Triệu chứng viêm hang vị dạ dày? Điều trị viêm hang vị dạ dày hiệu quả

Cố vấn y khoa: - Xuất bản: 21/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
triệu chứng viêm hang vị dạ dày
Triệu chứng viêm hang vị dạ dày - Ảnh: BookingCare
Triệu chứng viêm hang vị dạ dày là gì? Phương pháp điều trị viêm hang vị là như thế nào

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến viêm hang vị dạ dày, bao gồm nhiễm trùng vi khuẩn HP, thói quen ăn uống không lành mạnh, sử dụng quá mức thuốc gây tác dụng phụ, và tình trạng stress. Triệu chứng của bệnh có thể bao gồm đau bên trên bụng, buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu,...

Cùng tìm hiểu chi tiết triệu chứng viêm hang vị dạ dày cùng các phương pháp điều trị bệnh trong bài viết dưới đây của BookingCare.

Bài viết được cố vấn và kiểm duyệt chuyên môn bởi Bác sĩ Tiêu hóa Hồ Lê Bá Đạt.

Triệu chứng viêm hang vị dạ dày

Nếu không chú ý trong ăn uống, sinh hoạt thì rất dễ có nguy cơ mắc bệnh về dạ dày. Các bệnh dạ dày nói chung và viêm hang vị nói riêng thường có các triệu chứng giống nhau. Điều này khiến người bệnh dễ hiểu lầm và chủ quan.

Khi hang vị bị viêm thường có một số biểu hiện như:

  • Thường xuyên xuất hiện cơn đau ở vị trí trên-giữa bụng, hay còn gọi là vùng thượng vị , có thể lan sang trái hoặc phải hoặc lan ra sau lưng. Cơn đau có thể diễn ra dữ dội hoặc âm ỉ trong thời gian dài khiến bạn khó chịu, không muốn ăn uống. Cơn đau thường xuất hiện, khi bụng đói, sau khi ăn quá no hoặc vào ban đêm. Vào mùa lạnh các cơn đau cũng xuất hiện nhiều hơn.
  • Khi bạn ăn các loại đồ cay nóng, rượu bia, đồ uống có gas cũng sẽ kích thích hang vị gây đau đớn khiến cơn đau càng gia tăng.
  • Sau khi ăn uống bạn thường xuyên ợ chua, ợ hơi, chướng bụng, khó tiêu,...
  • Buồn nôn, nôn ói, chán ăn…
  • Các triệu chứng trên có thể hết nhanh sau khi bệnh nhân tự sử dụng các loại thuốc dạ dày không kê đơn trên thị trường (calci carbonat (Tums), Gaviscon, Pepto-bismol…), nhưng sẽ sớm tái phát lại nếu không được điều trị đúng cách.

Một điều cần lưu ý là đa số các bệnh nhân có bệnh lý viêm hang vị thường không có triệu chứng, hoặc hết triệu chứng sau khi tự điều trị vài ngày bằng các loại thuốc không kê đơn. Tuy nhiên tình trạng bệnh vẫn có thể tiếp tục tiếp diễn.

Một số bệnh nhân không triệu chứng này sẽ từ từ tiến triển trong một thời gian dài, thành viêm hang vị mạn tính, dẫn đến teo niêm mạc dạ dày. Sau đó bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng như loét hang vị, viêm teo chuyển sản ruột, nghịch sản, từ đó chuyển thành biến chứng nguy hiểm hơn là ung thư dạ dày sẽ khiến người bệnh ăn uống kém, mệt mỏi, suy nhược, sụt cân, sắc mặt xanh xao ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống.

Điều trị viêm hang vị dạ dày

Người có triệu chứng có thể tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán thông qua các kỹ thuật như: xét nghiệm tìm vi khuẩn Helicobacter pylori thông qua test hơi thở hoặc sử dụng huyết thanh học, siêu âm ổ bụng, các xét nghiệm thường quy như công thức máu, chức năng gan thận, X Quang khảo sát vùng bụng chậu…

Riêng với chỉ định nội soi tiêu hóa trên (nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng), có thể được xem xét cho các trường hợp sau đây:

  • Nuốt nghẹn, nuốt đau, có sụt cân, có các dấu hiệu thiếu máu (chóng mặt, hoa mắt, da niêm nhạt…).
  • Người trên 40 tuổi có tiền căn gia đình bị ung thư dạ dày, người có thói quen thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia.
  • Người bệnh có các triệu chứng tiêu hóa sau một thời gian trung bình 2 tuần điều trị bằng các thuốc không kê đơn không ghi nhận cải thiện triệu chứng.
  • Người đang có chỉ định phải sử dụng lâu dài các loại thuốc điều trị gây tác dụng phụ cho đường tiêu hóa (bệnh lý cơ xương khớp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim, bệnh xơ vữa mạch máu…).

Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng là một phương pháp vượt trội giúp phát hiện ra các dấu hiệu trong Viêm dạ dày như bệnh lý dạ dày phản ứng (niêm mạc đỏ, có các vết trợt, xuất huyết dưới biểu mô, trào ngược dịch mật), dấu hiệu viêm teo niêm mạc dạ dày có kèm hoặc không kèm chuyển sản ruột, dấu hiệu nghịch sản.

Ngoài ra, nội soi dạ dày còn giúp chẩn đoán các bệnh lý loét dạ dày – tá tràng; các tổn thương tân sinh có thể là polyp, u dưới niêm, dị sản mạch máu, ung thư thực quản - dạ dày - tá tràng giai đoạn sớm hoặc tiến triển, và các bệnh lý khác như viêm thực quản do bệnh lý trào ngược, nhiễm nấm, thoát vị hoành,…

Nội soi cũng có thể giúp chẩn đoán được sự hiện diện của vi khuẩn H.p qua lấy mẫu mô dạ dày kiểm tra (CLO test), lấy mẫu để cấy vi khuẩn H.p, hoặc lấy mẫu để chẩn đoán mô bệnh học…

Khi mắc phải bệnh viêm hang vị, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Điều này giúp các bác sĩ tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm. Bên cạnh việc chữa bệnh thì chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm về cách phòng tránh để tránh mắc lại.

Trong trường hợp niêm mạc hang vị dạ dày bị tổn thương do vi khuẩn Helicobacter pylori (Vi khuẩn HP), người bệnh có thể được chỉ định phác đồ điều trị để tiệt trừ vi khuẩn, và tư vấn theo dõi kiểm tra lại sau điều trị để tránh tái nhiễm và lây lan vi khuẩn.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên được tư vấn cụ  thể về chế độ ăn uống cho bệnh nhân viêm hang vị dạ dày, bạn đọc có thể tham khảo một số lưu ý sau:

  • Chia nhỏ các bữa ăn, ăn chậm, nhai kỹ giúp quá trình đưa thức ăn xuống ruột non thuận lợi
  • Bổ sung các loại rau xanh, rau có màu đậm: Rau cải, rau dền, súp lơ… ; các loại thực phẩm giàu tinh bột: bánh mỳ, khoai lang, khoai tây; thực phẩm có lượng protein vừa phải để tránh đầy bụng, khó tiêu
  • Tránh các thực phẩm, đồ uống gây kích ứng: thực phẩm cay, chua, chiên hoặc béo, rượu bia, cà phê…
  • Các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, đạp xe… sẽ giúp cho thức ăn được tiêu hóa kỹ trước khi xuống ruột non.
  • Nếu đang bắt buộc điều trị các loại thuốc có tác dụng phụ đến dạ dày, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn và theo dõi kịp thời để tránh các biến chứng không mong muốn.

Viêm niêm mạc hang vị dạ dày là một trong những bệnh tiêu hoá hoàn toàn có thể chữa trị hiệu quả. Để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi, bệnh nhân cần lưu ý tuân theo chỉ định của bác sỹ, không tự ý dừng liệu trình, bỏ thuốc (dù cảm thấy tình trạng đỡ hơn). Đồng thời chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng góp phần vô cùng quan trọng trong điều trị viêm hang vị dạ dày.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết