Tràn khí màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Tràn khí màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Tràn khí màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa - Ảnh: BookingCare

Tràn khí màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Tác giả: - Xuất bản: 08/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 25/12/2023
Tràn khí màng phổi là một tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng của con người. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần biết về tràn khí màng phổi, từ nguyên nhân, triệu chứng đến cách phòng ngừa và điều trị.

Tràn khí màng phổi là tình trạng khí bị tràn vào khoang màng phổi, gây ra áp lực lên phổi và gây khó thở. Nếu để lâu, tràn khí màng phổi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy tim, suy hô hấp và thậm chí là tử vong. Vì vậy, khi có bất kỳ triệu chứng nào của tràn khí màng phổi, bạn nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân bệnh tràn khí màng phổi

Nguyên nhân gây tràn khí màng phổi có thể là:

  • Chấn thương ngực. Bất kỳ vết thương nào vào ngực đều có thể gây xẹp phổi. Một số chấn thương có thể xảy ra khi bị hành hung hoặc tai nạn giao thông, trong khi những chấn thương khác có thể vô tình xảy ra trong quá trình thực hiện các thủ thuật y khoa.
  • Bệnh phổi. Mô phổi bị tổn thương có nhiều khả năng bị xẹp xuống. Tổn thương phổi có thể do nhiều loại bệnh tiềm ẩn gây ra, chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh phổi xơ nang, ung thư phổi hoặc viêm phổi. Các bệnh u nang phổi, chẳng hạn như bệnh u cơ trơn bạch huyết và hội chứng Birt-Hogg-Dube, gây ra các túi khí tròn, có thành mỏng trong mô phổi và có thể vỡ, dẫn đến tràn khí màng phổi.
  • Vỡ kén khí phổi. Các kén khí nhỏ có thể xuất hiện ở vùng đỉnh phổi. Chúng đôi khi vỡ ra khiến khí lọt vào khoang màng phổi, làm tràn khí màng phổi. 
  • Thông khí cơ học. Các thông khí cơ học (thở máy) có thể làm tăng áp lực phổi quá mức dẫn tới vỡ phế nang và tràn khí màng phổi. Tràn khí màng phổi do thở máy thường rất nghiêm trọng, vì là tràn khí màng phổi áp lực, khí sẽ tràn ra liên tục vào khoang màng phổi. Dẫn tới xẹp phổi, chèn ép tim cấp. Bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Các yếu tố nguy cơ

Nhìn chung, nam giới có nhiều khả năng bị tràn khí màng phổi hơn phụ nữ. Loại tràn khí màng phổi do vỡ kén khí thường xảy ra ở những người từ 20 đến 40 tuổi, đặc biệt nếu người đó cao và gầy.

Bệnh phổi tiềm ẩn hoặc thở máy có thể là nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ gây tràn khí màng phổi. Các yếu tố rủi ro khác bao gồm:

  • Hút thuốc. Nguy cơ tăng theo thời gian và số lượng thuốc lá hút, ngay cả khi không bị khí thũng.
  • Di truyền. Một số loại tràn khí màng phổi dường như có tính di truyền trong gia đình.
  • Tràn khí màng phổi trước đó. Bất cứ ai đã từng bị tràn khí màng phổi đều có nguy cơ cao bị tràn khí màng phổi khác.

Triệu chứng bệnh tràn khí màng phổi

Các triệu chứng tràn khí màng phổi do chấn thương thường xảy ra trong giai đoạn chấn thương hoặc ngay sau đó. Ngược lại, các triệu chứng tràn khí màng phổi không do chấn thương tự phát thường xảy ra khi người bệnh ở trạng thái nghỉ ngơi. Đau ngực đột ngột, dữ dội thường là triệu chứng đầu tiên của tràn khí màng phổi. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh bất thường.
  • Da, môi xanh tím.
  • Khó thở, tăng lên khi gắng sức, và có thể tăng dần theo thời gian (do mức độ tràn khí tăng lên), thở nhanh nông.
  • Vã mồ hôi lạnh.
  • Đau ngực liên tục, đau tăng khi hít vào.
Đau ngực đột ngột, dữ dội thường là triệu chứng đầu tiên của tràn khí màng phổi. - Ảnh: Canva

Chẩn đoán bệnh tràn khí màng phổi

Để chẩn đoán tràn khí màng phổi, các phương pháp hình ảnh như chụp X-quang ngực, chụp CT và siêu âm lồng ngực có thể được sử dụng.

  • Chụp X-quang ngực: Phương pháp này sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh của phổi và màng phổi. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem có sự hiện diện của khí trong khoang màng phổi hay không.
  • Chụp CT (Computed Tomography): Đây là một phương pháp hình ảnh tiên tiến hơn, tạo ra hình ảnh chi tiết của phổi và màng phổi bằng cách sử dụng nhiều tia X từ nhiều góc độ khác nhau. Chụp CT cung cấp thông tin chi tiết hơn về kích thước, vị trí và mức độ tràn khí trong màng phổi.
  • Siêu âm lồng ngực: Đây là một phương pháp không sử dụng tia X, mà sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của phổi và màng phổi. Siêu âm lồng ngực có thể giúp bác sĩ xem xét kích thước và vị trí của khí trong màng phổi.
Phương pháp chẩn đoán hình ảnh được dùng để tìm ra nguyên nhân tràn khí màng phổi. - Ảnh: Canva

Cả ba phương pháp này đều có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán tràn khí màng phổi và giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị phù hợp.

Điều trị bệnh tràn khí màng phổi

Phương pháp điều trị cho tràn khí màng phổi sẽ phụ thuộc vào triệu chứng, tiền sử bệnh lí trước đó và mức độ nghiêm trọng của tràn khí màng phổi. Có thể có các lựa chọn điều trị phẫu thuật và không phẫu thuật, bao gồm:

  • Đặt ống thông khí vào ngực (chest drain) - được sử dụng để loại bỏ không khí dư thừa trong khoang màng phổi, giúp phổi của bạn có thể hoạt động bình thường trở lại.
  • Theo dõi - thích hợp cho những người có tràn khí màng phổi tự phát chưa từng có tiền sử và không  khó thở. Có thể tiếp tục kiểm tra X-quang ngực để theo dõi chức năng phổi và đảm bảo không còn không khí trong khoang màng phổi và phổi có thể hoạt động bình thường trở lại. Đồng thời, nên tránh các hoạt động tiếp xúc như thể thao và đi máy bay (thay đổi áp lực) có thể ảnh hưởng đến quá trình lành lại của màng phổi.
  • Thở oxy liều cao - có thể được áp dụng trong trường hợp tràn khí mức độ nhẹ, hoặc phối hợp với các biện pháp khác để giúp khí màng phổi tái hấp thu nhanh hơn.
  • Gây dính màng phổi - là phương pháp tốt để kiểm soát tràn khí màng phổi tái phát, hoặc tràn khí màng phổi đã được đặt dẫn lưu nhưng thất bại.
  • Phẫu thuật - có một số loại phẫu thuật điều trị tràn khí màng phổi: 
    • Phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ (VATS) - trong đó một máy quay nhỏ được đặt vào thành ngực để xác định phương án điều trị tốt nhất; sau phẫu thuật, có thể đóng các vết rò rỉ khí hoặc loại bỏ một phần của phổi đã xẹp (gọi là lobectomy). 
    • Phẫu thuật mở ngực (thoracotomy) - phẫu thuật viên sẽ rạch mở khoang màng phổi để xử trí tình trạng tràn khí.

Phòng ngừa bệnh tràn khí màng phổi

Để phòng ngừa và giảm nguy cơ bị tràn khí màng phổi, bạn có thể thực hiện những biện pháp sau:

  • Không hút thuốc, tránh xa môi trường có khói thuốc, khí độc.
  • Nên đi kiểm tra y tế trước khi tham gia các hoạt động có sự thay đổi áp suất không khí đột ngột như lặn biển và bay.
  • Định kỳ đi khám bác sĩ để theo dõi các vấn đề liên quan đến phổi.
  • Giữ không gian sống trong lành, thoáng mát,
  • Sử dụng máy lọc không khí trong nhà (nếu có thể).
  • Duy trì thói quen ăn uống, sinh hoạt, thể dục thể thao lành mạnh khoa học để có sức đề kháng tốt.

Tuy nhiên, nếu bạn có một số bệnh lý hoặc có tiền sử gia đình về phổi xẹp, có thể không thể ngăn ngừa được tình trạng này.

Sống chung với bệnh tại nhà hiệu quả 

Thông thường, bạn có thể thấy sự cải thiện từ tràn khí màng phổi chỉ sau vài ngày điều trị. Tuy nhiên, vì có nguy cơ tái phát (do bạn đã từng bị), để tránh các triệu chứng tái phát bạn nên lưu ý một vài lời khuyên sau:

  • Theo dõi các triệu chứng sau khi điều trị
  • Duy trì uống thuốc đều đặn nếu được bác sĩ kê đơn
  • Đi khám đúng lịch tái khám
  • Bỏ hút thuốc, tránh xa môi trường khói thuốc
  • Tránh một số hoạt động nhất định gây thêm áp lực lên phổi trong một thời gian sau khi tràn khí màng phổi lành lại như bơi, lặn, nhảy dù, đi máy bay,...
  • Vận động cơ thể nhẹ nhàng, tránh mất sức
  • Tập hít thở sâu
  • Nên nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh, thoáng mát
  • Ăn thực phẩm giàu protein, rau củ quả đa dạng vitamin và khoáng chất, đồ ăn mềm, dễ tiêu hóa, đồ ăn đã nấu chín
  • Uống đủ nước và nước ép hoa quả
  • Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan

Bài viết này hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh tràn khí màng phổi và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tìm kiếm sự tư vấn của các chuyên gia y tế để có được giải đáp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết