Viêm đa rễ dây thần kinh: Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp chữa trị
Viêm đa rễ dây thần kinh: Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp chữa trị
Viêm đa rễ dây thần kinh là bệnh lý về thần kinh phổ biến
Viêm đa rễ dây thần kinh là bệnh lý về thần kinh phổ biến - Ảnh: BookingCare

Viêm đa rễ dây thần kinh: Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp chữa trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 07/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 15/04/2024
Viêm đa rễ dây thần kinh là bệnh lý về thần kinh phổ biến. Theo diễn biến, bệnh được chia thành hai dạng là viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính (hội chứng Guillain Barre) và viêm đa rễ dây thần kinh mạn tính.

Viêm đa rễ dây thần kinh là tình trạng dây thần kinh bị viêm, tổn thương mất bao myelin, sợi trục của rễ dây thần kinh do một số nguyên nhân: bệnh lý tự miễn, viêm, nhiễm trùng, suy giáp,... 

Bệnh bao gồm viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính (hội chứng Guillain Barre) và viêm đa rễ dây thần kinh mạn tính theo diễn biến, các triệu chứng thường tương tự nhau. Khoảng 2 - 5% bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng Guillain Barre phát triển thành viêm đa rễ thần kinh mạn tính.

Vậy đây là bệnh lý gì? Viêm đa rễ dây thần kinh có nguy hiểm không? Hãy tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý này qua bài viết dưới đây.

Viêm đa rễ dây thần kinh là bệnh gì?

Viêm đa rễ dây thần kinh là bệnh lý tổn thương tại các dây thần kinh ngoại biên với các triệu chứng phổ biến: tê, yếu thậm chí liệt tay, chân.

Bệnh được chia thành hai loại theo diễn tiến của bệnh bao gồm:

Viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính

Viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính (hay gọi là Hội chứng Guillain Barre) là bệnh lý cấp cứu thần kinh, liên quan đến sự phá hủy myelin hoặc có thể ảnh hưởng đến sợi trục. 

Khi tiến triển nặng và nghiêm trọng, bệnh có thể gây tử vong do suy hô hấp và ngừng tim (Rối loạn thần kinh tự chủ). 

Khi được chẩn đoán mắc bệnh, người bệnh thường phải nhập viện để điều trị.

Do khi các tác nhân gây viêm tấn công, cơ thể sản xuất kháng thể để bảo vệ, tuy nhiên các kháng thể này tấn công cả myelin và sợi trục thần kinh, bởi vậy viêm đa rễ thần kinh cấp tính thường khởi phát sau khi người bệnh mắc gặp tác nhân gây viêm, nhiễm trùng (Ví dụ sau tiêm ngừa vaccine, nhiễm virus, nhiễm trùng đường tiêu hóa,...) khoảng vài tuần. Và đây cũng là bệnh lý tự miễn và không di truyền.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gặp ở nam giới.

Bệnh có thể tự khỏi trong vài tháng đến vài năm (thời gian hồi phục lâu) nếu qua giai đoạn nguy hiểm. Một số trường hợp bị di chứng thần kinh lâu dài: mệt mỏi, suy nhược, tê bì chân tay.  

Viêm đa rễ dây thần kinh mạn tính (CIDP)

Viêm đa rễ dây thần kinh mạn tính ít gặp, nguyên nhân chủ yếu là tự miễn dịch của cơ thể (xếp vào bệnh lý tự miễn) và kéo dài nhiều tháng (tiến triển trong thời gian trên 2 tháng). 

Viêm đa rễ dây thần kinh mất myelin mạn tính được phát hiện ở 2-5% bệnh nhân mắc hội chứng Guillain-Barre ban đầu. 

Bệnh có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào nhưng hay gặp hơn ở độ tuổi 50-60 và nguy cơ mắc bệnh ở đàn ông cao gấp đôi phụ nữ.

Nguyên nhân viêm đa rễ dây thần kinh

Viêm đa rễ dây thần kinh có thể do nhiều nguyên nhân gây nên:

  • Các nhiễm trùng ở người do virus, vi khuẩn gây nên và bệnh lý tự miễn:  
    • Đây là nguyên nhân chính gây viêm đa rễ dây thần kinh cấp. Nhiễm trùng là yếu tố khởi phát ở hơn 50% bệnh nhân. 
    • Các tác nhân bao gồm: streptococcus B, vi khuẩn, virus đường ruột, các loại Mycoplasma, virus Herpes (cả vi-rút cytomegalo và Epstein-Barr), HIV,...
    • Hệ miễn dịch sản sinh ra các kháng thể bảo vệ khi bị các tác nhân nhiễm khuẩn tấn công, và các kháng thể này cũng tấn công cả bao myelin của sợi trục thần kinh, làm tổn thương và giảm tốc độ dẫn truyền thần kinh, gây nên bệnh viêm đa rễ dây thần kinh.
  • Bệnh lý toàn thân:  đái tháo đường suy thận tăng urê máu, suy giáp, thiếu vitamin B12, nghiện rượu cũng tăng nguy cơ mắc viêm đa rễ dây thần kinh.
  • Thuốc: Nguyên nhân gây bệnh cũng có thể đến từ các  loại thuốc điều trị ung thư, thuốc tiêu sợi huyết như Streptokinase. 
  • Vô căn: Tới 30-40% trường hợp các bệnh nhân mắc viêm đa rễ dây thần kinh nhưng không tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Các triệu chứng của viêm đa rễ dây thần kinh

Triệu chứng của viêm đa rễ dây thần kinh thường phổ biến với tình trạng yếu, liệt các cơ thường khởi phát ở chi dưới, cụ thể như sau:

  • Yếu, dần có thể liệt các cơ, thường bắt đầu ở hai chân và diễn tiến tới hai tay.
  • Người bệnh có thể cảm giác ngón tay, ngón chân như bị kim châm, cảm giác này lan tới mắt cá chân hoặc cổ tay, dần dẫn tới mất cảm giác ở tay, chân kiểu mang găng mang vớ.
  • Vùng cánh tay và chân có cảm giác ngứa ran.
  • Mất thăng bằng, đi lại không vững hoặc có thể dẫn tới không thể đi bộ hay leo cầu thang.
  • Các cử động khuôn mặt như nói, nhai, nhìn, nuốt gặp khó khăn và có thể gây sặc do liệt dây thần kinh VII ngoại biên 2 bên, liệt dây thần kinh IX, X.
  • Ngoài ra, một số trường hợp có các triệu chứng: liệt ruột, bí tiểu, tăng huyết áp, mạch nhanh,...
  • Một vài trường hợp nặng có tình trạng khó thở, suy hô hấp.

Do các triệu chứng rối loạn cảm giác và vận động ở bệnh nhân, bệnh lý này có thể gây nên các biến chứng cho người mắc nếu tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn và người bệnh không được điều trị kịp thời:

  • Chấn thương vùng da (bỏng, trầy xước nặng,...) do tổn thương dây thần kinh gây loạn cảm giác (không cảm nhận được nhiệt độ nóng, lạnh hay đau đớn).
  • Nhiễm trùng như trường hợp lòng bàn chân người đái tháo đường do tổn thương không được phát hiện và chữa trị..
  • Bị vấp, té ngã do yếu các cơ ở chi, giảm cảm giác định vị và khả năng thăng bằng.
Yếu liệt cơ chân là triệu chứng của bệnh viêm đa rễ dây thần kinh - Ảnh: Freepik

Chẩn đoán viêm đa rễ dây thần kinh

Khi nghi ngờ người bệnh có các dấu hiệu, triệu chứng của viêm đa rễ dây thần kinh, bác sĩ sẽ chỉ định làm một số các xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh: xét nghiệm dịch não tủy, điện cơ:

  • Xét nghiệm dịch não tủy: Xét nghiệm này để phát hiện sự phân ly đạm tế bào (protein tăng nhưng số lượng bạch cầu bình thường). Tuy nhiên, không được chủ quan loại trừ bệnh khi kết quả thấy protein không tăng do các trường hợp làm xét nghiệm quá sớm sẽ không thấy xuất hiện tình trạng này .
  • Điện cơ: Xét nghiệm để phát hiện sự mất myelin do đo tốc độ dẫn truyền thần kinh của rễ và sợi thần kinh ảnh hưởng. Kết quả ở người bệnh thường là tốc độ dẫn truyền giảm hoặc mất.

Ngoài hai xét nghiệm cơ bản trên, bác sĩ có thể chỉ định thêm như công thức máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng, chụp MRI (nghi ngờ chèn ép tủy cổ) và không liên quan đến hành tủy nhưng có thể có triệu chứng giống hội chứng Guillain Barre),...

Điều trị viêm đa rễ dây thần kinh

Khi được chẩn đoán mắc viêm đa rễ dây thần kinh, người bệnh cần được nhập viện để theo dõi và điều trị. Nguyên tắc điều trị bao gồm: điều trị nguyên nhân bệnh (nhiễm trùng, bệnh toàn thân,...), cung cấp đầy đủ chất  dinh dưỡng và bù nước, điện giải cho người bệnh, phòng ngừa các biến chứng.

Các phương pháp điều trị viêm đa rễ dây thần kinh

  • Liệu pháp globulin miễn dịch truyền tĩnh mạch (IVIG): Đây là phương pháp truyền globulin miễn dịch vào tĩnh mạch (IV). IVIG có thể làm giảm sự tấn công của hệ thống miễn dịch lên dây thần kinh. 
  • Tách/lọc huyết tương (plasmapheresis): Phương pháp điều trị sử dụng máy tách huyết tương khỏi máu, xử lý huyết tương và sau đó đưa huyết tương và máu trở lại cơ thể. Phương pháp này lọc ra các kháng thể trong huyết tương đang tấn công dây thần kinh. 
  • Corticosteroid: Giúp cải thiện tình trạng viêm. Thường được chỉ định trong điều trị CIDP.

Hy vọng, bài viết cung cấp các thông tin cần thiết về viêm đa rễ dây thần kinh. Khi nghi ngờ có các triệu chứng, người bệnh cần đi khám ngay bởi đây là bệnh lý nguy hiểm, cần phối hợp các phương pháp điều trị, chăm sóc chuyên sâu. Cần có một lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế rượu bia,... để phòng ngừa và hạn chế bệnh diễn biến nặng lên.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare