Top 5 nguyên nhân ung thư dạ dày đáng lưu tâm
Nguyên nhân ung thư dạ dày
Nguyên nhân ung thư dạ dày - Ảnh: BookingCare

Top 5 nguyên nhân ung thư dạ dày đáng lưu tâm

Tác giả: - Xuất bản: 25/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 29/11/2023
Ung thư dạ dày xảy ra không phải do nguyên nhân đơn lẻ nào mà thường là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân ung thư dạ dày trong bài viết dưới đây của BookingCare.

Ung thư dạ dày là tình trạng tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào biểu mô tuyến của dạ dày, từ đó hình thành nên khối u tại dạ dày, có thể xâm lấn các cấu trúc xung quanh, thậm chí di căn sang các cơ quan khác của cơ thể.

Đây là một trong số các bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo số liệu toàn cầu năm 2020, ung thư dạ dày đứng thứ 5 trong số các bệnh ung thư thường gặp với hơn 1 triệu người mắc mới, đứng thứ 4 về tỷ lệ tử vong do bệnh ác tính với 770.000 ca. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày đứng thứ 4 về tỷ lệ mắc mới sau ung thư gan, phổi vú với gần 18.000 trường hợp.

Nguyên nhân ung thư dạ dày

Có rất nhiều yếu tố trong cuộc sống hàng ngày có thể tác động và gây ra ung thư dạ dày, nhưng để chỉ ra được nguyên nhân đích xác gây ung thư dạ dày cho đến nay vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp đối với các bác sỹ và những nhà nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, những yếu tố gây nên ung thư dạ dày có thể phân loại như sau:

1. Ung thư dạ dày do nhiễm khuẩn

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng, đồng thời làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Ước tính trên thế giới có khoảng 70% dân số mắc vi khuẩn HP, tuy nhiên không phải ai cũng mắc phải ung thư dạ dày.

Vi khuẩn HP rất dễ lây lan qua việc ăn uống chung bát, đũa, cốc, chén… Chính vì vậy, việc thường xuyên ăn uống tại các quán xá, nhà hàng hay những nơi cung cấp dịch vụ ăn uống không đảm bảo vệ sinh hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân với người mắc bệnh cũng có thể là nguyên nhân gây ung thư dạ dày.

2. Ung thư dạ dày do độ tuổi

Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc càng lớn hơn, từ 40-50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn người trẻ. Tuy nhiên cũng phải nói ung thư dạ dày nói riêng và ung thư nói chung có xu hướng trẻ hóa.

3. Ung thư dạ dày do chế độ và thói quen ăn uống

Đây là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh ung thư dạ dày. Chế độ ăn mặn, nhiều muối, đặc biệt là các món như dưa cà muối, các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn khiến lượng muối đưa vào cơ thể quá nhiều, gây quá tải cho hệ tiêu hóa.

Ngoài việc tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, ăn mặn còn gia tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày do muối thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn HP, một loại vi khuẩn gây viêm loét niêm mạc dạ dày.

Thói quen ăn quá nhanh cũng khiến dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng do thức ăn không được nhai kỹ, các enzyme trong nước bọt chưa kịp được tiết ra để bôi trơn và phân hủy thức ăn trước khi được đưa xuống dạ dày. Hoạt động này có thể khiến dạ dày hoạt động quá tải gây trào ngược acid, viêm loét và lâu dần dẫn đến ung thư dạ dày.

Uống nhiều rượu bia cũng là nguyên nhân khá phổ biến gây ung thư dạ dày qua con đường làm tổn thương gen. Khả năng gây ung thư của rượu bia do tính chất cộng dồn các yếu tố gây ung thư.

4. Ung thư dạ dày do di truyền

Mặc dù ung thư dạ dày không di truyền nhưng nó có liên quan tới gen. Theo đó, nếu trong gia đình có người thân như ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mắc ung thư dạ dày thì bạn cần hết sức chú ý. Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người không có yếu tố gia đình ảnh hưởng.

5. Ung thư dạ dày do những ký do khác

  • Việc sinh sống trong môi trường ô nhiễm nặng, thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất hoặc các chất phóng xạ, chất độc hại… cũng khiến cơ thể bị ảnh hưởng, gây ung thư dạ dày.
  • Một trong những yếu tố khác nữa là do bệnh lành tính lâu năm có thể tác động bởi biến đổi về mặt sinh lí trong dạ dày thay đổi, gây nên ung thư dạ dày.
  • Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Theo nghiên cứu, những người hút thuốc lá có khả năng mắc bệnh cao gấp đôi người không hút thuốc do trong thuốc lá chứa nhiều chất độc có thể gây tổn hại các tế bào trong dạ dày.

Tuy nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày còn nhiều khía cạnh phức tạp cần được nghiên cứu thêm, nhưng hiểu rõ về những yếu tố này có thể giúp chúng ta tìm hiểu và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết