Viêm tai ngoài là bệnh gì? Cách điều trị viêm tai ngoài
Viêm tai ngoài là bệnh gì? Cách điều trị viêm tai ngoài
Viêm tai ngoài thường do vi khuẩn hoặc do nấm
Viêm tai ngoài thường do vi khuẩn hoặc do nấm - Ảnh: ĐH Y khoa Vinh

Viêm tai ngoài là bệnh gì? Cách điều trị viêm tai ngoài

So với viêm tai giữa, viêm tai ngoài thường gặp nhưng ít trầm trọng hơn. Tuy nhiên, bệnh có thể gây khó chịu vì cảm giác ngứa, đau hoặc chảy mủ. Nếu viêm tai ngoài không điều trị kịp thời có thể lan đến viêm tai giữa và ảnh hưởng đến thính lực.

Viêm tai ngoài hay còn gọi là viêm khoang tai ngoài, thuộc chuyên khoa Tai Mũi Họng. Đây là nhiễm trùng lớp da mỏng ở khoang tai, thường là do vi khuẩn.

So với viêm tai giữa, viêm tai ngoài thường gặp và ít trầm trọng hơn. Tuy nhiên, bệnh có thể làm bạn khó chịu vì cảm giác ngứa, đau hoặc chảy mủ tai. Nếu viêm tai ngoài không điều trị kịp thời có thể lan đến tai giữa và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực.

Viêm tai ngoài là bệnh gì? Triệu chứng

Viêm tai ngoài là nhiễm trùng lớp da mỏng ở khoang tai, do vi khuẩn hoặc trong một số trường hợp hiếm có thể do nấm. Viêm tai ngoài thường xuất hiện vài ngày sau khi đi bơi và có thể cấp tính hoặc mạn tính. Viêm tai ngoài thường do những bệnh lý sau:

1. Nhọt ống tai ngoài

Là tình trạng viêm nhiễm khu trú ở một vị trí của ống tai ngoài, thường gặp một bên, hay gặp vào mùa hè và do tụ cầu khuẩn. Nguyên nhân có thể do ngoáy tai bằng vật cứng, bẩn, gây xước da ống hoặc do viêm ở nang lông hay tuyến bã.

Người bệnh sẽ cảm thấy đau tai, đau ngày càng tăng dữ dội, đau tăng khi nhai, ngáp, đau nhiều về đêm. Thường kèm theo ù tai nghe kém, có thể sưng tấy ở nắp tai hoặc sau. Sốt nhẹ hoặc sốt cao khi viêm tấy lan tỏa.

2. Viêm tấy lan tỏa ống tai ngoài

Là tình trạng viêm nhiễm lan tỏa khắp ống tai ngoài, thường gặp do bơi lội, tắm biển... Nếu không được điều trị sẽ thành mủ, da bị hoại tử gây sẹo chít hẹp hay sùi lấp ống tai ngoài.

Lúc đầu ngứa trong ống tai sau trở nên nóng, rát như bỏng, vài ngày sau đau dữ dội. Da ống tai nề đỏ, sau đó ống tai bị chít hẹp lại do sưng nề và ứ dịch vàng, có thể bong từng đám biểu bì trắng.

3. Viêm sụn vành tai 

Viêm sụn vành tai là tình trạng ứ thanh dịch giữa sụn và màng sụn hoặc viêm sụn hoại tử, nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chức năng của vành tai.

Ban đầu người bệnh chỉ thấy ngứa rát, hơi đau nơi bị xây xát (thường ở phần trên vành tai) sau đó có biểu hiện nóng, sưng, đỏ. Khi viêm tấy thành mủ đau tăng rõ, sưng ngày càng tăng, sờ nóng, làm mất các nếp sụn ở vành

Nếu không được xử trí tốt sụn bị hoại tử, sưng tấy hoá mủ và vỡ mủ làm cho vành tai bị co rúm ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.

4. Chàm ống tai (Eczema)

Chàm ống tai (eczema) là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Triệu chứng chàm ống tai:

  • Da vùng tai ngoài ngứa, mẩn đỏ, mọc các mụn phỏng nhỏ chứa dịch nhầy trong. Các mụn phỏng vỡ thành các vẩy màu nâu, mỏng phủ lên trên.
  • Nếu chàm khô: da ngứa, mẩm đỏ, dày lên, cũng có những mảnh biểu bì nhỏ đục hoặc xám nổi thành vảy dễ bong
  • Do ngứa nên trẻ thường hay gãi gây xây xước dễ bị nhiễm khuẩn tạo thành chàm nhiễm khuẩn với những mụn loét nhỏ, nóng, có mủ
  • Trên bề mặt có vẩy nâu cứng có thể gây viêm tấy rộng cả tổ chức dưới da vùng sau tai, thái dương.

Để biết chính xác tình trạng của mình như thế nào, mức độ nghiêm trọng ra sao, người bệnh cần thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng

Cấu trúc tai ngoài và tai giữa
Cấu trúc tai - Ảnh: SKĐS

Nguyên nhân gây viêm tai ngoài

Có nhiều nguyên nhân khiến ống tai ngoài bị viêm nhiễm, chủ yếu là do vị trí của ống tai dễ tiếp xúc với bên ngoài nên dễ dàng bị vi khuẩn tấn công. Những nguyên nhân tác động có thể kể đến như:

  • Bơi lội, tắm rửa tại những khu vực có nguồn nước không đảm bảo an toàn, sạch sẽ, tích tụ nhiều vi khuẩn có thể tấn công đến ống tai, đặc biệt là khi bên trong ống tai bị xước, gây viêm nhiễm.
  • Do bề mặt tiếp xúc với bên ngoài, ống tai cũng có thể bị dính các loại hóa chất có trong keo xịt tóc khi làm tóc, hóa chất bắn vào tai, kết hợp những chất lỏng có trong tai khác gây nên nguyên nhân gây bệnh.
  • Sử dụng tai nghe không được vệ sinh sạch sẽ, đồng nghĩa với việc đưa vi khuẩn vào thẳng chính tai của mình.
  • Vệ sinh tai, ống tai bên trong không đúng cách khiến tai bị nhiễm khuẩn.
  • Đưa các vật thể lạ vào bên trong tai như: tăm bông, dụng cụ lấy ráy tai làm trầy xước và vi khuẩn từ ráy tai theo đó xâm nhập vào gây ra bệnh viêm ống tai ngoài.

Cách điều trị viêm tai ngoài

Khi có những triệu chứng viêm tai ngoài, người bệnh cần đi khám hoặc tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng. Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm tai ngoài bằng cách soi tai, lấy mẫu thử của mủ trong tai để xét nghiệm tìm loại vi khuẩn hoặc nấm đã gây ra nhiễm trùng.

Điều trị viêm tai ngoài cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh sẽ cần phải sử dụng thuốc nhỏ chứa kháng sinh trong 10 - 14 ngày.

Phương pháp điều trị khác:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh nếu bị nhiễm trùng tai giữa hoặc nhiễm trùng lan rộng
  • Sử dụng corticosteroid giảm viêm
  • Các loại thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol) hay ibuprofen (Advil, Motrin)
  • Chườm nước ấm có thể giúp giảm những cơn đau nhẹ
  • Không được để ướt khoang tai trong vòng 1 tuần sau khi tất cả triệu chứng đã biến mất.

Những người bị viêm tai ngoài mãn tính có thể cần điều trị lâu dài hoặc tái khám thường xuyên để tránh các biến chứng ảnh hưởng đến sức nghe về sau. 

Phòng tránh tái phát viêm tai ngoài

Các biện pháp phòng bệnh viêm tai ngoài gồm:

  • Sau khi tắm hay bơi lội dưới nước, nên dùng máy sấy tóc thổi khô nước ở trong ống tai
  • Nhỏ thuốc sát khuẩn vào tai
  • Tránh dùng tăm bông ngoáy tai gây trầy xước ống tai
  • Khi cần, nên nhờ bác sĩ rửa ống tai và giúp lấy ráy tai
  • Không bơi ở ao, hồ bị ô nhiễm
  • Khi có biểu hiện nghi ngờ, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để được khám và điều trị
  • Tuyệt đối không tự ý cho thuốc bột vào ống tai...

Những người đang bị viêm tai ngoài cấp tính nên tránh bơi lội hoặc hoạt động dưới nước cho đến khi điều trị khỏi... Cần đi khám hoặc tư vấn với bác sĩ Tai Mũi Họng khi có triệu chứng viêm tai ngoài để được hướng dẫn điều trị ngay từ giai đoạn đầu. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare