Tứ chứng Fallot: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 18/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 12/01/2024
Tứ chứng Fallot: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Điều trị
Tứ chứng Fallot là dị tật tim bẩm sinh nghiêm trọng - Ảnh: BookingCare
Tứ chứng Fallot là gì? Trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh này được điều trị như thế nào? Có những lưu ý gì sau khi điều trị?

Tứ chứng Fallot chiếm tỷ lệ khoảng 7-10% các trường hợp tim bẩm sinh và là một trong những bệnh tim bẩm sinh thường gặp trong giai đoạn đầu đời của trẻ. Trẻ mắc phải tật tim này có bốn bất thường cấu trúc bao gồm: thông liên thất, tắc nghẽn đường thoát thất phải, động mạch chủ cưỡi ngựa và  phì đại thất phải.

Tứ chứng Fallot thường được chẩn đoán trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi sinh. Đối với thể nhẹ, tứ chứng Fallot có thể không được phát hiện hoặc chỉ được chẩn đoán cho đến khi trẻ lớn lên.

Vì trẻ mắc tứ chứng Fallot có thể cần phẫu thuật hoặc thực hiện các thủ thuật ngay sau khi sinh nên dị tật bẩm sinh này được coi là dị tật tim bẩm sinh nghiêm trọng. Bệnh nhi mắc phải tật tim này cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ suốt đời.

Nguyên nhân gây ra tứ chứng Fallot

Nguyên nhân gây ra dị tật tim bẩm sinh nói chung và tứ chứng Fallot nói riêng ở hầu hết trẻ sơ sinh vẫn chưa được biết rõ. Một số điều có thể làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra mắc tứ chứng Fallot như:

  • Do di truyền
  • Bị nhiễm virus rubella khi mang thai
  • Uống rượu khi mang thai
  • Dinh dưỡng kém khi mang thai
  • Hút thuốc khi mang thai
  • Tuổi mẹ lớn hơn 35
  • Hội chứng Down hoặc hội chứng DiGeorge ở trẻ.

Triệu chứng

Các triệu chứng của tứ chứng Fallot chủ yếu phụ thuộc vào lưu lượng máu lên phổi. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Da niêm tím
  • Chậm tăng trưởng
  • Khó thở và thở nhanh, đặc biệt là khi ăn bú hoặc khi tập thể dục
  • Dễ mệt mỏi khi chơi, tập thể dục hay hoạt động mạnh
  • Dễ cáu gắt
  • Quấy khóc kéo dài, thường xuyên
  • Ngất xỉu
  • Cơn tím: xảy ra đột ngột, cơn tím nghiêm trọng có thể gây tử vong

Điều trị tứ chứng Fallot

Phẫu thuật là phương pháp điều trị tứ chứng Fallot hiệu quả nhất. Thời gian và loại phẫu thuật cụ thể sẽ phụ thuộc vào thể trạng của trẻ và mức độ nặng của các bất thường cấu trúc tim.

Phương pháp phẫu thuật cho trẻ bị tứ chứng Fallot bắt buộc phải là phẫu thuật sửa chữa. Phẫu thuật thường được tiến hành ở tháng thứ 3-6 đầu đời, trong một số trường hợp sẽ tiến hành sớm hơn hoặc muộn hơn nếu cần thiết.

Một số trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có thể được chỉ định dùng thuốc trong thời gian chờ phẫu thuật nhằm cải thiện máu lưu thông từ tim đến phổi, giảm bớt tình trạng suy tim.

Các loại phẫu thuật để điều trị tứ chứng Fallot có thể bao gồm:

Phẫu thuật tạm thời: Một số trẻ mắc tứ chứng Fallot cần được phẫu thuật tạo cầu nối từ động mạch dưới đòn vào 1 nhánh của động mạch phổi để cải thiện lưu lượng máu đến phổi trong khi chờ đủ điều kiện phẫu thuật sửa chữa hoàn toàn.

Phẫu thuật tim hở: Trẻ mắc tứ chứng Fallot cần phẫu thuật tim hở để chữa lành hoàn toàn trái tim. Phẫu thuật hoàn toàn bao gồm đóng thông liên thất, cắt mô gây hẹp trong lòng tâm thất phải và mở rộng động mạch phổi.

Phẫu thuật để điều trị tứ chứng Fallot thường được thực hiện trong những năm đầu đời. Hiếm khi có trường hợp không được chẩn đoán và điều trị ngay sau sinh. Tuy nhiên, nếu chẩn đoán muộn, người mắc tứ chứng Fallot vẫn cần thực hiện phẫu thuật và phẫu thuật vẫn mang lại lợi ích lâu dài về sức khoẻ.

Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ hồi phục khoẻ mạnh sau phẫu thuật. Tuy nhiên, trẻ  sẽ cần tái khám thường xuyên với bác sĩ tim mạch để theo dõi tiến triển và kiểm tra các vấn đề khác có thể phát triển khi trẻ lớn lên. Thậm chí, có trường hợp khi trưởng thành có thể cần phẫu thuật hoặc chăm sóc y tế nhiều hơn khi xuất hiện biến chứng nghiêm trọng.

Lưu ý sau khi phẫu thuật tim

Sau khi điều trị tứ chứng Fallot, trẻ sẽ cần:

  • Hạn chế hoạt động thể thao và vận động mạnh không phù hợp: Tứ chứng Fallot là một vấn đề nghiêm trọng về tim, vì vậy tuỳ thuộc vào tình trạng sau phẫu thuật mà có thể trẻ cần hạn chế tập thể dục hoặc thể thao. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các môn thể thao và tần suất mà trẻ có thể tham gia để đảm bảo an toàn cho trẻ.
  • Hạn chế nguy cơ nhiễm trùng: Đôi khi, các vấn đề nghiêm trọng về tim có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở màng tim hoặc van tim. Nhiễm trùng này được gọi là viêm nội tâm mạc. Với trẻ sử dụng van tim cơ học, có thể cần dùng thuốc kháng sinh dự phòng khi thực hiện các thủ thuật về nha khoa. Ngoài ra, trẻ cần được vệ sinh răng miệng tốt và khám răng định kỳ để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Tứ chứng Fallot là bệnh tim bẩm sinh tím thường gặp nhất, hầu hết được phát hiện và điều trị ngay sau khi sinh. Trẻ mắc chứng bệnh này cần được phẫu thuật để điều trị triệt để. Mặc dù phẫu thuật có thể cải thiện đáng kể tình trạng bệnh nhưng trẻ cần được tái khám thường xuyên kể cả đến khi trưởng thành.