U cột sống: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chẩn đoán
U cột sống
U cột sống phải làm sao? - Ảnh: BookingCare

U cột sống: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chẩn đoán

Tác giả: - Xuất bản: 17/06/2024 - Cập nhật lần cuối: 17/06/2024
U cột sống là tình trạng xuất hiện một khối mô bất thường ở trong cột sống, có thể trong tủy sống hoặc ống sống. Không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, khối u này còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khoẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

U cột sống là bệnh lý thường gặp hiện nay, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm yếu tố di truyền, suy giảm hệ miễn dịch và tiếp xúc với chất gây ung thư. Bệnh biểu hiện với triệu chứng đau điển hình khi về đêm hoặc lao động nhiều.

Cùng BookingCare tìm hiểu chi tiết về triệu chứng, nguyên nhân và cách chẩn đoán bệnh qua bài viết dưới đây. 

U cột sống là gì?

Như đã đề cập trước, u cột sống là tình trạng xuất hiện khối mô bất thường ở trong cột sống, có thể trong tủy sống hoặc ống sống. Dựa vào mô học, khối u này có thể nguyên phát hoặc thứ phát với khả năng lành tính và ác tính khác nhau.

  • U nguyên phát: Là khối u bắt nguồn từ cột sống, hay chính là kết quả của quá trình phát triển không kiểm soát các tế bào trong hệ thống mô của cột sống, bao gồm u màng ống nội tuỷ, u nguyên bào thần kinh, u lympho, u tế bào khổng lồ thân đốt sống,...
  • U thứ phát (u di căn): Là khối u bất thường do tế bào ung thư ở một cơ quan khác di căn đến cột sống, chẳng hạn như ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày - đại tràng,...

Triệu chứng u cột sống

Đau là triệu chứng điển hình của u cột sống, nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với các chấn thương cột sống, gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Vậy đau do có khối u cột sống có điểm gì khác so với các chấn thương thông thường?

Đau do khối u thường có những đặc điểm sau: 

  • Đau tăng dần theo thời gian. 
  • Cơn đau ngày càng rõ ràng và sắc nét. 
  • Đau nhiều và nghiêm trọng về ban đêm. 

U cột sống cũng đi kèm với các triệu chứng khác như: 

  • Tê bì, buốt, giảm/mất cảm giác các vùng như mông, chân hoặc đau dọc từ cổ - lưng - mông rồi xuống tay và chân. 
  • Teo cơ vai, cánh tay, mông hoặc chân. 
  • Chuột rút, yếu hoặc liệt tay chân, khó đi lại. 
  • Ngứa ran. 

Ngoài ra, ở một số trường hợp bệnh điển hình, có thể bao gồm những triệu chứng hiếm gặp sau: 

  • Rối loạn chức năng tình dục. 
  • Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột. 

U cột sống là bệnh lý nguy hiểm hiện nay, bởi vậy, ngay khi phát hiện các triệu chứng điển hình kể trên, người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa để sớm tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả. Kéo dài thời gian đau của bệnh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe. 

Nguyên nhân bị u cột sống 

Thực tế, cho đến nay, vẫn chưa có bất kể công bố chính thức nào về nguyên nhân dẫn đến u cột sống. Khối u được hình thành thường là do các yếu tố như di truyền, suy giảm hệ miễn dịch và tiếp xúc với chất sinh ung thư. 

  • Tiếp xúc với chất gây ung thư: Đây là tác nhân điển hình dẫn đến u cột sống trong cộng đồng hiện nay. Tiếp xúc với chất hoá học sinh ung thư có thể gây nên các rối loạn bộ máy di truyền tế bào và làm mất sự ổn định. Từ đó, hình thành các khối u khác biệt với các mô xung quanh. 
  • Suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh hoặc tự phát: Ở một vài trường hợp đặc biệt, u cột sống được chẩn đoán do suy giảm hệ miễn dịch.
  • Yếu tố di truyền: U cột sống có thể liên quan đến yếu tố di truyền.

Chẩn đoán u cột sống

Có thể chẩn đoán u cột sống bằng phim chụp MRI vùng tủy sống bị tổn thương. Các phương pháp khác như chụp cắt lớp vi tính CT và chụp tuỷ là lựa chọn thay thế giúp xác định vị trí khối u. Tuy nhiên, chúng thường cung cấp ít thông tin hơn so với chụp cộng hưởng từ MRI. 

Trong một vài trường hợp đặc biệt, chụp X-quang cột sống cũng sẽ được thực hiện vì nhiều lý do khác nhau. Phương pháp này sẽ cho thấy rõ tình trạng tiêu xương, gãy xương do chèn ép, tiêu cuống sống hoặc biến dạng mô cạnh sống. Ngoài ra, cũng có thể thực hiện xét nghiệm sinh thiết để chẩn đoán. 

  • Chụp cộng hưởng từ MRI (đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán u cột sống).
  • X-quang. 
  • Chụp cắt lớp vi tính CT.
  • Xét nghiệm máu. 
  • Xét nghiệm nước tiểu. 
  • Chụp động mạch. 
  • Điện não đồ EEG.

Trong một vài trường hợp bệnh điển hình khó phát hiện u cột sống, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm những xét nghiệm sau: 

  • MRI chức năng. 
  • Đo từ não. 
  • Sinh thiết mô. 

Phương pháp điều trị u cột sống

Phương pháp điều trị u cột sống sẽ tùy thuộc vào tình trạng và tính chất lành tính hay ác tính của khối u. Với các khối u lành tính, có thể được chỉ định theo dõi tích cực để bảo đảm khối u không phát triển quá lớn hoặc gây đau đớn và các triệu chứng khó chịu khác.

Ngược lại, với các khối u ác tính, có tốc độ phát triển nhanh chóng, phương pháp điều trị có thể bao gồm: 

  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u. 
  • Hoá trị. 
  • Xạ trị. 
  • Hoặc kết hợp phẫu thuật và xạ trị cùng lúc. 

Phòng tránh u cột sống

Thông qua điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thay đổi thói quen sinh hoạt và thăm khám định kỳ, chúng ta có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc u cột sống. 

  • Dinh dưỡng lành mạnh:
    • Bữa ăn cần bảo đảm đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất dinh dưỡng gồm tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng và duy trì sức khỏe ổn định.
    • Nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa chất kích thích, vì sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tế bào trong cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm.  
  • Thay đổi thói quen: Nên tập thể dục thường xuyên mỗi ngày để cơ thể dẻo dai và khoẻ khoắn hơn. 
  • Thăm khám định kỳ: Ngoài yếu tố dinh dưỡng và lối sống, thăm khám định kỳ cũng vô cùng quan trọng trong phòng tránh u cột sống. Nên duy trì thăm khám 3 - 6 tháng/lần để phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm, hỗ trợ điều trị hiệu quả và an toàn.

Trên đây BookingCare đã giúp bạn hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân và cách chẩn đoán u cột sống. Hy vọng có thể giúp các có cái nhìn tổng quan về bệnh lý nguy hiểm này, từ đó có kế hoạch chăm sóc phù hợp cho bản thân và những người thân.

Ngay khi xuất hiện các triệu chứng như đau, tê bì, mất cảm giác vùng mông, tay chân, khó đi lại,... hãy đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa để sớm tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.

Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc giảm đau khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ, bởi sẽ gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết