Viêm gan C lây nhiễm qua đường nào
Viêm gan C lây nhiễm qua đường nào
Viêm gan C lây nhiễm qua đường nào - Ảnh: BookingCare
Viêm gan C lây nhiễm qua đường nào - Ảnh: BookingCare

Viêm gan C lây nhiễm qua đường nào

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 28/09/2020 | Cập nhật lần cuối: 21/11/2023
Viêm gan C lây nhiễm qua 3 con đường: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền cho con. Bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm không kém viêm gan B. Hiện nay chưa có vacxin phòng ngừa viêm gan C.

Bệnh viêm gan C là bệnh gan do virus viêm gan C (HCV) gây ra. Nhiễm virus HCV gây tổn thương và hoại tử tế bào gan,hậu quả là tổn thương gan mạn tính, dần dần đưa đến xơ gan và nguy hiểm nhất là ung thư gan. Virus viêm gan C có thể gây ra viêm gan siêu vi cấp và mãn tính.

Bệnh viêm gan C diễn biến thầm lặng nhưng lại gây ra những hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện. Biến chứng xơ gan thường gặp xảy ra khoảng 20 - 30 năm sau nhiễm virus viêm gan C, thời gian tiềm ẩn có thể kéo dài đến hàng chục năm 

Con đường lây nhiễm viêm gan C

Bệnh viêm gan C là một bệnh truyền nhiễm và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm không kém viêm gan B. Hiện nay, vacxin phòng virus HCV vẫn đang được nghiên cứu, do đó việc hiểu rõ các con đường lây nhiễm viêm gan C sẽ giúp bạn và người thân phòng tránh bệnh tốt hơn.

3 con đường lây nhiễm chính: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền cho con qua nhau thai khi sinh.

1. Lây nhiễm qua đường máu

Viêm gan C là một bệnh truyền qua đường máu. Thông thường, virus sẽ xâm nhập vào cơ thể thông qua đường truyền máu, tiêm chích.

Mặc dù các biện pháp tầm soát viêm gan C ở lựa chọn người cho máu đang được áp dụng nhưng vẫn có khả năng virus viêm gan C được truyền sang người nhận khi có những sai sót trong kỹ thuật xét nghiệm máu được hiến tặng.

Nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan C chủ yếu theo đường máu:

  • Người nhận máu hoặc chế phẩm máu nhiễm siêu vi C
  • Dùng chung kim tiêm nhiễm siêu vi C
  • Nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh phẩm có chứa HCV
  • Chạy thận dài ngày, dùng chung trang thiết bị y khoa bị nhiễm HCV chưa được xử lý vô khuẩn
  • Một số nguyên nhân khác như châm cứu, bấm lỗ tai, xăm mình mà các dụng cụ hành nghề không tuyệt đối vô khuẩn...

2. Lây nhiễm qua con đường tình dục

Viêm gan C có thể lây truyền qua đường tình dục nhưng tỷ lệ nhỏ hơn ở viêm gan B. Người lành có thể bị nhiễm virus siêu vi C nếu quan hệ tình dục không an toàn với người đã nhiễm bệnh.

Nếu trong tinh dịch của người đàn ông mắc bệnh viêm gan C có chứa máu, thông qua các vết xước ở niệu đạo trong quá trình quan hệ tình dục, HCV có thể xuyên vào máu của người bạn tình và đến gan để tấn công vào tế bào gan.

3. Lây nhiễm HCV từ mẹ sang con

Hình thái lây nhiễm này tuy không phổ biến (5%) nhưng vẫn được xem là con đường lây nhiễm nguy hiểm.

Lây truyền mẹ - con chủ yếu xảy ra vào lúc sinh, còn lây truyền khi trẻ còn là bào thai lại rất hiếm.

Trẻ bị nhiễm cũng có thể có khả năng loại trừ tự nhiên HCV. Tuy nhiên cần phải theo dõi xét nghiệm HCV RNA và Anti-HCV định kỳ để phát hiện sớm, từ đó có kế hoạch điều trị thuốc kháng virus khi trẻ lớn hơn 3 tuổi.

Việc sinh tự nhiên hay sinh mổ đều có tỷ lệ lây bệnh tương đương như nhau. Mặc dù bệnh không lây qua sữa mẹ nhưng các bà mẹ bị nhiễm virus viêm gan C được khuyến cáo không nên cho con bú trực tiếp mà hãy vắt sữa rồi cho con bú, tránh trường hợp núm vú bị trầy xước có thể rất dễ lây truyền sang con.

Cách phòng tránh lây nhiễm viêm gan C

Phòng tránh nhiễm mới HCV

Tránh lây qua đường máu

  • Phải tuyệt đối vô khuẩn các dụng cụ y tế có liên quan đến người bệnh. Việc kiểm tra thật nghiêm ngặt trước khi nhận máu của người hiến máu là hết sức cần thiết.
  • Đội ngũ y, bác sĩ phải nắm rõ đối tượng mình phục vụ có bị nhiễm virus viêm gan C hay không để đề phòng khi làm các thủ thuật có tiếp xúc với máu.
  • Khi phải dùng bơm kim tiêm để tiêm hoặc truyền, tuyệt đối không dùng chung bơm kim tiêm và phải dùng bơm kim tiêm đã tuyệt đối vô khuẩn.
  • Đối với nam giới, không dùng chung dao cạo râu.

 Tránh lây nhiễm trong quan hệ tình dục

Khi đã biết hoặc nghi ngờ đối tượng tiếp xúc có mang mầm bệnh thì nhất thiết phải dùng bao cao su ngay từ đầu. Bệnh không bị lây khi hắt hơi, ho, hôn, ăn chung chén bát, sử dụng chung nhà vệ sinh hay qua những hành vi giao tiếp thông thường.

Người bệnh cần thực hiện một số biện pháp để đề phòng lây bệnh cho người khác

  • Tránh dùng chung kim tiêm hay những vật dụng tương tự (như xăm mình, tiêm chích thuốc, kim châm cứu,…)
  • Tránh những hành vi tình dục có nguy cơ cao gây chảy máu và tránh giao hợp khi hành kinh (sử dụng bao cao su làm giảm nguy cơ).
  • Làm sạch vết máu (dùng găng cao su và chất khử trùng).
  • Tránh sử dụng chung những vật dụng vệ sinh cá nhân (bàn chải đánh răng, dao cạo, cắt móng tay) vì chúng có thể dây máu.
  • Phụ nữ nên cẩn thận khi hành kinh và nên vứt bỏ băng vệ sinh vào nơi an toàn.

Con đường lây nhiễm của viêm gan C chủ yếu qua đường máu và đường tình dục, do đó, khả năng lây lan của virus viêm gan C cũng kém hơn viêm gan B. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên chủ quan mà cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự lây nhiễm của bệnh.

 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết