Vệ sinh tai như thế nào khi bị viêm tai ngoài
Vệ sinh tai như thế nào khi bị viêm tai ngoài
vệ sinh tai như thế nào khi bị viêm tai ngoài
Vệ sinh tai như thế nào khi bị viêm tai ngoài - Ảnh: Bookingcare

Vệ sinh tai như thế nào khi bị viêm tai ngoài

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 10/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 29/01/2024
Bài viết cung câp thông tin về cách vệ sinh tai đúng cách, hiệu quả khi bị viêm tài ngoài.

Viêm tai ngoài là tình trạng viêm cấp tính của ống tai thường do vi khuẩn gây nên, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người thường xuyên bơi lội tại những địa điểm không đảm bảo vệ sinh nguồn nước.

Viêm tai ngoài có thể tự khỏi bằng một số kỹ thuật tự chăm sóc vệ sinh tai đơn giản tại nhà. Một số cách tự chăm sóc tại nhà sẽ được giới thiệu dưới đây.

Vệ sinh tai như thế nào khi bị viêm tai ngoài

Vệ sinh tai luôn được nhắc đến như một điều cơ bản và dễ tiếp cận nhất cho những người không chuyên môn.

Điều này nên được chú trọng thường xuyên kể cả trước khi bị bệnh, nhất là đối với những người có nguy cơ cao bị viêm tai ngoài, thường xuyên tiếp xúc với môi trường có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm tai ngoài bởi điều này sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh cũng như tránh tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển.

Tuy nhiên, có những nguyên tắc và lưu ý bạn cần biết để việc vệ sinh tai đúng cách khi bị viêm tai ngoài tránh làm tình trạng bệnh trở nên nặng nề hơn:

  • Không đưa tăm bông, các vật sắc nhọn,... nhét sâu vào ống tai bởi chúng có thể làm ráy tai hay các dị vật bị đẩy sâu hơn gây bít tắc, nguy hiểm hơn là gây tổn thương màng nhĩ, chảy máu, nhiễm trùng…
  • Chỉ nên vệ sinh phần ngoài ống tai bằng tăm bông hoặc khăn mềm, không nên cho vào  quá sâu vì có thể khiến vi khuẩn đi từ ngoài vào.
  • Vệ sinh tai bằng nước ấm, dung dịch muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ tai theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng oxy già và các loại thuốc dân gian lưu truyền vì chúng có thể làm bong tróc lớp niêm mạc bảo vệ tai. 
  • Tai và mũi họng có đường thông thương với nhau nên cũng phải lưu ý việc kết hợp vệ sinh cả mũi họng để tránh vi khuẩn lây lan di chuyển lên tai.

Hướng dẫn vệ sinh chi tiết khi bị viêm tai ngoài

Phần ngoài ống tai:

  • Dùng tăm bông, gạc hoặc khăn mềm đã thấm nước ấm lau nhẹ vành tai để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và dịch mủ.
  • Sau đó dùng khăn mềm xoắn vòng nhẹ và lau phần trong ống tai để loại bỏ máu, chất nhầy và tế bào chết…, tuyệt đối không ngoáy sâu vào bên trong tai.

Phần trong ống tai:

  • Dùng một ống bơm nhỏ có nước ấm hoặc nước muối sinh lý nhỏ từ 3 – 4 giọt vào ống tai, sau đó xoa nhẹ vành tai để nước muối thẩm thấu vào niêm mạc tai, trong khoảng 5 – 10 giây thì nghiêng đầu để nước chảy ra ngoài, có thể lặp lại quá trình này đến khi thấy ống tai sạch và thông thoáng.
  • Cuối cùng, dùng khăn sạch lau khô tai, đảm bảo ráo nước. Với những trường hợp nghi ngờ thủng màng nhĩ nên khám và xin ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Phần mũi họng:

  • Súc họng, nhỏ mũi hàng ngày bằng nước muối pha loãng để giúp loại bỏ dịch nhầy và tế bào chết trong mũi và họng.
  • Sau đó, có thể sử dụng nước muối sinh lý chuyên dụng để nhỏ mũi điều này vừa làm sạch mũi vừa có các chất góp phần bảo vệ mũi và họng, ngăn chặn sự xâm nhập của nấm và vi khuẩn.

Cách phòng viêm tai ngoài 

Phòng ngừa viêm tai ngoài chủ yếu là tránh các tác nhân gây bệnh đặc biệt là những người hay đổ mồ hôi, thường xuyên bơi lội, bên cạnh đó cần điều trị các bệnh da liễu mạn tính nếu có.

Các biện pháp phòng ngừa viêm tai ngoài bao gồm:

  • Vệ sinh tai sạch sẽ, không sử dụng bông tai quá nhiều, bơi lội trong điều kiện sạch sẽ và giữ vệ sinh cho tai sau khi bơi.
  • Dùng dụng cụ bịt tai khi bơi lội để ngăn nước chui vào ống tai gây áp lực cho tai và tăng nguy cơ bị bệnh do tạo môi trường ẩm trong tai, nước vào cũng kéo theo vi khuẩn và các tác nhân khác. Bên cạnh đó, sau khi bơi, tắm xong nên nghiêng đầu sang một bên và kéo dái tai xuống để nước chảy ra ngoài, có thể kết hợp làm khô tai bằng máy sấy.
  • Tuyệt đối không được đưa các vật nhọn vào ống tai, chẳng hạn như lấy ráy bằng dụng cụ bằng kim loại.
  • Tránh dùng chung dụng cụ vệ sinh tai không đảm bảo vệ sinh.
  • Chú ý vệ sinh thiết bị tai nghe dạng nút, máy trợ thính tránh ẩm mốc và hạn chế dùng tai nghe kéo dài.
  • Không tự ý nhỏ vào tai bất cứ loại thuốc nào khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Giữ vệ sinh mũi họng thông thoáng cũng là một cách bảo vệ tai.

Việc vệ sinh tai kể cả khi bị hay chưa bị viêm tai ngoài là một điều cần thiết. Một số những can thiệp hoặc thủ thuật cần chuyên môn thì sẽ cần phải làm ở các cơ sở khám chữa bệnh nhưng cũng có những phương pháp rất đơn giản hoàn toàn có thể tự làm ở nhà. 

Hãy luôn lưu ý nếu bạn có ý định đưa một vật vào sâu trong tai, nếu không chắc chắn với những thao tác của mình, hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được hướng dẫn, tư vấn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết