Tổng quan về bệnh viêm tụy: triệu chứng, nguyên nhân và điều trị 
Tổng quan về bệnh viêm tụy: triệu chứng, nguyên nhân và điều trị 
Người bệnh viêm tụy cấp
Bệnh viêm tụy cấp nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong khá cao - Ảnh BookingCare

Tổng quan về bệnh viêm tụy: triệu chứng, nguyên nhân và điều trị 

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 19/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 20/04/2024
Viêm tụy là một tiến trình tự huỷ mô tuỵ do chính men tụy. Tụy bị viêm không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tiêu hóa thức ăn mà còn gây ra những triệu chứng dữ dội cho người bệnh. 

Bệnh viêm tụy cấp nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời thì tỷ lệ biến chứng và tử vong khá cao. Do đó, chúng ta cần có những hiểu biết cơ bản về bệnh viêm tụy để có thể dự phòng bệnh cũng như phát hiện sớm và điều trị ngay. 

Chức năng của tuyến tụy 

Tụy là một tuyến thuộc bộ máy tiêu hóa vừa có chức năng ngoại tiết (tiết ra dịch tụy đổ vào ruột giúp tiêu hóa thức ăn) vừa có chức năng nội tiết (như tiết insulin đổ vào máu có tác dụng điều hòa đường huyết...). 

Các tuyến nội tiết tiết ra nhiều loại hormon vào máu, trong số đó quan trọng nhất là insulin và glucagon.

  • Insulin có tác dụng giảm đường huyết (nếu thiếu hụt sẽ gây tăng đường huyết, liên quan chặt chẽ tới bệnh đái tháo đường)
  • Glucagon có tác dụng làm tăng đường huyết (tăng cường phân giải glycogen ở gan thành glucose ở máu.

Dịch tụy chứa nhiều muối bicarbonat và nhiều loại enzym giúp tiêu hóa hầu hết các loại thức ăn, bao gồm: Nhóm enzym tiêu hóa protein (trypsin, chymotrypsin, elastase, carboxypeptidase), enzym tiêu hóa glucid (amylase), enzym tiêu hóa lipid (lipase, phospholipase A2, cholesterol esterase), enzym tiêu hóa acid nucleic (ribonuclease, deoxyribonuclease).

Bình thường tuyến tụy bài tiết các men tuỵ dưới dạng chưa hoạt động (tiền men). Các men này chỉ có tác dụng sau khi được hoạt hoá ở tá tràng. Vì lý do nào đó các men tụy được hoạt hoá ngay trong chính mô tụy làm tổn thương nhu mô và gây viêm tuỵ.

Triệu chứng giúp bạn phát hiện bệnh viêm tụy cấp 

Một cơn viêm tụy cấp tính gây đau bụng trên như dao đâm âm ỉ liên tục, thường dữ dội và cần phải dùng thuốc để giảm đau. Đau lan đến phần lưng ở khoảng 50% số bệnh nhân. 

Đau bụng 

Viêm tụy cấp gây đau bụng theo cơ chế căng tuyến tụy, thoát dịch sau phúc mạc hay do viêm phúc mạc:

  • Các cơn đau thường khởi phát đột ngột, sau 1 bữa ăn no, nhiều mỡ, sau 1 bữa tiệc.
  • Đau thường có tính chất cấp tính, dữ dội
  • Đau vùng trên rốn, bên trái, lan ra lưng trái.

Buồn nôn và nôn 

Buồn nôn và ói mửa là triệu chứng phổ biến gặp trong bệnh viêm tủy cấp với 2 đặc điểm sau:

  • Nôn nhiều và liên tục.
  • Sau nôn không đỡ đau.

Một số triệu chứng khác

Bên cạnh 2 triệu chứng chính nhận biết viêm tụy cấp là đau bụng dữ dội và buồn nôn, nôn người bệnh còn có các triệu chứng:

  • Có kèm theo sốt, nếu xuất hiện sớm trong 2 - 3 ngày đầu.
  • Vàng da thường vàng da nhẹ, kín đáo thường do phù nề ống dẫn chung. Nếu vàng da rõ thường do bệnh đường mật đi kèm do sỏi hoặc do giun.
  • Rối loạn nhu động ruột thường có tình trạng liệt ruột và chướng hơi trong ổ bụng.
  • Tràn dịch ổ bụng thường gặp ở những ca nặng, có khi dịch cổ trướng có máu. Tràn dịch màng phổi trái ít gặp hơn và cũng có tiên lượng nặng.
dau bung do viem tuy
Các cơn đau bụng thường khởi phát đột ngột, sau 1 bữa ăn no và có thể kèm theo buồn nôn - Ảnh: Canva

Nguyên nhân nào gây bệnh viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của các nhu mô tụy, có thể bao gồm cả tổn thương của các tổ chức cơ quan lân cận. Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây nên viêm tụy cấp:

  • Rượu bia là tác nhân hàng đầu gây nên tình trạng viêm tụy cấp
  • Do tăng mỡ máu
  • Do bị sỏi mật gây tắc nghẽn dẫn đến tắc ống dẫn chung hoặc tắc cơ vòng Oddi làm ngưng dòng chảy của ống tụy. Các men tụy bị giữ lại gây phá hủy cấu trúc tuyến tụy. 
  • Do chấn thương dập vùng tụy, do rối loạn chuyển hóa, do mắc các bệnh tự miễn...
  • Có khoảng 10-15% các trường hợp là không tìm thấy nguyên nhân gây viêm tụy cấp.

Viêm tụy cấp là bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, các chuyên gia thường khuyến cáo, bỏ rượu bia và điều trị rối loạn mỡ máu là phương pháp tối ưu để dự phòng bệnh. 

Chẩn đoán viêm tụy cấp 

Viêm tụy cấp là một trong những căn bệnh hàng đầu ở khoa cấp cứu liên quan đến bệnh lý đường tiêu hóa trên toàn thế giới. Mức độ viêm tụy cấp từ nhẹ đến nặng với tỷ lệ tử vong cao, do đó cần cảnh giác với bệnh, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ cao để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.  

Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sẽ dựa vào quá trình hỏi bệnh và thăm khám để đưa ra chẩn đoán bệnh viêm tụy cấp. 

  • Về lâm sàng: 
    • Phát hiện các điểm đau vùng tuỵ: cơn đau bụng cấp vùng thượng vị lan ra sau lưng, kèm nôn ói nhiều, ấn đau điểm sườn lưng trái (dấu Mayo-Robson). Cơn đau thường xảy ra sau bữa ăn.  
    • Dấu hiệu phản ứng thành bụng 
    • Các xuất huyết ở mô dưới da có thể tạo nên các vết hoặc mảng bầm tím ở da vùng quanh rốn (dấu hiệu Cullen) hoặc ở vùng sườn lưng trái và hông trái. 
  • Về xét nghiệm cận lâm sàng:
  • Định lượng men tuỵ: Amylase máu & nước tiểu thường tăng cao, định lượng men amylase tăng > 3 lần.
  • X-quang ổ bụng không chuẩn bị: Thường được chỉ định cấp cứu để loại trừ 1 “bụng ngoại khoa” nhưng có thể cho những chỉ dẫn gián tiếp của VTC như quai ruột giãn, tràn dịch màng phổi.
  • Siêu âm bụng: Có thể phát hiện các tổn thương tuỵ như tụy phù nề, tăng kích thước, các ổ hoại tử vùng tuỵ, tụ dịch quanh tụy, nang giả tuỵ. Siêu âm bụng còn giúp phát hiện bệnh lý đường mật đi kèm như sỏi hoặc giun trong đường tụy, đường mật.
  • CTscan: khi nghi ngờ viêm tụy cấp nặng và có biến chứng, CT scan cho hình ảnh rõ hơn siêu âm vì không bị ảnh hưởng bởi tình trạng chướng hơi trong các quai ruột.

Điều trị viêm tụy cấp

Do nguy cơ xảy đến các biến chứng và tử vong trong viêm tụy cấp nhẹ và nặng rất khác nhau, nên việc đánh giá tình trạng nặng nhẹ của một ca bệnh là rất cần thiết để từ đó có hướng xử trí thích hợp nhất nhằm làm giảm nguy cơ tử vong. 

Hiện nay việc đánh giá độ nặng viêm tụy theo 2 mức độ:

  • Viêm tụy cấp nhẹ: Có rối loạn chức năng tạng nhẹ và tự hồi phục
  • Viêm tụy cấp nặng: Có kèm theo suy tạng hoặc tổn thương khu trú tại tuỵ

Điều trị nội khoa

Nhằm giảm đau, giảm tiết dịch tuỵ, phòng và chống sốc, nuôi ăn, sử dụng kháng sinh khi có bội nhiễm và các biện pháp điều trị hỗ trợ khác.

  • Giảm đau: Có thể sử dụng các thuốc giảm đau, giảm co thắt tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch (Buscopan)
  • Giảm tiết dịch tuỵ: Hút dịch dạ dày liên tục (đặt sonde mũi-dạ dày). Thuốc chống tiết dịch vị như ức chế thụ thể H2 (Anti H2), ức chế bơm proton (PPI) tiêm tĩnh mạch có tác dụng gián tiếp giảm tiết tuyến tụy. Somatostatin, Octreotide 100 mcg x 3 ngày.
  • Điều trị các biến chứng khác như: suy hô hấp, suy thận, rối loạn đông máu, nhiễm trùng,… 
  • Phòng và điều trị sốc 
  • Chỉ định kháng sinh trong trường hợp viêm tụy cấp nặng. 

Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ nhu mô tụy khi: 

  • Có biến chứng ngoại khoa như xuất huyết, viêm phúc mạc, áp xe tuỵ, ổ tụ dịch hoại tử.
  • Có bệnh đường mật kết hợp chỉ định can thiệp ngoại khoa để giải tỏa, dẫn lưu đường mật. Ngày nay kỹ thuật lấy sỏi qua nội soi (ERCP) có thể làm giảm đáng kể chỉ định này.
  • Điều trị nội khoa thất bại: Khi đã điều trị nội khoa tích cực mà không cải thiện được tình trạng bệnh. 

Chăm sóc người bệnh viêm tụy cấp 

Trong 24h đầu nhập viện, cơ thể bệnh nhân chưa thể hồi phục do đó biện pháp để cung cấp chất dinh dưỡng cho người bệnh là qua đường truyền dịch, đảm bảo lượng calo, đường, đạm theo nhu cầu.. 

Những ngày sau đó chuyển dần sang nuôi ăn qua đường miệng theo trình tự: nước đường, cháo đường, cơm nhão rồi cơm bình thường. Chú ý kiêng sữa, mỡ, béo. Đối với viêm tụy cấp nhẹ có thể tiến hành nuôi ăn qua đường miệng sớm, 24 - 72 giờ sau nhập viện. Việc nuôi ăn sớm giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như suy đa cơ quan, viêm tụy cấp hoại tử.

  • Cho người bệnh ăn nhiều thực phẩm giàu protein, ít chất béo động vật và chứa chất chống oxy hóa. Cà chua bi, dưa chuột và hummus, và trái cây là món ăn nhẹ có lợi cho tuyến tuy. 
  • Thực phẩm chiên hoặc chế biến nhiều như khoai tây chiên và bánh mì kẹp thịt ăn nhanh, là một số trong những đối tượng vi phạm tồi tệ nhất. Thịt nội tạng, sữa giàu chất béo, khoai tây chiên và sốt mayonnaise cũng đứng đầu danh sách những thực phẩm cần hạn chế.

Thực phẩm nấu chín hoặc chiên ngập dầu có thể làm bùng phát bệnh viêm tụy.

  • Ăn từ sáu đến tám bữa ăn nhỏ trong ngày để giúp phục hồi sau viêm tụy. 
  • Sử dụng MCTs làm chất béo chính cho người viêm tụy vì loại chất béo này không cần các enzym tuyến tụy để tiêu hóa. MCT có thể được tìm thấy trong dầu dừa và dầu hạt cọ có bán tại hầu hết các cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe.
  • Tránh ăn quá nhiều chất xơ cùng một lúc, vì điều này có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và dẫn đến việc hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn kém hơn mức lý tưởng. Chất xơ cũng có thể làm cho lượng enzyme hạn chế của bạn kém hiệu quả hơn.
  • Uống bổ sung vitamin tổng hợp nhận được dinh dưỡng cần thiết.

Nói tóm lại, bệnh viêm tụy cấp khá nguy hiểm và hoàn toàn có thể dự phòng được bằng cách thực hiện theo lối sống lành mạnh. Đó là không uống quá nhiều rượu bia, không hút thuốc lá, không thường xuyên ăn thức ăn chứa nhiều dầu mỡ,… và đặc biệt là khám bệnh định kỳ 6 tháng 1 năm hoặc khám bệnh ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết