Viêm cân gan chân - Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hình ảnh minh họa người bệnh viêm cân gan chân
Hình ảnh minh họa người bệnh viêm cân gan chân - Nguồn: BookingCare

Viêm cân gan chân - Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 29/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 29/03/2024
Viêm cân gan chân là tình trạng viêm sưng, rách hay tổn thương tại vị trí bám cân gan chân ở xương gót. Khi di chuyển sẽ gây đau nhức và khó khăn cho người bệnh. 

“Cân gan” bàn chân là một dải cơ nằm ở chỏm xương bàn chân kéo dài đến gót chân. Bộ phận này giúp chân có độ cong nhất định và phân phối đều trọng lực từ cơ thể hoặc những chuyển động khác lên bàn chân. Khi bị viêm cân gan chân, đồng nghĩa với việc dải cân bị tổn thương và gây đau đớn, khó khăn cho người bệnh.

Đây là bệnh có thể tự khỏi nếu được can thiệp và xử trí sớm và đôi khi cần các phương pháp điều trị bổ trợ như sử dụng thuốc giảm đau giảm viêm không steroid (NSAIDs), nẹp, phẫu thuật hay vật lý trị liệu,…

Nguyên nhân gây bệnh viêm cân gan chân

Nguyên nhân gây ra viêm cân gan chân hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Nhiều tác giả cho rằng, cơ chế thường gặp nhất gây ra viêm cân gan chân chủ yếu là do bàn chân hoạt động quá mức và lặp đi lặp lại tạo ra những vết rách nhỏ ở cân gan chân và gây ra biểu hiện của bệnh. 

Ngoài ra, trên các bệnh nhân có dị dạng “bàn chân bẹt”, hay bàn chân phẳng (Pes Planus) - một dị dạng tương đối phổ biến ở chân cũng thường gặp viêm cân gan chân.

Dị dạng này làm tăng nguy cơ mắc bệnh do chúng làm mất vòm dọc giữa của bàn chân và gây khó khăn và thay đổi sinh cơ học trong quá trình đi lại - là cơ chế gây ra viêm cân gan chân trên những người bệnh này.

Các yếu tố nguy cơ khác: 

  • Tuổi tác: Những người có độ tuổi từ 40 - 60 có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn. Bệnh cũng xuất hiện nhiều hơn ở nam giới.
  • Bệnh béo phì: Khi trọng lực cơ thể quá lớn, toàn bộ cơ thể sẽ gây áp lực lên bàn chân, khiến cái dải cơ ở bàn chân cũng bị ảnh hưởng
  • Teo đệm gót chân
  • Tập thể dục sai cách: chạy bộ hoặc các hoạt động khác phải cử động chân ở cường độ cao khiến cơ thể phản tác dụng. 
  • Nghề nghiệp đòi hỏi phải đứng lâu và chịu trọng lượng

Ngoài ra, mang giày không đủ độ êm với tần suất cao cũng là một tác nhân đáng kể.

Triệu chứng bệnh viêm cân gan chân 

Người bệnh sẽ cảm nhận được như những dấu hiệu sau:

  • Xuất hiện cơn đau từ dưới lòng bàn chân và cả bên trong.
  • Đau dữ dội sau khi đặt chân xuống đất vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
  • Đau âm ỉ khi đứng hoặc ngồi một tư thế quá lâu.
  • Đau khi duỗi thẳng bàn chân hết cỡ.
  • Cơn đau có thể giảm khi người bệnh bắt đầu một hoạt động thể thao hay di chuyển nhưng sẽ đau trở lại vào cuối ngày.

Một số bệnh khác có triệu chứng gây đau gót chân nhưng không phải viêm cân gan chân: 

  • Đau nhói gót chân, đặc biệt là lúc tháo giày và biểu hiện sưng, khả năng cao là viêm túi thanh dịch xương gót
  • Đau cấp tính, nặng ở phần sau xương gót, đỏ và nóng, đau nhiều về đêm và thưởng khởi phát sau khi uống rượu, ăn đồ ăn nhiều đạm, đôi khi tự hết sau 2 - 3 ngày, đây có thể là dấu hiệu của gút
  • Đau từ thắt lưng lan xuống gót chân có thể là do bệnh lý của cột sống thắt lưng có chèn ép thần kinh cảm giác, gây nên hiện tượng này.

Chẩn đoán bệnh viêm cân gan chân 

Để chẩn đoán viêm cân gan chân, người bệnh được thực hiện các phương pháp sau: 

  • Ấn vào xương gót bàn chân: Người bệnh sẽ cảm thấy đau ngay tại điểm viêm cân gan chân và đau dọc theo dải cơ khi dùng ngón tay cái ấn mạnh vào xương gót bàn chân 
  • Chụp X-quang: Việc chụp X-quang sẽ cho thấy những vết nứt, rách, gai xương tại các dải cơ (tuy nhiên, biểu hiện “gai xương” không phải lúc nào cũng được chẩn đoán là mắc Viêm cân gan chân) 
  • Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ bằng kỹ thuật tạo hình lớp cắt): Phương pháp này được sử dụng khi có dấu hiệu nghi ngờ rách cân gan chân cấp tính.

Điều trị bệnh viêm cân gan chân 

Chườm lạnh

Đây là một trong các biện pháp giảm viêm an toàn và khá hiệu quả, nhất là trong giai đoạn đầu và giai đoạn viêm cấp của bệnh. Người bệnh hoàn toàn có thể tự chườm lạnh ở nhà để giảm thiểu cơn đau ban đầu.

Cần lưu ý chườm đúng cách và không sử dụng đá lạnh tiếp xúc trực tiếp vào gót chân vì có thể gây ra bỏng lạnh và làm trầm trọng thêm vấn đề.

Sử dụng thuốc

Việc sử dụng các thuốc giảm đau, giảm viêm không steroid là một trong các biện pháp điều trị hiệu quả, nhất là trong các trường hợp viêm cấp. Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc chống viêm không Steroid dạng uống hoặc bôi tại chỗ. Thuốc có tác dụng phụ lên dạ dày, chức năng gan, thận nên cần thận trọng và có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Nẹp, đệm lót hoặc các dụng cụ chỉnh hình

Người bệnh sẽ được đeo nẹp chỉnh hình để cố định các cơ và phân bố đều trọng lực lên chân khi chuyển động. Ngoài ra có thể đệm lót vào giày để tạo độ êm và độ cao, giúp chân có độ cong.

Kiểm soát và điều chỉnh cân nặng

Như đã nói ở trên, bệnh béo phì là một trong những tác nhân gây bệnh do bàn chân phải chịu trọng lực quá lớn từ cơ thể. Vì vậy cân nặng ở mức vừa phải sẽ phần nào cải thiện tình trạng bệnh.

Tiêm cân gan chân

Tiêm cân gan chân là một trong các biện pháp điều trị nhanh, hiệu quả và an toàn để điều trị viêm cân gan chân.

Có nhiều hoạt chất có thể được sử dụng để tiêm bao gồm: Corticoid (Thuốc giảm đau, giảm viêm mạnh), Collagen, HA và huyết tương giàu tiểu cầu. Tùy mức độ và thể bệnh, bác sĩ có thể lựa chọn hoạt chất phù hợp cho người bệnh.

Mặc dù an toàn nhưng biện pháp này vẫn tồn tại một số rủi ro liên quan đến kỹ thuật thực hiện như nhiễm trùng, tiêm sai vị trí,… nên người bệnh cần đến các cơ sở y tế có chuyên môn cao và uy tín để thực hiện thủ thuật này.

Liệu pháp PRP (huyết tương giàu tiểu cầu)

Ở liệu pháp này, máu của người bệnh (huyết tương giàu tiểu cầu) sẽ được dùng để cung cấp chất dinh dưỡng và tế bào giàu tiềm năng, giúp phục hồi những tổn thương do viêm cân gan chân gây ra.

Liệu pháp này được cho là rất an toàn do lấy chính máu của người bệnh để điều trị, giảm khả năng lây nhiễm hay cơ thể không đáp ứng. 

Liệu pháp sóng xung kích

Đây là liệu pháp cho cơ thể tác động với sóng âm có áp lực cao và rộng. Sóng xung kích là một liệu pháp an toàn, không xâm lấn, giúp kích thích sự chuyển hóa và tăng cường tuần hoàn máu, hỗ trợ tái tạo mô tổn thương và thúc đẩy nhanh quá trình lành bệnh. 

Phẫu thuật

Đây là biện pháp cuối cùng được thực hiện nếu các cách điều trị trên không hiệu quả trong 6 - 12 tháng. Tuy nhiên, biện pháp này có nhiều bất lợi liên quan đến rủi ro liên quan đến phẫu thuật cũng như có một số biến chứng như tổn thương dây thần kinh cảm giác, đứt cân gan chân và làm phẳng bàn chân.

Khi phát hiện bệnh, người bệnh nên thăm khám tại các cơ sở y tế. Quá trình chữa trị có thể khó khăn hơn ở những người bệnh đến khám và xử trí muộn. Những trường hợp không được điều trị sớm sẽ gây đau gót chân mạn tính, làm cản trở khả năng đi đứng và các cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết