Cùng BookingCare tham khảo ý kiến của chuyên gia tiêu hóa cùng các vấn đề xoay quanh câu hỏi: Viêm dạ dày có nguy hiểm không?
Những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh viêm dạ dày ngày càng tăng. Nhiều người khi mới phát hiện mình bị bệnh thường băn khoăn: “Bệnh lý viêm dạ dày có nguy hiểm không? Câu trả lời là có bởi vì nếu bệnh không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
3 biến chứng phổ biến của viêm dạ dày bao gồm: Loét dạ dày – tá tràng kèm hoặc không kèm xuất huyết tiêu hóa, viêm mạn tính ở dạ dày gây thiếu máu mạn và/hoặc ung thư dạ dày
Khi tình trạng viêm dạ dày, đặc biệt là bệnh dạ dày phản ứng do thuốc kháng viêm không steroid, do stress, do rượu, hoặc viêm dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori (gọi tắt là H.p) có thể gây ra các vết loét ở dạ dày hoặc tá tràng.
Hẹp môn vị dạ dày là biến chứng rất hay xảy ra ở người bị loét dạ dày ở vị trí hang – môn vị, hoặc đoạn đầu của hành tá tràng. Vị trí này là nơi dạ dày đẩy thức ăn đã được nghiền nhỏ và nhào trộn với dịch vị để đưa xuống tá tràng – ruột non để tiếp tục tiêu hóa. Loét lớn (thường trên 2cm), mạn tính ở vị trí hang – môn vị và hành tá tràng làm “cửa ngõ” này bị hẹp, dẫn đến việc dạ dày phải tăng lực co bóp thức ăn, nhưng môn vị ngày càng hẹp dần. Khi lỗ môn vị bị chít hẹp, dạ dày bị giãn to chứa nhiều dịch và thức ăn cũ ứ đọng.
Người bệnh sẽ có triệu chứng đau bụng, nôn ói nhiều lần, dịch nôn là thức ăn cũ từ bữa ăn trước hoặc 2 -3 ngày trước, mùi hôi thối. Bên cạnh đó, việc nôn nhiều sẽ gây ra tình trạng mất nước, mất cân bằng điện giải, không hấp thu được dinh dưỡng từ thức ăn, sinh ra mệt mỏi. Dần dần bệnh nhân sẽ sụt cân nhiều, da dẻ khô hốc hác, mắt trũng sâu do mất nước, suy kiệt nặng nề có thể dẫn đến lơ mơ, hôn mê.
Bên cạnh đó loét dạ dày – tá tràng có thể gây ra hai biến chứng nguy hiểm chính là xuất huyết tiêu hóa và thủng ổ loét.
Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa biểu hiện bằng triệu chứng ói ra máu đỏ, hoặc tiêu phân đen sệt tanh, hoặc tiêu máu đỏ. Tùy vào mức độ và thời gian mất máu mà biểu hiện sẽ khác nhau. Những bệnh nhân có ổ loét nhỏ, chảy máu rỉ rả có thể không nhìn thấy được bằng mắt thường có thể dẫn đến thiếu máu mạn; bệnh nhân xanh xao, da niêm nhạt, chóng mặt khi làm việc nặng. Những bệnh nhân có ổ loét sâu, máu chảy rỉ rả hoặc phun thành tia, triệu chứng sẽ nhanh chóng, nguy kịch hơn.
Bệnh nhân sẽ có những sự thay đổi cấp tính như mạch nhanh, huyết áp tụt, bứt rứt sau đó lơ mơ, hôn mê thậm chí tử vong, tùy theo thể tích máu đã bị mất đi. Xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày - tá tràng là một bệnh cảnh nặng cần phải được theo dõi và can thiệp sâu bởi các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, thậm chí cần phải có sự bởi các bác sĩ chuyên khoa ngoại hoặc bác sĩ mạch máu để cầm máu càng sớm càng tốt, nhằm cứu chữa tính mạng bệnh nhân.
Thủng ổ loét dạ dày tá tràng xuất hiện khi ổ loét ngày càng sâu, dẫn đến thủng. Triệu chứng rõ rệt nhất là cơn đau bụng dữ dội đột ngột, có bệnh nhân mô tả cơn đau giống như “tiếng thét giữa trời quang mây tạnh”. Là một tình trạng cấp cứu cần phải can thiệp bằng ngoại khoa, độ nặng của bệnh tăng dần lên theo mỗi giờ trì hoãn điều trị, có thể dẫn đến tử vong do nhiễm trùng nặng.
Chính vì vậy, thủng ổ loét trở thành một biến chứng nguy hiểm đáng sợ của bệnh.
Trong niêm mạc dạ dày, ngoài chức năng chế tiết chất nhầy, còn có chức năng tiết axit clohidric HCl và yếu tố nội tại, có nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong hấp thu vitamin B12, một chất có vai trò trong việc tạo hồng cầu.
Trong viêm dạ dày mạn tính, do các nguyên nhân như nhiễm vi khuẩn H.p làm cho các tuyến đáy vị của dạ dày bị phá hủy, hoặc bệnh Viêm dạ dày thiếu máu ác tính – là bệnh lý tự miễn làm cho các tuyến đáy vị mất khả năng tổng hợp yếu tố nội tại và chế tiết axit. Những tình trạng này làm cho sự hấp thu Vitamin B12 bị đình trệ, mất khả năng tạo máu và tái tạo các tế bào thần kinh – làm cho cơ thể bị thiếu máu trầm trọng.
Ung thư dạ dày
Khi bệnh nhân xuất hiện tình trạng viêm dạ dày mạn, thường xuất hiện tình trạng chuyển sản niêm mạc ruột. Chuyển sản ruột là hiện tượng các tế bào ở dạ dày thay đổi cấu trúc để trở thành một tế bào mới mất chức năng, từ giai đoạn chuyển sản ruột này, các tế bào dạ dày có nguy cơ trở nên nghịch sản và tăng sinh không kiểm soát. Có sự liên quan chặt chẽ giữa những người bệnh có viêm dạ dày mạn, chuyển sản ruột, và nghịch sản ở dạ dày và bệnh lý ung thư dạ dày.
Do đó các tổn thương này được xem là tổn thương tiền ung thư dạ dày, trong đó nghịch sản được xem là tổn thương tiền ung thư trực tiếp.
Các đối tượng được xem là có yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày bao gồm: bệnh nhân viêm dạ dày do vi khuẩn H.p, tình trạng trào ngược dịch mật kéo dài, hút thuốc lá kéo dài, chế độ ăn mặn và các thực phẩm muối chua, hoặc nguy hiểm hơn là bệnh nhân sử dụng dài hạn các thuốc ức chế bơm proton (PPI) không có sự kiểm soát và theo dõi của bác sĩ điều trị.
Nếu phát hiện ung thư dạ dày sớm thì người bệnh có thể kéo dài thời gian sống từ 5 tới 10 năm. Tuy nhiên ung thư dạ dày cũng như viêm dạ dày mạn không có dấu hiệu đặc trưng, phần lớn không triệu chứng, khiến nhiều người lầm tưởng và chủ quan khi có các vấn đề ở dạ dày.
Vì vậy đa số các trường hợp bệnh nhân phát hiện khi ung thư đã vào giai đoạn cuối. Tỷ lệ phát hiện ung thư dạ dày ở vị trí bờ cong nhỏ hang vị chiếm tỷ lệ cao nhất.
Do sự nguy hiểm của ung thư dạ dày mà các chương trình tầm soát ung thư trở nên rất thiết yếu. Chỉ định tầm soát ung thư dạ dày ở:
Các phương pháp tầm soát có thể là nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng bằng máy nội soi hiện đại, có hệ thống ánh sáng dải tần hẹp, hệ thống ánh sáng trắng nhằm phát hiện ra các tổn thương ung thư giai đoạn sớm để can thiệp kịp thời.
Các biến chứng của viêm dạ dày nếu xuất hiện đều rất nguy hiểm, vì vậy việc phát hiện và điều trị bệnh viêm dạ dày sớm là vô cùng quan trọng. Nếu để bệnh chuyển giai đoạn nặng sẽ rất khó khăn trong việc điều trị.
Tóm lại, khi bạn có các triệu chứng của các bệnh lý tiêu hóa, dù là triệu chứng nhẹ thoáng qua, cần được đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa thăm khám, theo dõi, đưa ra các chỉ định thích hợp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.