị

Điều trị viêm gan C mạn tính có thể kéo dài trong nhiều tháng và yêu cầu sự theo dõi định kỳ các xét nghiệm đánh giá chức năng gan.

Trường hợp bệnh nhân không có biểu hiện tổn thương gan chi cần theo dõi định kỳ các chỉ số gan như transaminase, siêu âm 3-6 tháng/lần và định lượng RNA-HCV 6 tháng -1 năm/lần.

Các phương pháp điều trị hiện nay cho viêm gan C mạn tính bao gồm thuốc Sofosbuvir, Ledipasvir, Daclatasvir, Elbasvir, Grazoprevir, Velpatasvir. Trong đó thường dùng phác đồ phối hợp Sofosbuvir/Ledipasvir trong khoảng thời gian 12 - 24 tuần, tuỳ thuộc vào kiểu gene của virus, giai đoạn bệnh và chỉ định của bác sĩ điều trị.

Bệnh viêm gan C mạn tính là một bệnh lý nguy hiểm diễn tiến âm  có thể gây ra nhiều tổn thương cho gan và sức khỏe của người bệnh. Đặc biệt, bệnh lý này rất khó phát hiện bởi các triệu chứng không rõ ràng dù bệnh vẫn đang tiến triển. Do đó, cần phải thực hiện tầm soát và khám sức khỏe để phát hiện bệnh kịp thời, nhanh chóng điều trị.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết