U não lành tính - Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Những điều cần biết về u não lành tính
Những điều cần biết về u não lành tính - Ảnh: BookingCare

U não lành tính - Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 25/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
U não lành tính là gì? Có nguy hiểm tới tính mạng hay không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về bệnh u não lành tính.

Khi được chẩn đoán mắc bệnh u não lành tính, nhiều người bệnh rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng. Mặc dù căn bệnh này ít nguy hiểm hơn u não ác tính nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. 

U não lành tính là gì?

U não lành tính là khối u phát triển chậm, không chứa tế bào ung thư và không di căn. Người bệnh có thể phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn khối u não lành tính, tránh trường hợp khối u chèn ép dây thần kinh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. 

Các loại u não lành tính:

  • U nguyên sống (U Chordoma): 

Là những khối u lành tính và gần như không gây nguy hiểm, phát triển chậm, phổ biến nhất ở những người từ 50 đến 60 tuổi. Vị trí phổ biến nhất của chúng là đáy hộp sọ và phần dưới của cột sống. Đây là những khối u hiếm gặp, chỉ chiếm 0,2% tổng số khối u não nguyên phát.

  • U sọ hầu (Craniopharyngioma): 

Là khối u thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, vị trí u gần đáy não. Loại u này thường khó loại bỏ vì chúng nằm gần các cấu trúc quan trọng sâu trong não của bạn, ví dụ trung khu điều khiển hô hấp, tim mạch.

  • U màng não:

Đây là loại u não nguyên phát phổ biến nhất. U màng não thường phát triển chậm. Chúng hình thành trong màng não, các lớp mô bảo vệ não và tủy sống. Trong một số ít trường hợp, u màng não có thể biến thành u ác tính.

  • U bao dây thần kinh Schwannoma :

Những khối u phát triển chậm này thường bắt đầu ở đáy hộp sọ và phần dưới cùng của cột sống. Chúng hầu hết đều lành tính. U Schwannoma thường di chuyển bên ngoài lớp vỏ bọc của dây thần kinh thay vì xâm lấn vào tế bào thần kinh nên nó là một khối u não lành tính. Khối u thường khởi phát trên dây thần kinh tiền đình - ốc tai  và còn được gọi là u tế bào Schwan .

  • U thần kinh đệm Glioma:

Đây là những khối u hiếm gặp hình thành trong tế bào thần kinh đệm. Thông thường, tế bào thần kinh giữ nhiệm vụ mang tín hiệu, trong khi đó tế bào thần kinh đệm đóng vai trò hỗ trợ, nuôi dưỡng và giữ cho các tế bào thần kinh trong não ở đúng vị trí cũng như hoạt động hiệu quả. Thực tế, trong não bộ có nhiều tế bào thần kinh đệm hơn tế bào thần kinh. Tế bào thần kinh đệm được phân thành nhiều loại khác nhau, bao gồm tế bào hình hạt, tế bào hình sao và tế bào đệm.

  • U tuyến yên:

Những khối u này hình thành trong tuyến yên, nằm ở đáy não. Tuyến yên của người bệnh tạo ra và kiểm soát các hormone trong cơ thể. U tuyến yên thường phát triển chậm và chúng có thể giải phóng hormone tuyến yên dư thừa.

  • U tuyến tùng:

U tuyến tùng thường phát triển chậm, ít tái phát và không di căn sau khi được cắt bỏ, chủ yếu xảy ra ở nhóm trung niên với độ tuổi trung bình mắc bệnh là 38.

Nguyên nhân xuất hiện u não lành tính

U não lành tính là u não nguyên phát hình thành từ chính não bộ hoặc trong các mô gần não như: Các màng bao bọc não (màng não), dây thần kinh sọ, tuyến yên hoặc tuyến tùng.

Các nhà nghiên cứu biết khối u não phát triển khi một số gen nhất định trên nhiễm sắc thể của tế bào bị tổn thương và không còn hoạt động bình thường, nhưng lý do cụ thể gây biến đổi gen vẫn chưa được xác định.

DNA trong nhiễm sắc thể cho các tế bào trên khắp cơ thể biết phải làm gì - điều khiển các tế bào nhận thức được khi nào nên phát triển, khi nào thì phân chia hoặc nhân lên hoặc khi nào thì chết.

Khi DNA của tế bào não thay đổi, nó sẽ cung cấp cho tế bào não của bạn những chỉ dẫn mới. Cơ thể người bệnh sẽ phát triển các tế bào não bất thường phát triển và nhân lên nhanh hơn bình thường và đôi khi sống lâu hơn bình thường. Khi điều đó xảy ra, số lượng tế bào bất thường ngày càng tăng sẽ chiếm lấy không gian trong não của bạn.

Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện u não lành tính:

  • Chủng tộc: Bệnh thường gặp ở người da trắng nhiều hơn so với những chủng tộc khác.
  • Tuổi: Nguy cơ mắc bệnh tăng lên theo độ tuổi, thường xảy ra ở người lớn tuổi, đặc biệt là ở ngoài tuổi 70. Tuy nhiên, u não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi
  • Tiền sử gia đình: Những người có tiền sử gia đình có người mắc bệnh u não hoặc tiền sử mắc các bệnh rối loạn di truyền nhiễm sắc thể.
  • Tiếp xúc với bức xạ: Những người làm việc trong môi trường phóng xạ, bị phơi nhiễm bức xạ gây ra bởi bom nguyên tử hay trị liệu phóng xạ để điều trị ung thư,… đều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất: Những người làm việc trong môi trường công nghiệp hóa chất sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Triệu chứng thường gặp của u não lành tính

Các triệu chứng của khối u não ở mức độ thấp hoặc lành tính phụ thuộc vào kích thước của nó và vị trí của nó trong não. Một số khối u phát triển chậm có thể không gây ra triệu chứng lúc đầu.

Khi các triệu chứng xảy ra, đó là do khối u não đang gây áp lực lên não hoặc ngăn cản một vùng não hoạt động bình thường.

 

  • Tăng áp lực lên não

 

Hộp sọ rất chắc chắn, nên việc có một khối hình thành và lớn dần sẽ đè ép các vùng còn lại, từ đó gây tăng áp lực lên não. Nếu khối u làm tăng áp lực bên trong hộp sọ, nó có thể dẫn đến các triệu chứng sau:

  • Bị động kinh (co giật), có thể là cơn động kinh toàn thể mất ý thức  hoặc co giật ở một vùng trên cơ thể
  • Đau đầu nghiêm trọng, dai dẳng
  • Khó chịu, buồn ngủ, thờ ơ hoặc hay quên
  • Nôn vọt , đôi khi xảy ra đột ngột và không có lý do rõ ràng. Nôn vọt thường bị vào lúc sáng, mới tỉnh dậy và đột ngột nôn mạnh mà chưa có thức ăn
  • Chóng mặt
  • Mất một phần thị lực hoặc thính giác
  • Ảo  giác
  • Thay đổi tính cách, bao gồm hành vi bất thường và không bình thường

Điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ nếu bạn bị đau đầu dai dẳng và dữ dội mà không có nguyên nhân rõ ràng, đặc biệt nếu bạn cũng bị nôn mửa bất ngờ.

 

  • Mất chức năng não

 

Các vùng khác nhau của não kiểm soát các chức năng khác nhau, do đó, việc mất chức năng não sẽ phụ thuộc vào vị trí của khối u. Ví dụ, một khối u ảnh hưởng đến:

  • Thùy trán - có thể gây ra những thay đổi về tính cách, yếu liệt  ở một bên cơ thể và mất khứu giác
  • Thùy đỉnh - có thể gây khó khăn khi nói, hiểu từ, viết, đọc, phối hợp một số cử động nhất định và cũng có thể bị tê ở một bên cơ thể
  • Thùy chẩm - có thể gây mất thị lực ở một bên
  • Thùy thái dương - có thể gây ra các cơn co giật hoặc ngất xỉu, cảm giác có mùi lạ và các vấn đề về lời nói và trí nhớ
  • Tiểu não - có thể gây mất phối hợp, đi lại và nói khó khăn, chớp mắt, nôn mửa và cứng cổ
  • Thân não - có thể gây mất thăng bằng và đi lại khó khăn, yếu cơ mặt, nhìn đôi và khó nói và nuốt.
  • Giao thoa thị: với u tuyến yên khi to dần, chèn ép vào giao thoa thị, khiến người bệnh bị mất nhìn 2 vùng 2 bên trái và phải (gọi là Bán manh thái dương)

Xét nghiệm chẩn đoán u não lành tính

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh u não lành tính rất giống với các bệnh lý thông thường khiến nhiều người nhầm lẫn, không phát hiện u não kịp thời dẫn đến nhiều rủi ro nguy hiểm.

Người bệnh chỉ có thể phát hiện ra bản thân có u não khi được các bác sĩ kiểm tra và sử dụng các thiết bị chụp chiếu đặc biệt. Dưới đây là một vài phương pháp chẩn đoán phổ biến:

  • Thực hiện các bài test thần kinh:

Các bài test này giúp kiểm tra các phần khác nhau trong não để xem chúng hoạt động như thế nào. Bài kiểm tra này có thể bao gồm kiểm tra thị lực, thính giác, thăng bằng, phối hợp, sức mạnh và phản xạ. 

Nếu người bệnh gặp một vài vấn đề nào đó, đây có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống thần kinh đang gặp vấn đề. Khám thần kinh không phát hiện được khối u não. Nhưng nó giúp bác sĩ hiểu được phần nào trong não của người bệnh có thể đang gặp vấn đề.

  • Chụp CT đầu:

Chụp cắt lớp vi tính, còn gọi là chụp CT, sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh. Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi và có kết quả nhanh chóng. 

Chụp CT thường là xét nghiệm hình ảnh đầu tiên được thực hiện nếu một người bị đau đầu hoặc các triệu chứng khác có nhiều nguyên nhân có thể xảy ra. Chụp CT có thể phát hiện các vấn đề trong và xung quanh não của bạn. 

Nếu kết quả chụp CT cho thấy trong não người bệnh có khối u, có thể bác sĩ sẽ chỉ định chụp MRI não.

  • Chụp cộng hưởng từ não (MRI não):

Phương pháp này sử dụng nam châm mạnh để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. MRI thường được sử dụng để phát hiện các khối u não vì nó cho thấy não rõ ràng hơn các phương tiện hình ảnh khác.

Thông thường, thuốc nhuộm sẽ được tiêm vào tĩnh mạch ở cánh tay trước khi chụp MRI. Thuốc nhuộm làm cho hình ảnh rõ ràng hơn. Điều này giúp dễ dàng nhìn thấy các khối u nhỏ hơn. Các bác sĩ dễ dàng thấy được sự khác biệt giữa khối u não và mô não khỏe mạnh.

  • Chụp PET não

Chụp cắt lớp phát xạ positron, còn gọi là chụp PET, có thể phát hiện một số khối u não. Chụp PET sử dụng chất đánh dấu phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch. Chất đánh dấu đi qua máu và gắn vào các tế bào khối u não. 

Chất đánh dấu làm cho các tế bào khối u nổi bật trên hình ảnh được chụp bằng máy PET. Các tế bào phân chia và nhân lên nhanh chóng sẽ chiếm nhiều chất đánh dấu hơn.

Các khối u não không phải là ung thư có xu hướng phát triển chậm hơn, do đó chụp PET ít hữu ích hơn đối với các khối u não lành tính. 

Điều trị u não lành tính

Hầu hết các khối u lành tính đều được cắt bỏ bằng phẫu thuật và thường không quay trở lại.

Trước khi đến bệnh viện để thảo luận về các lựa chọn điều trị, người bệnh có thể tham khảo trước danh sách những câu hỏi mà người bệnh muốn hỏi bác sĩ chuyên khoa. Ví dụ, người bệnh có thể muốn tìm hiểu những ưu điểm và nhược điểm của các phương pháp điều trị cụ thể.

Dưới đây là một vài phương pháp điều trị bệnh u não lành tính thường được các bác sĩ chỉ định:

  • Thuốc:

Người bệnh có thể được dùng thuốc để giúp điều trị các triệu chứng của khối u não trước hoặc sau phẫu thuật, bao gồm:

Thuốc chống co giật để ngăn ngừa co giật (cơn co giật)

Corticosteroid để giảm phù  xung quanh khối u.

  • Phẫu thuật cắt bỏ u não

Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt mà không làm tổn thương các mô xung quanh. Người bệnh sẽ được gây mê trong suốt quá trình phẫu thuật.

Một vùng da đầu của bạn sẽ bị cạo sạch. Một phần hộp sọ được cắt ra làm vạt để lộ não và khối u bên dưới. Điều này được gọi là phẫu thuật cắt sọ. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ khối u.

Hiện nay tại Việt Nam có phương pháp phẫu thuật nhờ vào Robot giúp định vị vị trí phẫu thuật u, để giảm thiểu tối đa thương tổn xung quanh u.

  • Xạ phẫu

Một số khối u nằm sâu bên trong não và rất khó để loại bỏ mà không làm tổn thương các mô xung quanh. Trong trường hợp như vậy, xạ phẫu có thể được sử dụng để loại bỏ khối u.

Trong quá trình xạ phẫu, một liều bức xạ năng lượng cao được tập trung vào khối u để tiêu diệt nó. Quá trình điều trị được hoàn thành trong một buổi, phục hồi nhanh chóng và thường không cần phải nằm viện qua đêm. Xạ phẫu chỉ được thực hiện ở một số trung tâm chuyên khoa  và chỉ phù hợp với một nhóm người được chọn, dựa trên đặc điểm của khối u của họ.

Đối với một số khối u ở đáy hộp sọ, bệnh nhân có thể được giới thiệu ra nước ngoài để xạ trị bằng proton chuyên dụng.

Một số khối u nằm sâu bên trong não và rất khó để loại bỏ mà không làm tổn thương các mô xung quanh. Trong trường hợp như vậy, xạ phẫu có thể được sử dụng để loại bỏ khối u.

  • Hóa trị và xạ trị

Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào khối u và có thể được dùng dưới dạng viên nén, thuốc tiêm hoặc thuốc nhỏ giọt. Xạ trị bao gồm liều bức xạ năng lượng cao được kiểm soát, thường là tia X, để tiêu diệt các tế bào khối u.

Tác dụng phụ của những phương pháp điều trị này có thể bao gồm mệt mỏi, đau đầu, rụng tóc, buồn nôn và đỏ da.

Chăm sóc người bệnh tại nhà sau phẫu thuật u não lành tính

Có chế độ ăn hợp lý

Người bệnh u não nên được bổ sung các loại thực phẩm bổ máu, bổ não hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ hồi phục. Người bệnh cần tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ về các loại thực phẩm nên ăn và không được sử dụng để có kết quả phẫu thuật tốt nhất.

Dưới đây là một số loại thực phẩm tốt cho người bệnh u não sau phẫu thuật:

  • Omega 3: Cá, dầu cá, đậu phụ, súp lơ, trứng
  • Protein: Thịt gà, thịt lợn, ruốc thịt, cá
  • Các món ăn mềm, nhỏ, dễ nhai và dễ nuốt
  • Bổ sung thêm vitamin, chất dinh dưỡng có trong sữa, táo, nước cam, cà chua, rau xanh

Không sử dụng các thực phẩm có chứa chất kích thích như thuốc lá, thức uống có ga, có cồn như rượu, bia,... hoặc để bệnh nhân tiếp xúc với khói thuốc lá.

Tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh

Người bệnh nên vận động nhẹ nhàng và đi lại càng sớm càng tốt khi được sự cho phép từ bác sĩ. Tránh trường hợp nằm lâu ngày gây đông máu ở chân, tê bì toàn thân,... điều này cũng giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn và hạn chế các biến chứng nguy hiểm sau phẩu thuật.

Không hoạt động quá mức, hạn chế sử dụng các loại thiết bị điện tử như: máy tính, điện thoại, tivi,... Thay vào đó, người bệnh có thể tập thiền, nghe nhạc, đọc sách, chơi cờ,...

Người nhà nên túc trực, chăm sóc cẩn thận nhất là những ngày đầu tiên sau khi phẫu thuật, hỗ trợ việc sinh hoạt hàng ngày, đồng thời theo dõi các bất thường xảy ra sau quá trình phẫu thuật.

U não lành tính tuy có thể trị khỏi hoàn toàn nhưng người bệnh không được chủ quan mà điều trị muộn màng. Ngay khi được chẩn đoán bệnh u não, người bệnh cần theo dõi sức khỏe thường xuyên, đi khám định kì và sử dụng các biện pháp điều trị ngay khi cần thiết.

 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết