Viêm amidan mủ ở trẻ em: Triệu chứng, điều trị như thế nào?
Viêm amidan mủ ở trẻ em điều trị như thế nào?
Viêm amidan mủ ở trẻ em điều trị như thế nào?

Viêm amidan mủ ở trẻ em: Triệu chứng, điều trị như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 08/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 08/12/2023
Viêm amidan mủ ở trẻ em liệu có nguy hiểm không? Được điều trị như thế nào hiệu quả là mối quan tâm của nhiều cha mẹ. Nội dung dưới đây sẽ giải đáp thông tin này.

Viêm amidan mủ là tình trạng viêm amidan do nhiễm vi khuẩn có xuất hiện mủ. Bệnh thường xảy ra ở trẻ có độ tuổi từ 5-15 tuổi.

Viêm amidan mủ ở trẻ em có nguy hiểm không?

Viêm amidan mủ thường không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được được trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Do đó, cha mẹ nên cho trẻ đi khám khi có các triệu chứng của bệnh để điều trị sớm.

Viêm amidan hốc mủ có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Biến chứng tại chỗ: Áp xe quanh amidan, làm cho bệnh nhi sốt cao, khó ăn, khó nuốt, không há miệng được, đau lan lên lỗ tai. Có nguy cơ trở thành nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng toàn thân) gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Biến chứng xa: Vi trùng sinh mủ gây viêm amidan sẽ đồng thời gây viêm cầu thận, viêm khớp và viêm cơ tim. 

Nguyên nhân viêm amidan mủ ở trẻ em

Viêm amidan mủ ở trẻ em do vi liên cầu trùng tiêu huyết bêta nhóm A gây ra. Vi khuẩn này có ở mặt ở vùng mũi họng, nhưng không gây bệnh. Chỉ gây bệnh khi mất cần bằng vi khuẩn tại chỗ, như vệ sinh răng miệng kém, uống nước đá lạnh nhiều, ăn đồ ăn quá nóng, nhiều chất chiên xào nhiều dầu mỡ, hoặc do trào ngược axit  trong dạ dày lên họng.

Vi khuẩn này cũng có thể từ bên ngoài vào như từ thức ăn kém vệ sinh, từ dịch tiết của người đang mắc bệnh, lây qua tiếp xúc như bắt tay, tay nắm cửa, vật dụng trong nhà, đồ chơi.

Bệnh thường gặp vào mùa Đông và mùa Xuân.

Triệu chứng viêm amidan mủ ở trẻ

Với viêm amidan hốc mủ, thông thường trẻ sẽ có đầy đủ triệu chứng của viêm amidan cấp và kèm theo amidan có các chấm mủ:

  • Sốt cao, đau họng, đôi khi cơn đau họng lan đến tai.
  • Tiết nhiều nước bọt do không nuốt được.
  • Khó nuốt, nuốt vướng hoặc không nuốt được.
  • Xuất hiện các hạch ở dưới hàm hoặc ở cổ. 
  • Có thể nhìn thấy nhiều đốm mủ hoặc 1 lớp mủ trắng trên bề mặt amidan.
viêm amidan hốc mủ
Viêm amidan hốc mủ với đốm trắng trong họng - Ảnh: suckhoedoisong.vn

Điều trị viêm amidan mủ ở trẻ em

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử của bệnh nhi, khám kỹ họng, ami đan, hoặc có thể cho làm thêm xét nghiệm máu cần thiết để đưa ra phương án điều trị phù hợp:

  • Điều trị nội khoa bao gồm: Sử dụng thuốc kháng sinh để diệt vi trùng, sử dụng thuốc kháng viêm để giảm bớt phù nề, sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt để làm giảm triệu chứng bệnh. Lưu ý rằng cha mẹ cần cho trẻ dùng đủ liều kháng sinh theo toa bác sĩ để tránh trường hợp kháng thuốc. Bên cạnh đó tái khám với bác sĩ theo hẹn để được kiểm tra hiệu quả của loại thuốc đang sử dụng.
  • Phẫu thuật cắt amidan có thể được chỉ định trong trường hợp viêm tái lại nhiều lần trong năm (từ 5-7 lần/năm) và ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ.

Ngoài ra, một số biện pháp kết hợp khác mà cha mẹ có thể thực hiện cho trẻ để giảm sự khó chịu khi mắc viêm amidan hốc mủ:

  • Vệ sinh amidan, họng bằng cách súc họng các loại dung dịch súc họng, nước muối sinh lý với trẻ đã biết súc miệng họng.
  • Hạn chế cho trẻ đến nơi đông người, không khí ô nhiễm sẽ làm tình trạng viêm amidan nặng thêm.
  • Cho trẻ uống nhiều nước ấm để duy trì độ ẩm của họng, ngoài nước có thể thay thế bằng sữa, nước hoa quả.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và giữ vệ sinh môi trường sống.

Cách phòng tránh viêm amidan hốc mủ ở trẻ

Những trẻ trong độ tuổi đi học rất dễ bị các bệnh viêm đường hô hấp trong đó có bệnh viêm amidan. 

Vì vậy, để phòng tránh viêm amidan nói chung và viêm amidan mủ nói riêng cho trẻ, cha mẹ cần giáo dục trẻ giữ gìn vệ sinh chân tay, tránh tiếp xúc với các bạn đang mắc bệnh, đồng thời khi mắc bệnh nên nghỉ ở nhà để tránh lây nhiễm cho các bạn khác. 

Cha mẹ cũng hướng cho con có  các hoạt động tăng cường sức khỏe, và đưa con đi thăm khám ngay với bác sĩ khi có những dấu hiệu viêm amidan để tránh bệnh chuyển nặng.

Một số chế độ ăn uống sinh hoạt nhằm nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ để phòng tránh bệnh đường hô hấp nói chung và viêm amidan mủ nói riêng bao gồm:

  • Ăn đồ ăn có nhiều dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất.
  • Thường xuyên cho trẻ vận động ngoài trời để tăng cường sự thích nghi với thời tiết và tăng cường sự tổng hợp vitamin D tốt cho hệ miễn dịch.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, môi trường sống. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá.
  • Hướng dẫn và tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng cho trẻ để trẻ duy trì và thực hiện thói quen này khi ở trường.
  • Hướng dẫn và vệ sinh răng miệng cho trẻ thường xuyên.

Viêm amidan mủ ở trẻ em hoàn toàn có thể được dự phòng và điều trị hiệu quả. Cha mẹ có thể tham khảo những chia sẻ và lưu ý trong nội dung trên đây cho trẻ.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết