U cột sống có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa u cột sống
U cột sống có nguy hiểm không? Tìm hiểu cách phòng ngừa u cột sống
U cột sống có thực sự đáng sợ? - Ảnh: BookingCare

U cột sống có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa u cột sống

Tác giả: - Xuất bản: 02/04/2024 - Cập nhật lần cuối: 15/04/2024
U cột sống là bệnh lý thường gặp hiện nay, biểu hiện với triệu chứng đau điển hình (đau tăng dần theo thời gian, đau nhiều về đêm và khi lao động nhiều). Vậy u cột sống có nguy hiểm không? Cùng BookingCare tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

U cột sống có nguy hiểm không là băn khoăn của rất nhiều người hiện nay. Thực tế, dựa trên những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh đến sức khoẻ, u cột sống được đánh giá là một trong những bệnh lý nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Bệnh có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng, hay thậm chí đe dọa chính tính mạng của bạn. 

U cột sống là gì? 

U cột sống là tình trạng xuất hiện một khối mô bất bất thường ở cột sống, có thể bên trong hoặc quanh tuỷ sống. Đây là bệnh lý thường gặp trong cộng đồng và có thể gặp ở các vị trí như cột sống cổ, ngực và thắt lưng. Khối u cột sống có thể nguyên phát (bắt nguồn từ cột sống) hoặc thứ phát (bắt nguồn từ các vị trí khác trong cơ thể). 

Về triệu chứng u cột sống, bao gồm: 

  • Đau cột sống kéo dài và tăng dần theo thời gian. 
  • Đau nhiều về đêm đau ít đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường.
  • Tê bì, buốt, giảm/mất cảm giác các vùng mông và chân hoặc đau dọc từ cổ - lưng - mông rồi xuống tay và chân. 
  • Chức năng bàng quang và ruột bị ảnh hưởng (khó tiểu tiện, táo bón). 
  • Đi lại khó khăn, có thể té ngã.
  • Vẹo cột sống hoặc các bất thường khác liên quan đến cột sống. 

Các loại u cột sống thường gặp

Dựa vào vị trí khối u, u cột sống được phân thành 2 loại riêng biệt, gồm u nội tuỷ và ngoại tuỷ. Dưới đây là chi tiết đặc điểm của từng loại. 

U nội tuỷ 

U nội tuỷ là khối u phát triển bên trong tủy sống, có thể lan rộng trên nhiều đoạn tuỷ sống và ngăn cản dòng chảy của dịch não tủy trong tủy sống, từ đó tạo đường rò quanh khối u. Loại u này thường xuất hiện ở vị trí cột sống cổ, lành tính nhưng khá khó để phẫu thuật cắt bỏ. 

U ngoại tuỷ

Có 2 loại u ngoại tuỷ là u trong màng cứng và ngoài màng cứng.

  • U trong màng cứng: Là những khối u nằm trong màng cứng nhưng ngoài tủy sống, thường là u màng não, u xơ thần kinh, u bao sợi thần kinh hoặc u màng não thất cơ nhú. Dù là khối u lành tính, nhưng u trong màng cứng khó có thể cắt hết và khả năng cao sẽ tái phát nhiều lần. 
  • U ngoài màng cứng: Là những khối u nằm bên ngoài màng cứng và thường sẽ di căn. Các khối u này có thể bắt nguồn từ ung thư phổi, vú, tuyến tiền liệt, thận, tuyến giáp,...

Khác với u nội tuỷ, cả 2 loại u ngoại tuỷ này đều tác động bằng cách chèn ép tuỷ sống và rễ thần kinh, gây nên các triệu chứng u cột sống điển hình, chẳng hạn như đau, tê bì, mất cảm giác vùng mông, tay, chân,...

U cột sống có nguy hiểm không? 

U cột sống là tình trạng bệnh lý nguy hiểm cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để hạn chế tối đa những biến chứng không mong muốn cho sức khỏe người mắc. Ở cả các khối u không phải ung thư và ung thư đều có thể chèn ép dây thần kinh cột sống, làm giảm/mất cảm giác các vùng dưới vị trí của khối u. Tình trạng này đôi khi gây ra những ảnh hưởng trong chức năng ruột và bàng quang (điển hình là tình trạng khó tiểu tiện và táo bón).

Khối u cột sống, nếu để kéo dài hoặc điều trị không đúng cách, có thể làm hỏng xương cột sống, tăng nguy cơ gãy xương đột ngột. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày cũng như sức khỏe của người bệnh. Bởi lẽ đó, ngay khi xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ u cột sống, cần đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về phương pháp điều trị an toàn. 

Lưu ý, tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh giảm đau khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Vì như vậy sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khối u cũng như cản trở việc điều trị sau này. 

Những thói quen có thể giảm xuất hiện các khối u

Duy trì lối sống khoa học kết hợp dinh dưỡng lành mạnh là một trong những cách hay giúp phòng ngừa u cột sống hiệu quả.

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: Bữa ăn hàng ngày cần bảo đảm đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất dinh dưỡng, gồm tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Như vậy mới đáp ứng được nhu cầu cho hoạt động sống, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh và chống lại các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần cung cấp đủ nước cho cơ thể, trung bình khoảng 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày (khoảng 40ml/kg cân nặng/ngày). 
  • Thói quen sinh hoạt, học tập/làm việc: Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể dẻo dai và khoẻ khoắn hơn. Nên ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng quá mức. 
  • Khám sức khỏe định kỳ: Bên cạnh dinh dưỡng và lối sống, khám sức khỏe định kỳ là cần thiết giúp phát hiện sớm các dấu hiệu u cột sống. Từ đó, có phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả. 

Trên đây BookingCare đã giải đáp chi tiết câu hỏi u cột sống có nguy hiểm không. Hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này và có kế hoạch chăm sóc phù hợp cho bản thân hay những người thân. Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ u cột sống, cần đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết