Trẻ bị viêm phế quản do nguyên nhân gì?

Tác giả: - Xuất bản: 12/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 13/01/2024
Trẻ bị viêm phế quản do nguyên nhân gì?
Trẻ bị viêm phế quản do nguyên nhân gì? - Ảnh: BookingCare
Viêm phế quản ở trẻ có thể do nguyên nhân nào? Yếu tố nào khiến trẻ có nguy cơ bị bệnh cao hơn? Mời quí phụ huynh tham khảo nội dung dưới đây.

Có nhiều loại viêm phế quản khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gốc rễ. Trước khi lập kế hoạch điều trị, bác sĩ sẽ khám, xác định xem bệnh viêm phế quản của trẻ là cấp tính hay mãn tính và do virus hay vi khuẩn.

Nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ

Viêm phế quản ở trẻ có thể do virus hoặc vi khuẩn, nấm gây ra. Trong đó, chiếm 95% là do virus, còn lại chỉ khoảng 5% các trường hợp là do vi khuẩn, nấm. Ở những nước đang phát triển hoặc vùng dịch tễ của lao cần lưu ý do lao.

Triệu chứng của viêm phế quản:

  • Ho khan, ho có đàm
  • Nghẹt mũi
  • Khò khè
  • Sốt
  • Đau ngực, đau nhức cơ thể, đau đầu
  • Quấy khóc
  • Bú kém, bỏ bú, chán ăn
  • Thở nhanh, thở mệt
  • Da xanh tím

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh, cơ địa, phương thức điều trị, mức độ nghiêm trọng của bệnh,… thời gian khỏi bệnh của mỗi trẻ sẽ khác nhau. Đối với các trẻ có sức đề kháng và hệ miễn dịch tốt và được chích ngừa đầy đủ(nhất là ngừa phế cầu, HIB, cúm, ho gà, sởi…), chăm sóc, điều trị đúng cách, thường sẽ khỏi bệnh sau 1-3 tuần kể từ khi trẻ biểu hiện bệnh. Tuy nhiên, đối với các trẻ nhỏ, sức đề kháng và hệ miễn dịch còn non yếu, việc điều trị viêm phế quản phổi cho trẻ có thể kéo dài hơn và khó khăn hơn.

Thông thường, bệnh sẽ kéo dài từ 7 đến 10 ngày nếu được điều trị và chăm sóc tốt và đúng cách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh không được điều trị kịp thời và có những yếu tố làm vi khuẩn phát triển mạnh và nhanh chóng khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn dẫn đến tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, vi nấm… làm điều trị kéo dài. 

Tất nhiên virus không đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ đánh giá toàn diện sức khoẻ của trẻ để đưa ra phác đồ điều trị viêm phế quản phù hợp nhất để chữa dứt điểm bệnh, hạn chế biến chứng cho trẻ.

Cần lưu ý rằng Lao cũng gây viêm phế quản, viêm phổi…Trong trường hợp ho trên 3 tuần cũng như đã dùng thuốc điều trị mà không thuyên giảm, thì nguy cơ mắc bệnh lao phổi là rất lớn.

Triệu chứng của lao phế quản phổi cũng có thể gây nhầm lẫn với viêm phế quản thông thường: ho, ho ra máu, ho đàm, đau ngực, khó thở, mệt mỏi, sốt, sốt kéo dài, sụt cân…

Một số yếu tố nguy cơ gây viêm phế quản

Ngoài nguyên nhân trực tiếp trên đây, có một số yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc viêm phế quản dưới đây. Những trẻ có các yếu tố này sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ khác. Bao gồm:

  • Trẻ mắc bệnh hen( suyễn): Bệnh hen( suyễn) ảnh hưởng trực tiếp đến phế quản, khiến trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh.
  • Các tác nhân gây dị ứng, chẳng hạn như dị ứng phấn hoa hoặc nước hoa…
  • Thường xuyên ăn uống đồ lạnh
  • Viêm xoang mạn tính
  • Ô nhiễm không khí: Tình trạng ô nhiễm không khí khiến cho đường thở của trẻ bị ảnh hưởng, dễ bị nhiễm trùng hơn.
  • Tiếp xúc với khói thuốc thụ động: Khói thuốc lá có thể làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp của trẻ, khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Sống trong môi trường đông đúc: Môi trường đông đúc khiến trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh dễ lây truyền như cảm cúm, cảm lạnh,... đều là những loại virus có thể gây ra viêm phế quản.
  • Từng tiếp xúc người bị lao thì cần cảnh giác nguy cơ bị nhiễm lao.

Khi nào nên đưa trẻ đi khám?

Viêm phế quản có thể chuyển sang viêm phổi hoặc là triệu chứng đầu tiên của cơn suyễn.

Trẻ bị bệnh tim cũng có thể khò khè, khó thở, đau ngực như viêm phế quản. Do đó cần phải kiểm tra sức khoẻ toàn diện.

Khi trẻ có dấu hiệu sau cần đưa trẻ đi khám ngay: 

  • Ho ngày càng tăng
  • Ho kéo dài, ho ra máu
  • Sốt cao khó hạ
  • Khó thở, thở rít
  • Thở nhanh
  • Thở co lõm ngực
  • Có dấu hiệu nguy hiểm toàn thân: li bì, khó đánh thức, co giật…
  • Tím tái
  • Mất nước: uống háo hức, mắt trũng…
  • Xanh xao, sụt cân

Để hạn chế mắc viêm phế quản ở trẻ em, việc tăng cường vệ sinh cá nhân, giữ cho trẻ luôn ấm áp trong thời tiết lạnh, và tránh tiếp xúc với người bệnh… là biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Cần tuân thủ lịch tiêm phòng đầy đủ nhất là cúm, phế cầu, H.influenza, sởi, ho gà để bảo vệ trẻ.

Viêm phế quản ở trẻ em thường không nguy hiểm nhưng có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Việc theo dõi và điều trị sớm, đặc biệt là khi trẻ có triệu chứng nặng, cũng là cách quan trọng để giảm thiểu các biến chứng và ảnh hưởng lâu dài của bệnh.