Triệu chứng viêm tuyến nước bọt mà bạn không nên bỏ qua

Tác giả: - Xuất bản: 08/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 30/01/2024
Triệu chứng viêm tuyến nước bọt mà bạn không nên bỏ qua
Triệu chứng viêm tuyến nước bọt mà bạn không nên bỏ qua - Ảnh: BookingCare
Viêm tuyến nước bọt không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt mà còn tác động xấu đến quá trình tiêu hoá thức ăn. Mặc dù người mắc bệnh hiếm khi bị biến chứng nhưng nếu chúng ta có các biểu hiện sau thì không nên chủ quan. Bài viết cung cấp cho bạn kiến thức về triệu chứng của viêm tuyến nước bọt và phương pháp chăm sóc người bệnh tại nhà hiệu quả

Có 3 loại viêm tuyến nước bọt phổ biến thường gặp nhất tương ứng với vị trí 3 tuyến nước bọt chính của cơ thể, đó là:

  • Viêm tuyến nước bọt mang tai: đây là tuyến nước bọt lớn nhất và quan trọng nhất của cơ thể. 
  • Viêm tuyến nước bọt dưới hàm: chia thành 2 loại là viêm tuyến nước bọt dưới hàm phải và viêm tuyến nước bọt dưới hàm trái.
  • Viêm tuyến nước bọt dưới lưỡi ở vị trí dưới của miệng và nằm ở hai bên lưỡi.

Triệu chứng viêm tuyến nước bọt

Biểu hiện khiến người bệnh nhận ra rõ ràng nhất là thấy tuyến nước bọt mang tai bị sưng to bất thường. Ngoài ra người bệnh có các triệu chứng như:

  • Da vùng tuyến mang tai bị sưng căng, bóng, sờ nóng đau. Nếu nguyên nhân gây viêm là virus thì ấn không lõm, da không đỏ; nếu  nguyên nhân gây viêm là vi khuẩn thì da đỏ, ấn lõm.
  • Khi há miệng hoặc khi ăn cảm giác đau và khó chịu, khó mở miệng to hết cỡ
  • Miệng khô
  • Nước bọt ít, quánh.
  • Lỗ ống Stenon - nằm ở mặt trong niêm mạc má viêm đỏ, nếu nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn thì khi  vuốt dọc ống tuyến sẽ thấy có mủ chảy ra.
  • Sưng hạch góc hàm
  • Triệu chứng toàn thân biểu hiện của một tình trạng nhiễm trùng đó là sốt, ớn lạnh, mệt mỏi.

Nếu có các triệu chứng cảnh bảo như khó thở hoặc khít hàm, khó nuốt hoặc bất cứ một triệu chứng nào ở phía trên trở nên tồi tệ hơn, bạn hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán kịp thời.

Phương pháp chăm sóc người bệnh viêm tuyến nước bọt 

Sau khi người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh viêm tuyến nước bọt sẽ được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Việc chăm sóc cho người bệnh là vô cùng quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng để chống chọi với bệnh tật, kể cả khi không mắc bệnh thì những phương pháp sau đây là thói quen rất tốt giúp duy trì sức khỏe:

  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, có thể thêm một ít lát chanh vào nước sẽ giúp kích thích tiết nước bọt, giảm sưng tấy.
  • Thực hiện xoa bóp, mát xa, chườm ấm lên tuyến bị nhiễm trùng.
  • Súc miệng bằng nước muối ấm hoặc các loại thuốc súc miệng sát khuẩn.
  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng: đánh răng 2 lần một ngày, tránh để đồ ăn lưu lại trong khoang miệng quá lâu.
  • Tránh thức uống có cồn như rượu bia, tránh đồ uống có tính acid cao như nước có ga vì những loại đồ uống này dễ gây kích ứng răng, miệng, lưỡi.

Việc thực hiện các phương pháp này tương đối dễ dàng, hiệu quả cũng như hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị bệnh viêm tuyến nước bọt.

Triệu chứng của viêm tuyến nước bọt dễ nhầm lẫn với các tình trạng nhiễm trùng răng miệng khác, vì vậy bạn hãy nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để xác định chính xác tình trạng bệnh của mình.