Viêm Amidan ở trẻ: Triệu chứng, nguyên nhân và những điều cần lưu ý
Viêm amidan: triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị
Viêm amidan là bệnh lý thường gặp ở trẻ em - Ảnh: BookingCare

Viêm Amidan ở trẻ: Triệu chứng, nguyên nhân và những điều cần lưu ý

Tác giả: - Xuất bản: 05/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 05/11/2023
Viêm amidan là một trong những bệnh viêm đường hô hấp trên phổ biến ở trẻ. Vậy viêm amidan nên điều trị như thế nào, cha mẹ cần làm gì để phòng tránh cho trẻ?

Viêm Amidan là một trong những bệnh viêm đường hô hấp phổ biến thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong thời điểm thời tiết giao mùa.

Viêm amidan là gì?

Amidan là hai hạch bạch huyết ở mỗi bên phía sau cổ họng. Chúng hoạt động như một cơ chế bảo vệ và giúp cơ thể không bị nhiễm trùng. Nhiễm virus hoặc vi khuẩn có thể gây viêm amidan, dẫn đến đau họng và các triệu chứng khác.

Viêm amidan có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng bệnh phổ biến ở trẻ em từ độ tuổi mẫu giáo đến tuổi thiếu niên, thông thường nhiều nhất từ 5-15 tuổi. Các triệu chứng bao gồm đau họng, sưng amidan và sốt. Nó có thể xảy ra thỉnh thoảng hoặc tái diễn nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn.

Viêm amidan được chia thành 3 loại:

  • Viêm amidan cấp tính: Triệu chứng thường kéo dài 3 hoặc 4 ngày nhưng cũng có thể kéo dài đến 2 tuần.
  • Viêm amidan tái phát: Đây là khi bị viêm amidan nhiều lần trong một năm.
  • Viêm amidan mãn tính: Amidan bị nhiễm trùng lâu dài.

Nguyên nhân mắc viêm amidan ở trẻ em

Amidan giúp tiêu diệt vi khuẩn và vi rút xâm nhập vào cơ thể qua miệng và mũi. Tuy nhiên, amidan cũng dễ bị nhiễm trùng từ chính các mầm bệnh này.

Nguyên nhân mắc viêm amidan được chia làm 2 nhóm chính là do vi khuẩn hoặc virus. Trong đó, phần lớn các trường hợp viêm amidan là do virus gây ra, còn lại khoảng 5-40% được cho là do vi khuẩn.

Thông thường, một số điều kiện thuận lợi gây ra tình trạng viêm amidan như:

  • Yếu tố vệ sinh: Sử dụng thực phẩm không đảm bảo, khoang miệng không được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên,... 
  • Môi trường ô nhiễm
  • Thời tiết thay đổi đột ngột
  • Có dị tật ở cổ họng hay amidan

Bên cạnh đó, khi trẻ em đi học, thời gian tiếp xúc với các trẻ mắc bệnh nhiều nên có nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng, dẫn đến viêm amidan.

Triệu chứng viêm Amidan

Các triệu chứng có thể của viêm amidan ở trẻ bao gồm:

  • Cổ họng rất đau
  • Khó khăn hoặc đau khi nuốt
  • Khàn giọng
  • Hơi thở có mùi hôi
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đau tai
  • Đau bụng
  • Đau đầu
  • Đau hàm và cổ do sưng hạch bạch huyết
  • Amidan xuất hiện những đốm đỏ và sưng lên
  • Amidan có đốm trắng hoặc vàng

Ngoài ra ở trẻ nhỏ, cũng có thể nhận thấy trẻ dễ cáu kỉnh hơn, kém ăn hoặc chảy nước dãi quá nhiều.

Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị viêm amidan tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:

  • Nếu viêm amidan do virus, việc điều trị sẽ tập trung vào việc giảm đau và hạ sốt bằng thuốc giảm đau, hạ sốt.
  • Ngược lại, viêm amidan do vi khuẩn thường được điều trị bằng kháng sinh. Các triệu chứng viêm amidan thường thuyên giảm trong vòng vài giờ sau khi bắt đầu điều trị. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ kê kháng sinh phù hợp. Điều quan trọng là cần đảm bảo trẻ hoàn thành toàn bộ đợt kháng sinh. Ngay cả khi các triệu chứng dường như đã được giải quyết hoàn toàn, tình trạng nhiễm trùng có thể trở nên nặng hơn nếu trẻ không dùng đúng và đủ liều. Cha mẹ nên đưa trẻ tái khám đúng hẹn để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị, đảm bảo trẻ không mắc phải các biến chứng nặng cũng như tác dụng phụ không mong muốn của thuốc.

Cắt amidan

Cắt amidan được khuyến nghị trong trường hợp viêm amidan mãn tính hoặc tái phát đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Phẫu thuật cắt amidan có thể làm giảm nguy cơ phát triển viêm amidan, nhưng trẻ vẫn có thể bị viêm họng và các bệnh nhiễm trùng cổ họng khác sau khi phẫu thuật. Amidan cũng có thể mọc lại sau phẫu thuật, nhưng trường hợp này là rất hiếm.

Hiện nay phẫu thuật cắt amidan được thực hiện nhanh chóng và an toàn bằng các phương pháp hiện đại như cắt với dao plasma/coblator.

Cách chăm sóc hiệu quả cho trẻ tại nhà

Một số biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà dưới đây làm giảm đáng kể các triệu chứng của viêm amidan. Thông thường nếu viêm amidan do virus, các triệu chứng sẽ giảm đáng kể sau 7-10 ngày. 

  • Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi hoặc ngủ nhiều hơn bình thường.
  • Cho trẻ uống nhiều nước để giữ ẩm cho cổ họng và ngăn ngừa tình trạng mất nước. Nên dùng nước ấm, có thể thay bằng trà không chứa caffein hoặc mật ong pha loãng có thể làm dịu cơn đau họng. Nên dùng nước ấm, đối với trẻ trên 1 tuổi, có thể sử dụng mật ong pha loãng giúp làm giảm triệu chứng đau họng.
  • Nếu trẻ đã biết súc miệng, hãy cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí để loại bỏ không khí khô có thể gây kích ứng thêm cho cơn đau họng.
  • Trẻ trên 4 tuổi có thể ngậm viên ngậm để giảm đau họng, thường là các viêm ngậm gây tê họng hoặc dùng thuốc xịt họng có chứa benzocain
  • Giữ cho môi trường sống không có khói thuốc lá và các sản phẩm tẩy rửa có thể gây kích ứng cổ họng.
  • Hạ sốt khi trẻ có biểu hiện sốt cao trên 38.5 độ C.

Lưu ý: Trừ khi bác sĩ kê aspirin để điều trị một căn bệnh cụ thể, trẻ em và thanh thiếu niên không nên dùng aspirin. Việc trẻ em sử dụng aspirin để điều trị các triệu chứng của bệnh cảm lạnh hoặc cúm có liên quan đến hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng.

Nên làm gì để phòng tránh mắc viêm Amidan ở trẻ?

Cha mẹ có thể có một số biện pháp dưới đây để phòng tránh bị viêm amidan cho trẻ:

  • Rửa tay thường xuyên.
  • Tránh tiếp xúc gần với những người có triệu chứng viêm amidan nói riêng hoặc các bệnh viêm đường hô hấp nói riêng.
  • Tránh hút thuốc và hút thuốc thụ động.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ.
  • Không dùng chung đồ ăn, đồ uống, đồ dùng hoặc vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn mặt,...
  • Nên giảm dần hoặc ngưng cữ sữa đêm không cần thiết để tránh tình trạng trào ngược dạ dày thực quản làm amidan bị viêm tái phát nhiều lần. Tốt nhất nên ngưng ăn uống ít nhất 2 tiếng trước thời điểm trẻ đi ngủ.
  • Khi trẻ có dấu hiệu mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, nên đưa trẻ đến khám với bác sĩ Nhi khoa hoặc bác sĩ Tai mũi họng để được thăm khám và hướng dẫn cách điều trị phù hợp. Hạn chế tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn.
  • Cho trẻ vận động ngoài trời phù hợp với thời tiết để nâng cao sức đề kháng và để trẻ thích ứng với sự thay đổi thời tiết.
  • Tiêm phòng vaccin cho trẻ đầy đủ.

Viêm amidan là bệnh lý nhiều trẻ em mắc phải, đặc biệt vào thời điểm thời tiết giao mùa. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp cha mẹ có thông tin về cách điều trị phù hợp cho trẻ cũng như một số phương pháp dự phòng hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết