Viêm đại tràng: triệu chứng, nguyên nhân, cách đi khám và điều trị hiệu quả

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 23/02/2018 - Cập nhật lần cuối: 01/01/2024

Đại tràng còn được gọi là ruột già, phần cuối của ống tiêu hóa trong cơ thể. Viêm đại tràng là hiện tượng đại tràng bị viêm nhiễm, gây đau bụng, đầy hơi, cảm giacs căng tức khó chịu, rối loạn đại tiện...

Viêm đại tràng gây đau bụng và căng thẳng tinh thần
Viêm đại tràng gây đau bụng và căng thẳng tinh thần - Ảnh minh họa: pixabay.com

Viêm đại tràng là bệnh Tiêu hóa thường gặp từ thanh niên cho tới người cao tuổi. Nguyên nhân của bệnh phần lớn là do ăn uống không hợp lý, sinh hoạt thiếu điều độ. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm đại tràng. 

Nhận thức chung về bệnh viêm đại tràng ở nước ta còn hạn chế nên nhiều người dân chưa có phương án dự phòng hiệu quả và thăm khám kịp thời. Đó có thể là lý do vì sao số lượng người Việt Nam mắc bệnh viêm đại tràng mãn tính hiện đã lên tới con số 4 triệu người, cao gấp 4 lần tỷ lệ mắc bệnh trung bình trên toàn cầu. 

Để có thêm thông tin về bệnh viêm đại tràng, một vấn đề có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của khoảng 20% người dân Việt Nam, mời bạn đọc theo dõi nội dung dưới đây. 

Viêm đại tràng là gì?

Đại tràng còn được gọi là ruột già, phần cuối của ống tiêu hóa trong cơ thể. Viêm đại tràng là hiện tượng đại tràng bị viêm nhiễm.

Viêm đại tràng là một bệnh tiêu hóa thường gặp. Bệnh khởi phát từ một đợt viêm đường tiêu hóa cấp tính do nhiễm khuẩn qua ăn uống nhưng không được điều trị triệt để dẫn tới hiện tượng nhờn thuốc, kháng thuốc.

Viêm đại tràng sau nhiều lần tái phát, bệnh chuyển sang viêm đại tràng mạn tính.

Ngoài ra, viêm đại tràng còn có thể do yếu tố tâm lý thần kinh như xúc động, lo lắng, stress... làm ảnh hưởng tới sự điều tiết của hệ thống thần kinh thực vật, gây tăng tiết các chất làm loét ruột.

Viêm đại tràng là bệnh Tiêu hóa thường gặp
Viêm đại tràng là bệnh Tiêu hóa thường gặp

Bệnh viêm đại tràng cấp tính

Bệnh viêm đại tràng cấp tính có liên quan chặt chẽ với vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Vì trong các môi trường đó có rất nhiều các loại vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng).

Triệu chứng đau bụng là chủ yếu, đau thắt bụng dưới, đau từng đoạn hoặc đau dọc theo khung đại tràng, đau do co thắt đại tràng, có khi gây cứng bụng. Tiêu chảy xảy ra đột ngột, phân toàn nước (có thể có máu, nhầy),người mệt mỏi, gầy sút nhanh.

Viêm đại tràng cấp diễn biến nhanh chóng gây mất nước và điện giải nếu không chữa trị kịp thời có thể bị trụy tim mạnh. Người bệnh không được chủ quan trước những triệu chứng này, mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ Tiêu hóa. 

Viêm đại tràng mãn tính là gì?

Bệnh viêm đại tràng mãn tính có nhiều nguyên nhân khác nhau, thông thường do đại tràng mắc bệnh cấp tính không được điều trị dứt điểm.

Viêm đại tràng mạn tính là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp ở nhiều nước đang phát triển, trong đó có nước ta, số người bị viêm đại tràng mạn tính ở nước ta chiếm tỉ lệ khoảng 20% dân số và đang có xu hướng gia tăng.

Viêm đại tràng mãn tính là quá trình viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc đại tràng với các mức độ khác nhau, nhẹ thì niêm mạc kém bền vững và dễ chảy máu, nặng xuất hiện các vết loét, sung huyết và xuất huyết, thậm chí có thể có những ổ áp-xe nhỏ...

1. Triệu chứng viêm đại tràng mạn

Đau bụng là triệu chứng hay gặp nhất. Đau âm ỉ ở phần dưới rốn, có thể đau bụng dọc theo khung đại tràng. Sau khi ăn, đau bụng dễ xuất hiện, đôi khi đau, buồn đi ngoài, sau khi đại tiện, hết đau.

Viêm đại tràng mạn, bụng nhiều hơi, đau, vì vậy, trung tiện nhiều và sau khi trung tiện, bụng đỡ đau hơn. Bụng hơi trướng, cảm giác căng tức, khó chịu.

Nhiều trường hợp, ban đêm đau bụng nhiều hơn, nhất là lạnh. Kèm theo đau bụng, trung tiện nhiều là rối loạn tiêu hóa, phân nát, không thành khuôn, đi đại tiện nhiều lần, đôi khi phân lại rắn gây táo bón.

Viêm đại tràng mạn tính không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng tới cuộc sống người bệnh, mà còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng hơn so với người bình thường. 

Do vậy, người bệnh cần đi khám Tiêu hóa và điều trị bệnh dứt điểm để giảm thiểu những biến chứng xấu có thể xảy ra. 

Đau bụng là triệu chứng hay gặp nhất của viêm đại tràng
Đau bụng là triệu chứng hay gặp nhất của viêm đại tràng
Ảnh: verywell

2. Nguyên nhân thường gặp gây viêm đại tràng mạn

  • Viêm đại tràng do amip
  • Viêm đại tràng do lao (lao ruột)
  • Viêm đại tràng giả mạc
  • Viêm loét đại tràng vô căn...

Chẩn đoán viêm đại tràng

Để chẩn đoán chính xác viêm đại tràng, người bệnh cần được thăm khám và tiến hành các xét nghiệm và thăm dò chức năng đại tràng. Trong đó, nội soi đại tràng bằng một ống dò có gắn camera để quan sát các bộ phận bên trong lòng đại tràng là một kỹ thuật quan trọng để chẩn đoán chính xác viêm đại tràng.

Ngoài ra, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân và chụp X.quang... cũng là những phương pháp thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định.

Nội soi đại tràng là phương pháp hiệu quả chẩn đoán bệnh viêm đại tràng
Nội soi đại tràng là phương pháp hiệu quả chẩn đoán bệnh viêm đại tràng

Phân biệt viêm đại tràng và viêm đại tràng co thắt (Hội chứng ruột kích thích)

Trong thực tế, rất nhiều người nhầm lẫn giữa viêm đại tràng và viêm đại tràng co thắt (hội chứng ruột kích thích). Thực tế đây là 2 bệnh (nhóm bệnh) về đại tràng khác nhau, ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe người bệnh và có phương án điều trị khác nhau.

1. Viêm đại tràng (cấp tính và mãn tính)

  • Do nhiễm các loại vi khuẩn, nhiễm ký sinh trùng có thể điều trị dứt điểm.
  • Ung thư đại tràng, viêm loét chảy máu, bệnh crohn.
  • Bệnh viêm đại tràng có tổn thương khu trú ở niêm mạc đại tràng.

2. Viêm đại tràng co thắt (Hội chứng ruột kích thích)

  • Do căng thẳng, mất ngủ (bệnh liên quan đến thần kinh trung ương)
  • Viêm ruột do vi khuẩn
  • Ăn nhiều chất béo, nhiều gia vị
  • Bệnh viêm đại tràng co thắt không gây tổn thương niêm mạc đại tràng
Bảng so sánh viêm đại tràng và viêm đại tràng co thắt
Bảng so sánh viêm đại tràng và viêm đại tràng co thắt

Xem thêm: Phân biệt viêm đại tràng co thắt và viêm đại tràng

Xem thêm: Bệnh viêm loét đại tràng chảy máu

Cách đi khám và điều trị bệnh viêm đại tràng hiệu quả

Viêm đại tràng và viêm đại tràng co thắt là 2 bệnh về đại tràng khác nhau có mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe khác nhau và phương án đều trị khác nhau.

Chẳng hạn, viêm đại tràng co thắt là bệnh không nguy hiểm mà chỉ gây khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt, giảm chất lượng cuộc sống. Cách điều trị tốt nhất là ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để tránh căng thẳng, lo lắng. Kết hợp tập thể dục và yoga, thiền rất tốt cho người viêm đại tràng co thắt.

Trong khi đó, bệnh viêm đại tràng (cấp và mạn tính) do nhiều nguyên nhân và mức độ khác nhau. Bệnh cần được khám, điều trị kịp thời tránh bệnh trầm trọng thêm và có thể gây nên biến chứng về sau.

Người bệnh viêm đại tràng hoặc nghi ngờ viêm đại tràng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Từ đó tiến hành các xét nghiệm, thăm dò chức năng cần thiết để chẩn đoán chính xác bệnh và có phương án điều trị phù hợp. 

Bệnh nhân không nên tự ý chẩn đoán bệnh và điều trị tại nhà. Không nên tự ý mua thuốc dựa trên thông tin quảng cáo chưa kiểm chứng dẫn đến bệnh không khỏi mà có thể gây trầm trọng thêm.

Tại Hà Nội, người bệnh có thể đến khám ở chuyên khoa Tiêu hóa các bệnh viện lớn như: Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa An Việt hoặc Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc...

 
 
Tài liệu tham khảo
https://youtu.be/g_tPgHw40xA
http://vtv.vn/suc-khoe/viem-dai-trang-can-benh-am-i-co-the-bien-chung-thanh-ung-thu-2017100207033342.htm
http://suckhoedoisong.vn/benh-viem-dai-trang-man-tinh-n110204.html
http://suckhoedoisong.vn/benh-viem-dai-trang-cap-tinh-n109486.html
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/