Trĩ ngoại: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 31/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 07/03/2024
Những điều bạn cần biết về trĩ ngoại
Những điều bạn cần biết về trĩ ngoại - Ảnh: BookingCare
Trĩ ngoại có thể gây ra tình trạng chảy máu, ngứa hậu môn,... gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe thậm chí để lại nhiều biến chứng khó lường cho người bệnh.

Bệnh trĩ là một vấn đề sức khỏe phổ biến trên thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng. Bệnh không chỉ gây ra những cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của những người bệnh. 

Trĩ ngoại để phân biệt với trĩ nội chính là ở vị trí của búi trĩ. Bệnh trĩ ngoại có búi trĩ nằm ở dưới đường lược, thường gây  nhiều nhiều khó chịu hơn so với trĩ nội. Cùng tìm hiểu về  trĩ ngoại qua bài viết dưới đây để thấy rõ được phức tạp của tình trạng này.

Trĩ ngoại là gì?

Trĩ ngoại là sự xuất hiện của các búi trĩ với vị trí gốc nằm dưới đường lược, tạo nên tình trạng không thoải mái và đau đớn trong quá trình vệ sinh cá nhân, tiếp xúc với đồ lót, hoặc chịu tác động từ bên ngoài. Tình trạng này thường có dấu hiệu sưng và gây ngứa, tác động ít nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Trĩ ngoại thường do bị táo bón hoặc tiêu chảy nghiêm trọng gây ra. Việc căng thẳng khi đi tiêu làm cản trở máu lưu thông, dẫn đến sự tích tụ máu, gây giãn các mạch ở khu vực hậu môn, khiến hậu môn bị phình to, căng giãn quá mức khi đó sẽ xuất hiện lớp da mỏng bao bọc quanh búi trĩ.

Trĩ ngoại không phân biệt cấp độ, độ trĩ chỉ được áp dụng với bệnh trĩ nội. Khi đại tiện, lượng máu chảy ra nhiều hay ít cũng không thể kết luận chính xác mức độ bệnh nặng hay nhẹ.

Trĩ ngoại sẽ chia thành 4 thời kỳ:

  • Thời kỳ thứ nhất: Trĩ giai đoạn đầu nên chưa có triệu chứng rõ rệt, khá khó nhận biết. Người bệnh chỉ cảm giác hơi cộm, ngứa rát ở vùng hậu môn.
  • Thời kỳ thứ hai: Xuất hiện các búi tĩnh mạch ngoằn ngoèo vì chúng đã lồi ra khỏi hậu môn. Lúc đại tiện, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhiều, khó chịu và nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì tình trạng viêm nhiễm khuẩn rất dễ xảy ra.
  • Thời kỳ thứ ba: Ra máu khi đi đại tiện, búi trĩ bị tắc nghẹt. Người bệnh thường xuyên cảm thấy đau đớn, trong trường hợp nặng có thể bị thiếu máu.
  • Thời kỳ thứ tư: Bước vào giai đoạn nặng nhất, kích thước các búi trĩ tăng lên trông thấy, sưng to hơn gây ngứa ngáy và khó chịu vô cùng. Nhiều trường hợp còn bị nhiễm trùng nặng cùng nhiều biến chứng nguy hiểm.
Hình ảnh trĩ ngoại - Ảnh: trungtamytehuyenphuninh.vn
Hình ảnh trĩ ngoại - Ảnh: trungtamytehuyenphuninh.vn

Nguyên nhân gây trĩ ngoại

Một số nguyên nhân gây nên bệnh lý trĩ nói chung:

  • Ngồi một chỗ liên tục và kéo dài trong thời gian lâu, đứng lâu, hoặc ít vận động có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của trĩ ngoại.
  • Mang vác vật nặng có thể gây áp lực lớn lên khu vực hậu môn, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trĩ.
  • Táo bón kéo dài và tái đi tái lại có thể làm giãn tĩnh mạch trĩ và làm ảnh hưởng đến vòng cơ thắt ở hậu môn, góp phần vào sự hình thành của trĩ ngoại.
  • Thói quen ăn uống không hợp lý, bao gồm việc ăn nhiều đồ cay nóng, thiếu chất xơ, và sử dụng quá nhiều chất kích thích, có thể tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
  • Mắc các bệnh toàn thân như giãn phế quản, hen phế quản, rối loạn tiêu hóa, cũng có thể đóng góp vào sự phát triển của trĩ ngoại thông qua những ảnh hưởng toàn diện đối với sức khỏe và chức năng của cơ thể.

Dấu hiệu của trĩ ngoại

Nhận biết trĩ ngoại thường dựa vào những dấu hiệu và triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân. Trong giai đoạn đầu, trĩ ngoại có thể không có những dấu hiệu rõ ràng, và chỉ khi bệnh trở nặng thì những triệu chứng xuất hiện rõ rệt.

  • Da thừa ở hậu môn: triệu chứng thường gặp ở trĩ ngoại , khi búi trĩ teo đi  hoặc giảm kích thước, có thể tạo ra các mảnh da thừa ở hậu môn gây đau đớn khi ngồi.
  • Đau rát hậu môn: sự xuất hiện của búi trĩ ở rìa hậu môn gây ra cảm giác khó chịu, đau nhức và khiến người bệnh gặp khó khăn khi ngồi xuống. Khi búi trĩ to ra, huyết khối có thể chèn ép lên các mạch máu, gây đau đớn khi đi đứng hoặc nghỉ ngơi.
  • Sa búi trĩ: hình thành khi búi trĩ trồi lên bên ngoài hậu môn, tùy thuộc vào mức độ và tình trạng bệnh, búi trĩ có thể bị sa nhiều hoặc ít. Sa búi trĩ không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.
  • Chảy dịch nhầy ở hậu môn: triệu chứng này thường đi kèm với việc sa búi trĩ. Dịch nhầy chảy ra từ hậu môn, thường có màu trắng hoặc trong, đôi khi kèm theo máu. Nếu triệu chứng này không giảm đi, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn và gây ra viêm nhiễm nghiêm trọng.
Sa búi trĩ là một trong những dấu hiệu của trĩ ngoại - Ảnh: uihc.org
Sa búi trĩ là một trong những dấu hiệu của trĩ ngoại - Ảnh: uihc.org

Điều trị trĩ ngoại như thế nào?

Trĩ ngoại nếu được phát hiện và điều trị ngay khi bệnh ở giai đoạn đầu thì có thể chữa khỏi. Có rất nhiều cách chữa trị bệnh trĩ ngoại tùy thuộc vào mức độ, giai đoạn của bệnh. Sau khi thăm khám, bệnh nhân sẽ biết rõ cách chữa trị bệnh phù hợp:

Điều trị nội khoa

Ngoài các phương pháp điều trị bệnh trĩ nói chung,  trĩ ngoại sẽ có một số yếu tố khác biệt trong điều trị nội khoa.

Trong trường hợp trĩ ngoại ở giai đoạn nhẹ, việc sử dụng các loại thuốc tây y có thể là một phương pháp chữa bệnh hiệu quả. Thuốc này thường được sản xuất dưới dạng thuốc bôi hoặc thuốc uống, có tác dụng giảm sưng đau và ngăn chặn sự phát triển của búi trĩ ngoại.

Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý rằng khi áp dụng phương pháp chữa trị bằng thuốc, nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Việc tự y áp dụng thuốc mà không có sự tư vấn của bác sĩ có thể mang lại những hậu quả không mong muốn. Bác sĩ sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể về liều lượng, cách sử dụng, và thời gian áp dụng để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân.

Điều trị ngoại khoa

Khi trĩ ngoại phát triển nhiều hơn, các chuyên gia thường khuyến cáo áp dụng các phương pháp ngoại khoa để điều trị  một cách toàn diện và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.

Điều trị tại nhà

Ngoài việc điều trị nội khoa và ngoại khoa, một số trường hợp bệnh nhân có thể tự chăm sóc và điều chỉnh chế độ ăn uống tại nhà để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh trĩ ngoại. Dưới đây là những biện pháp hữu ích, vừa là cách điều trị, vừa là phương pháp phòng tránh và ngăn ngừa các biến chứng của trĩ ngoại gây ra:

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau muống, cải bó xôi, rau cần, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi, rau mồng tơi, rau lang, rau đay, khoai lang, chuối.
  • Bổ sung chất sắt qua thực phẩm như thịt đỏ, nội tạng động vật, hạt điều, hạt vừng, hạnh nhân, mơ, nho khô, hạt hướng dương.
  • Uống từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày, có thể sử dụng sữa, súp hoặc nước ép trái cây, rau củ.
  • Hạn chế ăn thực phẩm cay nóng như hạt tiêu, ớt, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ và chất béo, đồ ăn nhanh.
  • Hạn chế đứng hoặc ngồi quá lâu trong thời gian dài.
  • Tập thói quen đi đại tiện vào giờ cố định, tránh nhịn đại tiện khi cảm thấy buồn đại tiện.
  • Tổ chức thời gian cho việc tập luyện thể dục mỗi ngày để tăng cường sức khỏe và lưu lượng máu đến hậu môn.

Trĩ ngoại không chỉ là một vấn đề sức khỏe thường gặp mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều bất tiện và đau đớn cho người bệnh. Tuy nhiên, với sự hiểu biết và chăm sóc đúng đắn, bệnh nhân có thể kiểm soát tình trạng này một cách hiệu quả.

Phương pháp chữa trị bệnh trĩ ngoại không chỉ giới hạn ở việc sử dụng thuốc mà còn mở rộng đến việc điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống. Việc bổ sung chất xơ, kiểm soát chế độ ăn, duy trì thói quen vận động, và duy trì vệ sinh cá nhân đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và ngăn ngừa tái phát bệnh.