Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1: triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 08/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 08/11/2023
Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1
Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 - Ảnh: BookingCare
Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là giai đoạn sớm nhất của ung thư cổ tử cung, khi khối u chỉ giới hạn trong cổ tử cung và chưa xâm lấn sang các mô lân cận hoặc các cơ quan khác.

Mặc dù là căn bệnh có thể phòng ngừa được nhưng ung thư cổ tử cung vẫn có tỷ lệ mắc và tử vong cao trên toàn thế giới. Ở giai đoạn đầu bệnh có khả năng chữa khỏi cao. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là giai đoạn sớm nhất của ung thư cổ tử cung, khi khối u chỉ nằm trong cổ tử cung và chưa xâm lấn sang các mô lân cận hoặc các cơ quan khác.

Triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn 1

Biểu hiện lâm sàng của ung thư cổ tử cung được đặc trưng bởi chảy máu âm đạo bất thường, chảy máu âm đạo sau giao hợp, dịch tiết âm đạo có mùi hôi. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng đặc hiệu.

Khi có bất kỳ triệu chứng nào bất thường chị em nên đến thăm khám với bác sĩ để tầm soát và phát hiện bệnh kịp thời.

Ở giai đoạn I, ung thư cổ tử cung được hình thành và phát hiện trong cổ tử cung. Giai đoạn này được chia thành giai đoạn IA và giai đoạn IB

Giai đoạn IA: Ung thư biểu mô xâm lấn chỉ có thể được chẩn đoán bằng kính hiển vi, với độ sâu xâm lấn tối đa 5 mm

  • Giai đoạn IA1: Độ xâm lấn mô đệm nhỏ hơn 3mm
  • Giai đoạn IA2: Độ xâm lấn mô đệm lớn hơn hoặc bằng 3mm và nhỏ hơn5mm

Giai đoạn IB: Ung thư biểu mô xâm lấn với độ xâm lấn mô đệm lớn hơn hoặc bằng 5mm (lớn hơn Giai đoạn IA); tổn thương giới hạn ở cổ tử cung với kích thước u được đo bằng đường kính khối u tối đa

  • Giai đoạn IB1: Ung thư biểu mô xâm lấn mô đệm lớn hơn hoặc bằng 5 mm và kích thước u nhỏ hơn 2 cm
  • Giai đoạn IB2: kích thước u lớn hơn hoặc bằng 2cm và nhỏ hơn 4cm
  • Giai đoạn IB3: Kích thước u lớn hơn hoặc bằng 4cm

Chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn I

Khám lâm sàng, soi cổ tử cung và xét nghiệm tế bào là những bước đầu để phát hiện tế bào ung thư cổ tử cung.

  • Soi cổ tử cung: Bác sĩ sẽ đưa mỏ vịt vào để bộc lộ âm đạo sau đó dùng máy soi cổ tử cung để quan sát cổ tử cung, phát hiện những vùng bất thường.
  • Sinh thiết: sinh thiết là lấy mẫu mô từ cổ tử cung để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh. Kết quả thu được từ sinh thiết giúp chẩn đoán xác định và quyết định điều trị bệnh.
  • Siêu âm: là biện pháp quan trọng để chẩn đoán giai đoạn ung thư cổ tử cung. Siêu âm giúp đánh giá độ xâm lấn. Siêu âm qua đường âm đạo hay đường trực tràng giúp đánh giá kích thước của tổn thương, dịch ổ bụng.
  • Xét nghiệm tế bào học (Pap test): lấy tế bào âm đạo của bệnh nhân ngoài kỳ kinh để phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư.
ung thư cổ tử cung giai đoạn 1
Thăm khám với bác sĩ định kỳ để phát hiện kịp thời ung thư cổ tử cung - Ảnh: freepik.com

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn I

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn IA 

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn IA1 bao gồm

  • Phẫu thuật cắt bằng dao lạnh, một thủ thuật bảo tồn khả năng sinh sản
  • Cắt bỏ toàn bộ tử cung kèm theo cắt bỏ buồng trứng hai bên, hoặc cắt bỏ tử cung không cắt bỏ buồng trứng hai bên đối với những bệnh nhân bị ung thư có nguy cơ tái phát cao

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn IA2 bao gồm

  • Phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung triệt để, phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản và cắt bỏ các hạch bạch huyết
  • Xạ trị áp sát, dành cho những bệnh nhân không thể phẫu thuật

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn IB

  • Xạ trị được thực hiện cùng lúc với hóa trị
  • Cắt bỏ tử cung triệt để và cắt bỏ các hạch bạch huyết vùng chậu
  • Phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung triệt để, một phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản
  • Xạ trị đơn thuần

Thăm khám với bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về đường sinh sản để phát hiện và điều trị sớm. Bên cạnh đó phụ nữ nên có kế hoạch thăm khám định kỳ 6 tháng đến 1 năm 1 lần để tầm soát ung thư cổ tử cung.